Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần đây, một công ty công nghệ lớn đối mặt với áp lực chia tách trên 2 mặt trận pháp lý riêng biệt cùng lúc.
Google bị kết luận độc quyền 2 lần, đối mặt nguy cơ chia tách mảng quảng cáo và bán trình duyệt Chrome - Ảnh: Bloomberg
Hai vụ kiện, một thách thức lịch sử
Phán quyết mới nhất, được đưa ra trong tuần này bởi thẩm phán Leonie Brinkema, cho rằng Google đã kiểm soát bất hợp pháp thị trường sàn giao dịch quảng cáo và các công cụ hỗ trợ các trang web bán không gian quảng cáo - còn gọi là máy chủ quảng cáo.
Phán quyết này nối tiếp quyết định từ năm ngoái của thẩm phán Amit Mehta tại Washington, người đã xác định rằng Google chiếm lĩnh thị trường tìm kiếm trực tuyến bằng cách trả tiền cho các nhà sản xuất thiết bị và trình duyệt để đặt công cụ tìm kiếm của mình làm mặc định.
Hai phán quyết này không chỉ là những chiến thắng pháp lý của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), mà còn mở ra khả năng buộc Google phải thực hiện những thay đổi mang tính cấu trúc, bao gồm việc chia tách các mảng kinh doanh quan trọng.
Giáo sư luật Rebecca Allensworth tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) nhận định đây là tình huống chưa từng có. “Trong lịch sử, các vụ chia tách lớn thường được thực hiện dưới sự giám sát của một thẩm phán duy nhất. Việc phải phối hợp biện pháp khắc phục trong 2 vụ kiện độc lập là điều rất phức tạp”, bà Rebecca nói.
Phiên điều trần kéo dài 3 tuần sẽ bắt đầu vào tuần tới nhằm thảo luận các biện pháp khắc phục cho phán quyết liên quan đến hoạt động tìm kiếm. Thẩm phán Mehta được kỳ vọng sẽ ra quyết định vào tháng 8. Trong khi đó, thẩm phán Brinkema - người đưa ra phán quyết về quảng cáo - cũng sẽ thiết lập các phiên điều trần để xem xét giải pháp phù hợp.
Việc đưa ra các biện pháp khắc phục đồng bộ nhưng cho 2 lĩnh vực khác nhau trong cùng một công ty đặt ra thách thức lớn. Dù cả 2 vụ kiện có cùng nguyên đơn là DOJ, chúng được xử lý tách biệt, với yêu cầu pháp lý và giải pháp riêng biệt.
Google kháng cáo, DOJ không nhượng bộ
Ngay sau phán quyết về quảng cáo, Google tuyên bố sẽ kháng cáo. “Chúng tôi không đồng ý với quyết định của tòa án liên quan đến các công cụ dành cho nhà xuất bản. Các nhà xuất bản có nhiều lựa chọn và họ chọn Google vì công nghệ của chúng tôi đơn giản, hiệu quả và có giá hợp lý”, Phó chủ tịch pháp lý Lee-Anne Mulholland của Google nói.
Tuy nhiên, trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ, bà Gail Slater khẳng định lập trường cứng rắn của chính phủ: “Google là một công ty độc quyền và đã lạm dụng quyền lực đó”.
Google đã từng cố gắng đàm phán để tránh việc chia tách, đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm, nhưng nỗ lực này không thành công. Quan trọng hơn, Bộ Tư pháp Mỹ không thể chỉ áp dụng các khoản phạt tài chính - vì luật không cho phép - nên mọi biện pháp khắc phục đều phải dẫn đến thay đổi cấu trúc hoặc hành vi của doanh nghiệp.
Tương lai của Chrome và quảng cáo hiển thị có thể thay đổi
Một trong những đề xuất mạnh mẽ từ DOJ là buộc Google phải bán trình duyệt Chrome - công cụ đang chiếm phần lớn thị phần trình duyệt toàn cầu - nhằm chấm dứt lợi thế độc quyền trên thị trường tìm kiếm.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ muốn Google cấp quyền truy cập dữ liệu tìm kiếm cho các đối thủ, đồng thời cấm mọi hình thức trả tiền để giữ vị trí mặc định trên thiết bị và trình duyệt của bên thứ ba - một chiến lược mà Google đã sử dụng để duy trì sự thống trị.
Thẩm phán Mehta từng kết luận rằng Google đã chi hàng tỉ USD để đặt công cụ tìm kiếm của mình làm mặc định trên các thiết bị Apple và trình duyệt phổ biến, gây cản trở đáng kể đối với đối thủ.
Vào tháng 11 năm ngoái, Google gọi các đề xuất của DOJ là “chương trình can thiệp cực đoan, gây hại cho người tiêu dùng Mỹ và ảnh hưởng đến vị thế công nghệ của Mỹ”.
Theo giáo sư Allensworth, các đề xuất sửa chữa đòi hỏi sự chính xác và kỹ thuật cao. “Không thể đơn giản chia nhỏ Google chỉ trong vài dòng tóm tắt. Hai vụ kiện này xử lý hai lĩnh vực khác nhau và không thể áp dụng chung một công thức”, ông nói.
Trong lĩnh vực quảng cáo, DOJ yêu cầu Google bán toàn bộ bộ công cụ Ad Manager, bao gồm máy chủ quảng cáo DFP và sàn giao dịch AdX. Cơ quan này nhấn mạnh rằng việc Google mua lại DoubleClick và các nền tảng tương tự đã tạo ra lợi thế lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh. Tuy nhiên, thẩm phán Brinkema lại cho rằng chính phủ chưa chứng minh được các thương vụ mua lại đó là hành vi chống cạnh tranh.
Dù vậy, Allensworth cho rằng điều này không làm thay đổi bản chất vấn đề. “Chính sự tích hợp theo chiều dọc - khi Google kiểm soát cả khâu mua và bán quảng cáo - mới là yếu tố dẫn đến hành vi gây lo ngại,” bà nói.
Tác động tiềm tàng
Nếu các đề xuất khắc phục được thông qua, tác động tài chính đối với Google sẽ không nhỏ. Quảng cáo là nguồn thu chính của công ty, và việc phải tách bộ phận này ra sẽ làm thay đổi sâu sắc mô hình kinh doanh.
Tuy nhiên, quá trình thực thi không thể diễn ra ngay lập tức. Với các phiên điều trần sắp tới và khả năng kháng cáo kéo dài nhiều năm, những thay đổi thực chất khó có thể thấy trong ngắn hạn.
“Việc chia tách mảng quảng cáo sẽ gây bất lợi lớn cho mô hình doanh thu hiện tại của Google. Nhưng đừng mong đợi điều đó xảy ra sớm. Mọi chuyện còn phụ thuộc vào kết quả của quá trình kháng cáo”, nhà phân tích Dan Morgan từ công ty dịch vụ tài chính Mỹ Synovus nhận định.
Hai vụ kiện chống độc quyền lớn diễn ra song song đã đưa Google vào tâm điểm của một trong những cuộc điều tra pháp lý lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Dù kết quả cuối cùng ra sao, đây sẽ là cột mốc quan trọng định hình lại cách các chính phủ đối xử với các tập đoàn công nghệ có sức ảnh hưởng toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Hoàng Vũ