Công thức thành công của phim Việt
Nếu nhìn vào Top 10 phim Việt doanh thu cao nhất năm 2024, người xem sẽ nhận ra một điều bất cập: 8/10 tác phẩm đều xoay quanh chủ đề gia đình, cụ thể là mâu thuẫn thế hệ. Cả nền điện ảnh dường như đang bám víu vào mô típ “bố mẹ, con cái” như thể đây là công thức thần thánh. Xác suất này dày đến nỗi, những người yêu điện ảnh phải đặt câu hỏi: ngoài gia đình, chẳng lẽ không còn đề tài nào đủ sức thu hút khán giả Việt?
Không ai phủ nhận sự thành công về doanh thu của những bộ phim có đề tài gia đình. Mai của Trấn Thành với doanh thu 551 tỷ đồng hay Lật Mặt 7: Một điều ước của Lý Hải cán mốc 482 tỷ đồng là những con số biết nói. Nhưng xét cho cùng những thành công này không nằm ở sự đột phá, mà vì nó đánh trúng điểm yếu cảm xúc của người Việt - tình thân, nước mắt và những câu chuyện gần gũi.
“Sự thành công phòng vé không đồng nghĩa với giá trị nghệ thuật hay sự đa dạng trong điện ảnh, đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam hiện nay. Nếu cứ tiếp tục lạm dụng một công thức, điện ảnh Việt sẽ giậm chân tại chỗ. Các giải thưởng danh giá như Oscar hay Cannes không tìm kiếm những bộ phim an toàn và dễ đoán, họ vinh danh những tác phẩm dám đột phá, kể những câu chuyện khác biệt và độc đáo. Lấy đâu ra những bộ phim đủ sức gây tiếng vang khi tất cả đạo diễn chỉ biết khai thác chuyện mẹ chồng nàng dâu?”, nhà phê bình Đăng Khoa chia sẻ.
Đáng nói hơn, sự đơn điệu này có thể kéo theo sự tụt hậu của điện ảnh Việt so với các nước trong khu vực. Trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí cả Thái Lan đang mạnh dạn khám phá các thể loại mới và đạt được thành công vang dội, Việt Nam lại bị bó hẹp trong vòng lặp của những bộ phim dễ dãi về đề tài. Điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh mà còn làm nhạt nhòa bản sắc văn hóa trong điện ảnh, một trong những yếu tố quan trọng để thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế.
Phim Mai đại thắng về doanh thu nhưng lại không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật.
Sự thiếu đa dạng trong nội dung còn tạo nên một rào cản lớn đối với thế hệ nhà làm phim trẻ. “Chúng tôi bị buộc phải tuân theo công thức cũ nếu muốn được đầu tư và phát hành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải tạm dẹp qua một bên tinh thần thử nghiệm và đổi mới. Đây chính là vòng xoáy nguy hiểm khiến ngành điện ảnh không thể phát triển bền vững”, đạo diễn Lê Trung Kiên chia sẻ.
Một số người biện minh rằng khán giả Việt “thích” phim gia đình, song trên thực tế, các rạp chiếu ngập tràn các bộ phim cùng một đề tài, khán giả buộc phải chấp nhận những gì được cung cấp. Đây không phải là sở thích tự nhiên, mà là kết quả của việc nhà sản xuất ép buộc thị trường, người xem đang bị định hướng bởi sự một màu trong sản phẩm điện ảnh.
Không khó để dự đoán, ở tương lai gần, sự đơn điệu trong thể loại sẽ dẫn đến sự nhàm chán của khán giả. Họ có thể khóc hôm nay, nhưng sẽ ngáp ngày mai khi thấy những câu chuyện gia đình quen thuộc lặp đi lặp lại.
“Khán giả Việt không hề ngốc. Họ biết khi nào mình bị đối xử như những người tiêu dùng dễ dãi. Không ai có thể kiên nhẫn với chỉ một thực đơn, cho dù nó có là sơn hào hải vị đi chăng nữa”, nhà phê bình Đăng Khoa nhận xét.
Các thể loại khác vì sao không thu hút?
