Lý do Nga phản ứng gay gắt về thỏa thuận hợp tác Anh - Ukraine ở Biển Đen

Lý do Nga phản ứng gay gắt về thỏa thuận hợp tác Anh - Ukraine ở Biển Đen
6 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại lễ ký thỏa thuận đối tác 100 năm ở Kiev ngày 16/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo hãng thông tấn Đức DPA ngày 18/1, thỏa thuận hợp tác kéo dài 100 năm giữa Anh và Ukraine vừa được ký kết đã làm dấy lên phản ứng gay gắt từ Nga, đặc biệt liên quan đến vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đen và Biển Azov.
Trong cuộc họp báo tại Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov bày tỏ quan ngại sâu sắc về thỏa thuận này. "Do Vương quốc Anh là thành viên NATO nên việc nước này mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự về phía biên giới của chúng tôi chắc chắn là một yếu tố đáng lo ngại", ông Peskov nhấn mạnh. Đặc biệt, Moskva phản đối mạnh mẽ bất kỳ hoạt động hợp tác nào giữa Kiev và London ở Biển Azov, vùng biển mà Nga tuyên bố là "biển nội địa" sau khi sáp nhập Crimea và kiểm soát toàn bộ bờ biển của Ukraine tại khu vực này.
Thỏa thuận hợp tác giữa Ukraine và Anh được ký kết vào ngày 16/1 giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Keir Starmer trong chuyến thăm Kiev của nhà lãnh đạo Anh. Theo đó, hai nước sẽ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện trong nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng, khoa học công nghệ đến năng lượng và thương mại.
Điểm đáng chú ý trong thỏa thuận là việc thành lập đội tàu chung nhằm tăng cường an ninh hàng hải ở Biển Đen và Biển Azov. Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhất trí hợp tác để đảm bảo an toàn hàng hải. Đội tàu chung có thể được sử dụng khi cần thiết, tạo ra không chỉ sự hợp tác mà còn là một liên minh thực sự".
Về khía cạnh viện trợ quân sự, London cam kết cung cấp cho Ukraine hệ thống pháo binh và phòng không di động Gravehawk hiện đại. Ngoài ra, một khoản vay trị giá hơn 2 triệu USD sẽ được cung cấp để củng cố tiền tuyến của Ukraine, khoản vay này sẽ được hoàn trả bằng lãi suất tích lũy từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia có cái nhìn thực tế hơn về tầm ảnh hưởng của thỏa thuận này. Vadim Koroshchupov, chuyên gia quân sự tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế có trụ ở ở Moskva, chỉ ra rằng viện trợ quân sự của Anh cho Ukraine (khoảng 16 tỷ USD) vẫn còn khá khiêm tốn so với con số 66 tỷ USD của Mỹ. Điều này cho thấy London khó có thể đơn độc gánh vác phần lớn gánh nặng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Về phần mình, Kira Godovanyuk, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), nhận định thỏa thuận này còn mang tính chiến lược sâu xa hơn.
"Ông Starmer muốn tái khẳng định tầm quan trọng của Ukraine đối với chính sách đối ngoại của London và tìm cách duy trì ảnh hưởng của Anh tại Ukraine trước bất kỳ thỏa thuận đàm phán hòa bình tiềm năng nào", chuyên gia Godovanyuk phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng việc đặt tên gọi "quan hệ đối tác 100 năm" là một chiến lược quan hệ công chúng nhằm nhấn mạnh giá trị chiến lược của Ukraine đối với ngoại giao Anh.
Đáng chú ý, thỏa thuận này được ký kết trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức. Theo các chuyên gia trên, động thái này của London có thể được xem là bước đi chiến lược nhằm duy trì ảnh hưởng tại Ukraine, đồng thời bảo vệ các lợi ích kinh doanh của Anh trong giai đoạn tái thiết sau xung đột ở Kiev, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu ngũ cốc.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo DPA/TASS)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-nga-phan-ung-gay-gat-ve-thoa-thuan-hop-tac-anh-ukraine-o-bien-den-20250118212307573.htm