Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm xuất hiện ngay từ đầu năm nay, xu hướng này không chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, mà trong nhóm ngân hàng Big4 có BIDV và Vietcombank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động..
Lãi suất huy động nhích lên
Ở kỳ hạn tiền gửi 36 tháng, cả hai ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,1%, hiện ở mức 4,8%/năm. Mặc dù chỉ tăng nhẹ 0,1%/năm, nhưng đây là tín hiệu cho thấy các ngân hàng lớn bắt đầu tăng lãi suất huy động.
Dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục tăng mạnh phản ánh phần nào tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh trong năm 2024 khi đạt hơn 14 triệu tỷ đồng, tăng 4,9% so đầu năm, dù tốc độ huy động vẫn chậm hơn tốc độ cho vay.
Việc tăng lãi suất huy động là cần thiết để đảm bảo thanh khoản ổn định, đồng thời thu hút nguồn vốn trong bối cảnh nhu cầu vay tăng cao.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế tổ chức ngày 21/2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, NHNN quyết tâm cao trong góp phần đạt tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.
“Điều hành tín dụng cũng là trọng tâm được NHNN coi trọng, vì nền kinh tế Việt Nam dựa rất lớn vào vốn ngân hàng. Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%”, bà Hồng cho hay.
Theo nhận định của giới phân tích, các ngân hàng đang chuẩn bị nguồn vốn lớn để đáp ứng kế hoạch tín dụng năm 2025.
“Các ngân hàng cần tập trung đẩy mạnh tín dụng và huy động vốn ngay từ đầu năm để đạt được mục tiêu đề ra”, báo cáo của công ty chứng khoán MB (MBS) nêu.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: Việc tăng lãi suất huy động là cần thiết để đảm bảo thanh khoản ổn định, đồng thời thu hút nguồn vốn trong bối cảnh nhu cầu vay tăng cao. Lãi suất huy động tăng giúp các ngân hàng duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động tín dụng, đồng thời cạnh tranh hiệu quả với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, và vàng.
Theo các chuyên gia, chiến lược điều chỉnh lãi suất huy động của mỗi ngân hàng phụ thuộc vào tình hình thanh khoản và khả năng tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng tốt sẽ tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, trong khi các ngân hàng nhỏ hoặc có thanh khoản dồi dào có thể không cần điều chỉnh mạnh. Điều này cho thấy sự linh hoạt trong cách tiếp cận của từng ngân hàng, phù hợp với chiến lược kinh doanh và tình hình thực tế.
Ngoài việc tăng lãi suất, các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi để thu hút người gửi tiền. Những chương trình này không chỉ giúp duy trì thị phần mà còn tăng sức hấp dẫn của tiền gửi ngân hàng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Dòng tiền sẽ rút khỏi nhà băng nếu áp thuế với lãi tiền gửi?
Xu hướng lãi suất huy động liên tục tăng để ngân hàng “hút” tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, mới đây, khi góp ý xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), TP Cần Thơ đề xuất mở rộng thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm, chỉ nên miễn với các khoản gửi quy mô nhỏ.
Rất nhiều ý kiến từ chuyên gia và bộ ngành không đồng tình với đề xuất của Cần Thơ. Chẳng hạn, Bộ Tài chính không đồng ý áp thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm như đề xuất mà địa phương này đưa ra.
Theo đó, quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tại ngân hàng nhằm khuyến khích người không có nhu cầu đầu tư trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh gửi tiết kiệm - kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Mặt khác, đây cũng là chính sách phúc lợi với các đối tượng không có khả năng lao động (người về hưu, tàn tật...) có nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào nhà băng để nhận lãi.
Tại Việt Nam, đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng từng được đưa ra nhiều lần nhưng đều vấp phải các ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với quốc tế, tuy nhiên lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng, nền kinh tế.
"Nếu áp thuế với lãi tiền gửi có thể các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động để “hút” khách hàng, tạo nên sự cạnh tranh giữa các nhà băng, điều này có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh chi phí huy động vốn gia tăng. Bên cạnh đó, tình hình thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ vẫn là vấn đề cần được quan tâm", lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Một chuyên gia thuế cũng đánh giá, việc tính thuế thu nhập cá nhân với khoản lãi gửi tiết kiệm ở thời điểm hiện tại chưa phù hợp với thực trạng kinh tế Việt Nam cũng như những chính sách điều hành để thu hút dòng vốn.
Chuyên gia này lý giải, hiện phần lớn người dân gửi tiết kiệm vì chưa có cách đầu tư nào phù hợp hơn. Tiền gửi tiết kiệm của người dân hiện khá lớn. Nếu bị đánh thuế thu nhập cá nhân, người gửi sẽ tính tới phương án rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến việc điều hành dòng tiền của cơ quan quản lý.
Nhìn rộng hơn, khi người dân "ôm" tiền về, nếu không cân nhắc kỹ hoặc quyết định đầu tư sai lầm, không hiệu quả, dẫn tới thua lỗ hoặc mất trắng. Hệ lụy lớn hơn có thể kéo nền kinh tế đi xuống.
Huyền Anh