Lý do nào khiến Ai Cập hủy mua tiêm kích Su-35?

Lý do nào khiến Ai Cập hủy mua tiêm kích Su-35?
8 giờ trướcBài gốc
Chiến đấu cơ Su-35 được coi là "con gà đẻ trứng vàng" của Nga khi được nhiều nước mong muốn sở hữu.
Thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD được ký kết vào năm 2018 từng được xem là một cú hích lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, với việc cung cấp 24 chiếc Su-35 cho Ai Cập, quốc gia đối tác truyền thống của cả Mỹ lẫn Nga.
Tuy nhiên, đến năm 2020, Cairo bất ngờ rút lui khỏi thương vụ này, gây rất nhiều đồn đoán về lý do từ bỏ.
Khi đó, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này chủ yếu do sức ép từ Washington và nguy cơ bị trừng phạt theo Đạo luật CAATSA.
Nhưng theo tiết lộ mới nhất từ phía Ai Cập lại cho biết lý do thực sự là đến từ những khuyết điểm kỹ thuật của chính dòng tiêm kích đình đám Su-35.
Đầu tiên là vấn đề radar. Su-35 sử dụng radar Irbis-E thuộc loại mảng quét điện tử thụ động (PESA), một công nghệ đã lỗi thời so với radar AESA hiện đại đang có mặt trên các máy bay phương Tây như F-35 hay Rafale, dòng tiêm kích mà Ai Cập cũng đang sử dụng.
Không chỉ radar, hệ thống tác chiến điện tử của Su-35 cũng bị chê là yếu.
Theo phía Ai Cập, hệ thống phòng vệ điện tử của chiếc tiêm kích này không đủ khả năng chống lại các biện pháp gây nhiễu hiện đại, khiến máy bay dễ trở thành mục tiêu trong các trận không chiến, nhất là khi đối mặt với các đối thủ sở hữu công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến.
Ngoài ra, động cơ AL-41F1S trên Su-35, mặc dù tạo ra lực đẩy mạnh, lại bộc lộ nhiều hạn chế.
Động cơ phát ra tín hiệu nhiệt và tiếng ồn lớn, khiến máy bay dễ bị phát hiện bởi radar hoặc cảm biến hồng ngoại, làm giảm khả năng sống sót trên chiến trường.
Thêm vào đó, mức tiêu thụ nhiên liệu cao của động cơ này khiến tầm bay và tải trọng vũ khí của Su-35 đều bị hạn chế so với các đối thủ phương Tây Rafale, thậm chí so với tiêm kích một động cơ F-16.
Một vấn đề chiến thuật khác khiến Ai Cập không hài lòng là sự phụ thuộc của Su-35 vào máy bay cảnh báo sớm (AWACS).
Trong khi học thuyết không quân của Ai Cập nhấn mạnh khả năng tác chiến độc lập, đặc biệt là trong các chiến dịch ở những khu vực như Libya hoặc bán đảo Sinai, thì Su-35 lại cần sự chỉ huy và dẫn đường liên tục từ AWACS để phát huy hiệu quả.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các dòng máy bay như Rafale, vốn được thiết kế để hoạt động độc lập nhờ tích hợp radar AESA và hệ thống tác chiến điện tử SPECTRA.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Ai Cập tiếp tục tăng cường đội hình Rafale, với tổng cộng 54 chiếc được Pháp cung cấp, đồng thời bắt đầu hướng sự quan tâm sang các lựa chọn khác.
Quyết định của Ai Cập từ bỏ thỏa thuận Su-35 là một đòn giáng vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Indonesia và Ấn Độ cũng đã từ bỏ việc mua Su-35, với lý do hạn chế về mặt kỹ thuật và rủi ro địa chính trị.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm căng thẳng thêm khả năng sản xuất và cung cấp các hệ thống tiên tiến của Nga, với các dây chuyền sản xuất bị gián đoạn do lệnh trừng phạt và tổn thất trên chiến trường.
Truyền thông thế giới vào 6/2025 lưu ý rằng việc Nga không giao Su-35 cho Iran đúng hạn đã làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của Moscow với tư cách là nhà cung cấp
Việc chuyển hướng Su-35 của Ai Cập sang Iran, được India Today đưa tin, nhấn mạnh sự chuyển hướng của Nga sang các thị trường ít truyền thống hơn.
Tuy nhiên, những khó khăn của riêng Iran trước F-35 của Israel trong chiến dịch không quân vào tháng 6/2025, như Newsweek đưa tin, làm lộ điểm yếu của Su-35 trước các hệ thống tiên tiến của phương Tây.
Nỗ lực thúc đẩy máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga vẫn chưa đạt được sức hút, với ít hơn một chục đơn vị hoạt động tính đến năm 2025.
Việc Ai Cập từ chối Su-35 phản ánh xu hướng rộng hơn đang định hình lại bối cảnh quân sự Trung Đông.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nhà cung cấp vũ khí, minh chứng là J-10C và J-35, đang thách thức sự thống trị của các nền tảng phương Tây và Nga.
Việt Hùng
Theo Bulgarianmilitary
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/ly-do-nao-khien-ai-cap-huy-mua-tiem-kich-su-35-post616668.antd