Lý do Saudi Arabia đặc biệt quan tâm đến máy bay chiến đấu KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ

Lý do Saudi Arabia đặc biệt quan tâm đến máy bay chiến đấu KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ
4 giờ trướcBài gốc
Máy bay chiến đấu tham gia diễn tập tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters/TTXVN
Trong một cuộc họp có sự tham gia của các đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia đã bày tỏ ý định mua 100 máy bay chiến đấu KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này đặt ra câu hỏi: tại sao Riyadh, vốn từng quan tâm đến việc mua máy bay F-35 của Mỹ, lại chuyển hướng sang công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ?
KAAN là dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, đa nhiệm, tàng hình, do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) và BAE Systems (Vương quốc Anh) phát triển.
Dự án này bắt đầu từ năm 2010 nhằm thay thế phi đội F-16 đã lỗi thời của Thổ Nhĩ Kỳ, tăng cường tự chủ quốc phòng và sức mạnh quốc gia. Sự cần thiết phát triển KAAN càng trở nên cấp bách khi Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 vào năm 2019. KAAN đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 2/2024.
Trong khi đó, Saudi Arabia đã bày tỏ sự quan tâm đến F-35 từ năm 2017. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa cam kết bán loại máy bay này, một phần do những lo ngại về việc giữ ưu thế quân sự cho Israel. Các hạn chế kèm theo và sự chậm trễ từ phía Mỹ khiến Riyadh phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế.
Ngoài ra, tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman nhấn mạnh Saudi Arabia không chỉ mua vũ khí mà còn muốn tự sản xuất, qua đó xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng địa phương.
Riyadh đã nỗ lực tham gia Dự án máy bay chiến đấu toàn cầu (GCAP) do Anh, Italy và Nhật Bản hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu. Tuy nhiên, Nhật Bản phản đối việc Saudi Arabia tham gia dự án, lo ngại về các mối quan hệ của Riyadh với Trung Quốc và Nga.
KAAN đang ở giai đoạn tiên tiến hơn so với GCAP. Máy bay KAAN đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm và dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2028, sớm hơn ít nhất 10 năm so với GCAP. Ngoài ra, KAAN có thể được cập nhật công nghệ thế hệ thứ sáu sau khi vận hành, phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Riyadh.
Máy bay chiến đấu KAAN của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty images
Hơn nữa, việc tham gia chương trình GCAP vẫn có nguy cơ bị Nhật Bản phủ quyết trong tương lai. Điều này khiến KAAN trở thành một lựa chọn an toàn hơn cho Saudi Arabia, giúp quốc gia này nhanh chóng xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Nếu Riyadh thực hiện thành công thương vụ này, nó sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ quốc phòng giữa Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, Riyadh cũng đã ký hợp đồng mua thiết bị bay không người lái (UAV) chiến đấu Bayraktar Akinci của Thổ Nhĩ Kỳ, với giá trị ước tính hơn 3 tỷ USD.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc Saudi Arabia mua KAAN sẽ mang lại nguồn tài chính đáng kể để mở rộng dây chuyền sản xuất, giảm chi phí và tăng tốc độ triển khai. Đồng thời, Riyadh có thể yêu cầu chuyển giao công nghệ và sản xuất một phần tại Saudi Arabia, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực củng cố quan hệ ba bên với Saudi Arabia và Pakistan, nhằm thúc đẩy thương mại quốc phòng, chuyển giao công nghệ và địa phương hóa sản xuất. Trong khi đó, các quốc gia như Azerbaijan, Ukraine và Malaysia cũng đang bày tỏ sự quan tâm đến KAAN.
Mặc dù có nhiều cơ hội hợp tác, quyết định mua KAAN của Riyadh còn phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm khả năng sẵn sàng vận hành của máy bay, cơ sở hạ tầng quốc phòng của Saudi Arabia và tình hình địa chính trị trong khu vực.
Thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, tăng cường năng lực quốc phòng và xây dựng các mối quan hệ chiến lược mới, Saudi Arabia không chỉ củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu mà còn khẳng định vị thế địa chính trị của mình trong khu vực.
Thương vụ KAAN, nếu được thực hiện, sẽ là minh chứng cho sự thay đổi chiến lược này, mở ra một chương mới trong quan hệ quốc phòng giữa Riyadh và Ankara.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo atlanticcouncil)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/ly-do-saudi-arabia-dac-biet-quan-tam-den-may-bay-chien-dau-kaan-cua-tho-nhi-ky-20250119165739642.htm