Trong khi phim gia đình liên tục “cháy vé”, các thể loại khác như hành động, lịch sử, khoa học viễn tưởng, hay kinh dị lại gặp khó khăn trong việc thu hút khán giả. Chẳng hạn, bộ phim được kỳ vọng nhất hiện nay Kính vạn hoa: Bắt đền con ma của Võ Thanh Hòa chỉ thu về 5,92 tỷ đồng, hay trước đó Công tử Bạc Liêu cũng chỉ chạm mốc 36 tỷ đồng sau 5 tuần phát hành.
“Điện ảnh không phải là chỗ để né tránh rủi ro. Nó là nơi để thử nghiệm, để sáng tạo và mở ra những góc nhìn mới. Đã đến lúc các nhà làm phim Việt Nam cần dũng cảm hơn. Người xem Việt không hề ngại thử nghiệm. Họ sẵn sàng bỏ tiền cho những bộ phim thực sự chất lượng, chỉ cần các nhà làm phim mang đến cho họ niềm tin. Đừng bó buộc họ vào những câu chuyện nước mắt quen thuộc, trong khi điện ảnh có thể chạm đến những cung bậc cảm xúc sâu sắc và phong phú hơn rất nhiều”.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Nghi
“Lý do thất bại không hẳn vì thiếu tiềm năng, mà vì sự nửa vời và thiếu đầu tư nghiêm túc. Phim kinh dị thì kỹ xảo rẻ tiền, nội dung chắp vá. Phim hành động thì cảnh quay nghèo nàn, thiếu sức hút. Còn phim khoa học viễn tưởng, xin lỗi, khán giả Việt đâu có cơ hội xem, vì chẳng ai dám làm. Trong khi đó, hãy nhìn ra thế giới: Từ Ký sinh trùng (Hàn Quốc) đến Cuộc chiến đa vũ trụ (Mỹ), những bộ phim phá vỡ khuôn khổ về thể loại đã không chỉ thắng lớn mà còn chinh phục cả giới chuyên môn lẫn công chúng. Hoặc là gần gũi hơn, người Thái rất thành công với Người bảo vệ hay người Hàn với Ác nữ báo thù càn quét hàng loạt giải thưởng và đạt doanh thu 8,8 triệu USD ở thời điểm 2017, trong khi Việt Nam lại chỉ quanh quẩn với câu chuyện bố mẹ và con cái. Lý do rất rõ: sự an toàn đã biến thành căn bệnh mãn tính”, tiến sĩ Nguyễn Phương Nghi phân tích.
Ở góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Đăng Khoa cho rằng, một trong những lý do thường xuyên được viện dẫn cho sự “rụt rè” của các nhà sản xuất phim Việt khi đụng đến những đề tài như khoa học viễn tưởng hay lịch sử là thiếu kinh phí. Nhưng điều này có đúng không?
Thực tế, điện ảnh thế giới đã chứng minh rằng, ngân sách không phải là yếu tố quyết định thành công của một bộ phim. Hãy nhìn Chuyến tàu sinh tử (Hàn Quốc), chỉ với ngân sách 8 triệu USD, họ đã tạo nên một bom tấn toàn cầu. Trốn thoát (2017) với ngân sách 4,5 triệu USD đã thu về hơn 255 triệu USD và giành giải Oscar Kịch bản gốc xuất sắc nhất. Ký sinh trùng (2019) của Hàn Quốc, dù chỉ được đầu tư 15,5 triệu USD vẫn đạt doanh thu 263 triệu USD, giành Cành cọ Vàng và 4 giải Oscar nhờ cách kể chuyện táo bạo và thông điệp sâu sắc.
“Cái gọi là thiếu kinh phí thực chất chỉ là một cách để các nhà làm phim Việt che đậy sự thiếu ý chí đổi mới và thiếu lòng tin vào khả năng sáng tạo của chính mình. Thay vì dành thời gian xây dựng những kịch bản độc đáo hoặc đầu tư vào những khâu cần thiết để tạo nên sản phẩm chất lượng, nhiều nhà sản xuất lại chọn những lối đi an toàn với thể loại phim gia đình hoặc hài nhảm, những thể loại có công thức dễ dàng và ít rủi ro. Nhưng liệu con đường này sẽ an toàn đến khi nào? Nếu cứ tiếp tục an toàn như vậy thì rất khó để trông đợi điện ảnh Việt ngóc đầu lên được trên bản đồ thế giới”, ông Khoa nhận định.
HẠNH ĐỖ