Tổng thống Trump đề cử ông Jerome Powell làm chủ tịch Fed vào năm 2017. Ảnh: Reuters.
Những phát ngôn gay gắt gần đây của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Chủ tịch Fed Jerome Powell từng khiến đội ngũ pháp lý của ông khẩn trương rà soát các cách thức hợp pháp nhằm cách chức ông Powell, Wall Street Journal dẫn lời các nguồn thạo tin.
Luật thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chỉ cho phép cách chức các thành viên Hội đồng Thống đốc khi có “lý do chính đáng”, thường được hiểu là hành vi sai trái hoặc vi phạm đạo đức.
Tuy nhiên, kế hoạch này nhanh chóng bị chấm dứt vào đầu tuần này, sau khi ông Trump từ bỏ ý định sa thải Powell. Theo các nguồn tin, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã cảnh báo rằng hành động này có thể gây ra hỗn loạn nghiêm trọng trên thị trường tài chính và dẫn đến cuộc chiến pháp lý dai dẳng.
Ông Lutnick cũng lưu ý rằng, dù ông Powell bị thay thế, chính sách về lãi suất nhiều khả năng vẫn sẽ được các thành viên khác trong Hội đồng Fed duy trì theo hướng tương tự.
Chiều 22/4, Tổng thống Trump chính thức lên tiếng và dập tắt những đồn đoán. Tại Phòng Bầu dục, ông nói “không có ý định” sa thải Powell.
“Hiện tại là thời điểm hoàn hảo để giảm lãi suất. Nếu ông ấy không làm vậy, có phải là dấu chấm hết không? Không. Chưa phải lúc”, ông Trump nói.
Người phát ngôn Nhà Trắng Taylor Rogers từ chối bình luận về các cuộc trao đổi riêng của Tổng thống, chỉ nhấn mạnh rằng: “Tổng thống có đội ngũ cố vấn xuất sắc, nhưng ông ấy vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng”.
Trở lại Nhà Trắng, ông Trump hứa hẹn sẽ mạnh tay tái thiết nền kinh tế toàn cầu. Nhưng khi thị trường phản ứng tiêu cực trước các động thái ấy, ông thường xuống thang. Việc ông bỏ ý định sa thải ông Powell và phát tín hiệu sẽ giảm thuế quan với Trung Quốc là những ví dụ gần nhất.
Các chuyên gia Phố Wall nhận định việc thành công sa thải ông Powell cũng sẽ không giúp ông Trump đạt được mục tiêu giảm lãi suất vì phần lớn ủy ban thiết lập lãi suất của Fed hiện không ủng hộ việc cắt giảm vào thời điểm này. Năm ngoái, Fed đã hạ lãi suất 1 điểm % để ngăn chặn nguy cơ suy thoái không cần thiết sau khi lạm phát hạ nhiệt.
Tuy nhiên, các mức thuế cao hiện tại lại làm phức tạp thêm các lựa chọn chính sách tiền tệ. Quan chức Fed lo ngại chúng sẽ đẩy giá cả tăng lên, gây áp lực lạm phát, đồng thời bóp nghẹt chi tiêu và thị trường việc làm, làm suy yếu nền kinh tế.
"Thảm họa" nếu thành công
Sự độc lập của Fed trong hoạch định chính sách tiền tệ được xem là nguyên tắc bất di bất dịch tại Phố Wall. Việc chính quyền can thiệp quá mức vào Fed có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài quay lưng với trái phiếu chính phủ Mỹ, đẩy lãi suất lên cao hơn.
Thị trường sẽ có cách phản ứng “thảm họa” nếu Chủ tịch Fed bị sa thải, nhà kinh tế Tim Mahedy của Access/Macro cảnh báo. “Cơn đau sẽ đến nhanh và dữ dội đến mức Tổng thống buộc phải rút lại quyết định hoặc đối mặt với một sự cố tài chính mang tính hệ thống”, ông Mahedy nói.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng nhiều lần buông lời đe dọa ông Powell, nhưng tình hình hiện tại đã khác vì ông hoàn toàn sẵn sàng thách thức các chuẩn mực pháp lý tại Mỹ. Chẳng hạn, Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm cách đảo ngược tiền lệ pháp lý 90 năm được xem là hàng rào vững chắc bảo vệ sự độc lập của Fed.
Tuy tính độc lập của Fed không được viết vào luật pháp Mỹ, các sự kiện trong quá khứ đã giúp hình thành nhận thức chung trong giới lập pháp và hành pháp rằng ngân hàng trung ương cần hoạt động độc lập để giữ lạm phát thấp và thị trường lao động ổn định.
Từ thập niên 1990, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã nỗ lực theo đuổi và thành công giành được quyền tự chủ trong vấn đề điều hành lãi suất, nhằm phục vụ lợi ích dài hạn của nền kinh tế.
Lạc Chi