Thủ tướng chỉ đạo việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Ngày 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 1/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện, đặc biệt các dự án nguồn điện, như: LNG Nghi Sơn, LNG Quỳnh Lập, LNG Cà Ná… hoàn thành trong quý II năm 2025; đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hoàn thành chậm nhất trong quý III/2028.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP.
Đối với các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành và vận hành vào năm 2025 (như: Thủy điện Nậm Củm 4, Hòa Bình MR, Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4, Vũng Áng II, Quảng Trạch I (1403 MW - hòa lưới tổ máy số 1 ngày 02 tháng 9 năm 2025), …), Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành sớm hơn từ 3 đến 6 tháng; yêu cầu các chủ đầu tư có cam kết tiến độ, thời gian vận hành cụ thể, gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20/1/2025.
Đối với các dự án nguồn điện dự kiến hoàn thành, vận hành trong thời gian 2026-2030, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công, đẩy nhanh tiến độ dự án, cam kết thời gian vận hành cụ thể, phấn đấu hoàn thành, đưa vào vận hành sớm hơn từ 1-2 năm so với kế hoạch. Trường hợp cần thiết, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách liên quan để đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung ứng điện, nhất là giai đoạn 2026-2028.
"Tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm", chỉ thị nhấn mạnh.
Báo cáo Bộ Chính trị về xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương
Chiều 3/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp - chủ trì họp giao ban Ban Chỉ đạo về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026, các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, tính đến ngày 15/12/2024 đã có 117/667 (đạt 17% về số lượng) doanh nghiệp được phê duyệt đề án cơ cấu lại. Sau sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cơ bản tập trung trong những ngành, lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Báo cáo cũng thông tin việc đã hoàn thành cơ bản, báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương về phương án xử lý đối với toàn bộ 12/12 dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương do lịch sử để lại. Hiện nay các cơ quan, doanh nghiệp đang quyết liệt triển khai xử lý dứt điểm theo kết luận của Bộ Chính trị; có 4 dự án đạm có lãi, trả nợ đúng hạn.
Riêng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo - đã hoàn thành việc báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến xử lý 4 dự án yếu kém khó khăn nhất còn lại (Dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam, Thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Thép Việt Trung).
Xử phạt loạt công ty bán hàng đa cấp
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương vừa công bố kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp và xử phạt nhiều công ty vi phạm.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam số tiền 205 triệu đồng.
Nguyên nhân do Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam không thực hiện đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp. Cụ thể, từ ngày 1/1/2023 đến 30/9/2023, có 16.208 người ký hợp đồng tham gia tham gia bán hàng đa cấp với công ty nhưng chưa được đào tạo cơ bản. Vi phạm này đã diễn ra nhiều lần nhưng công ty vẫn tái phạm.
Công ty này cũng không thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng đã đăng ký; thực hiện không đúng nghĩa vụ báo cáo trong hoạt động bán hàng đa cấp; chỉ định đào tạo viên không đáp ứng điều kiện để thực hiện đào tạo.
Bộ Công Thương xác định Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam không thực hiện đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp. Ảnh: TD.
Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Lô C16/D21 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) số tiền 95 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam được xác định đã không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; không giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy tắc hoạt động của công ty.
Với Công ty TNHH Perfect Global (số 104 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng quyết định xử phạt số tiền 215 triệu đồng. Nguyên nhân do công ty đã ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ nội dung cơ bản theo quy định; không thông báo tới Bộ Công Thương đúng thời hạn khi có thay đổi trong danh sách đào tạo viên; không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký.
Những trường hợp ô tô bị từ chối đăng kiểm
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), từ đầu năm 2025 có nhiều phương tiện có thể bị từ chối kiểm định. Nguyên nhân là do có sự sai lệch giữa chứng nhận đăng ký xe (ĐKX) với phương tiện thực tế khi làm thủ tục kiểm định, chưa cấp đổi ĐKX ở lần kiểm định tiếp theo sau khi phương tiện đã được cấp chứng nhận cải tạo (CNCT).
Những trường hợp xe bị từ chối kiểm định gồm: Xe đã cải tạo nhưng chưa đổi ĐKX; Xe đã chuyển sang biển số màu vàng nhưng chưa đổi ĐKX; Màu sơn trên ĐKX không đúng với màu xe thực tế; Chủ xe tự ý thay đổi thông số kỹ thuật của xe, dẫn đến có sự sai khác so với ĐKX.
Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết, với các trường hợp xe cải tạo nhưng chưa đổi ĐKX, mà giấy CNCT bị mất hoặc hết hiệu lực, từ ngày 1/1/2025, việc cấp CNCT được thực hiện tại tất cả các cơ sở đăng kiểm xe trên toàn quốc.
Nếu xe đã được cấp CNCT nhưng bị hết thời hạn và chưa đi cấp đổi được, thì được cấp lại CNCT, để thực hiện việc cấp đổi lại ĐKX trên cơ sở thực hiện kiểm tra, đánh giá đối chiếu giữa xe thực tế với thông số kỹ thuật của giấy CNCT đã cấp.
Trường hợp xe có sự sai khác thông tin với chứng nhận ĐKX, nhưng chưa được cấp giấy CNCT, thì phải làm thủ tục cấp CNCT theo quy định.
Xe có sự sai khác thông tin với chứng nhận đăng ký xe, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận cải tạo, thì phải làm thủ tục cấp chứng nhận cải tạo. Ảnh minh họa: Lộc Liên.
Cụ thể, nếu xe có sự sai khác với chứng nhận ĐKX, các thông số kỹ thuật và hình ảnh của xe phù hợp với giấy chứng nhận kiểm định, đã được cấp ở lần kiểm định gần nhất trước ngày Thông tư 47/2024 có hiệu lực (trước 1/1/2025), sẽ thuộc đối tượng miễn hồ sơ thiết kế. Việc kiểm tra, chứng nhận thực hiện bình thường như xe thuộc đối tượng miễn hồ sơ thiết kế.
Nếu xe có sự sai khác với chứng nhận ĐKX và sai khác với giấy chứng nhận kiểm định được cấp ở lần gần nhất về các thông số kỹ thuật (khối lượng bản thân; kết cấu, kích thước thùng hàng; kích thước bao của xe), chủ xe phải lập hồ sơ thiết kế để kiểm tra, đánh giá cấp giấy CNCT.
Năm 2024, người lao động nhận lương cao nhất ở Bắc Ninh là 500 triệu đồng/tháng
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính đến ngày 13/12, có 430 doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh, với gần 197.000 lao động có báo cáo tình hình tiền lương năm 2024, kế hoạch thưởng Tết năm 2025.
Theo đó, qua số liệu của các doanh nghiệp cho thấy, năm 2024, tiền lương bình quân trong các loại hình doanh nghiệp có báo cáo là hơn 9,5 triệu đồng/người/tháng; tiền lương cao nhất là 500 triệu đồng/người/tháng nằm trong khu vực FDI.
Người lao động nhận lương cao nhất ở Bắc Ninh là 500 triệu đồng.
Tỉnh Bắc Ninh có 242 doanh nghiệp trên tổng số 430 doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết dương lịch cho người lao động, chiếm hơn 56%. Mức thưởng Tết dương lịch bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 1,8 triệu đồng/người, cao nhất hơn 219 triệu đồng/người nằm trong khối doanh nghiệp dân doanh.
Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 có 420 doanh nghiệp trên tổng số 430 doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết cho người lao động, chiếm hơn 97%. Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 7,7 triệu đồng/người, cao nhất hơn 219 triệu đồng/người nằm trong khối doanh nghiệp dân doanh.
Duy Phạm