Sáng 17-1, Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tỉnh đã tổ chức hội nghị tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn đối với loại hình cơ sở nguy hiểm cháy, nổ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đánh giá cao những kết quả mà các ngành, cấp, đoàn thể, địa phương đạt được trong công tác PCCC& CNCH. Đặc biệt, trong năm 2024 công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, trên địa bàn tỉnh xảy ra 111 vụ cháy, giảm hơn 300 vụ so với năm 2023, không có vụ cháy làm chết người.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị.
Một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy tại doanh nghiệp
Theo ông Mai Hùng Dũng, với đặc thù là một tỉnh phát triển công nghiệp với 73.135 doanh nghiệp trong nước và 4.372 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển lớn mạnh về kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy cho người dân và doanh nghiệp.
Phần lớn người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp chấp hành tốt những quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC trong đầu tư xây dựng, trong hoạt động của doanh nghiệp; thành lập các lực lượng PCCC tại chỗ.
Nhất là các chủ đầu tư khu công nghiệp, tập đoàn, cơ sở quy mô lớn đã thành lập các đội PCCC chuyên ngành, trang bị nhiều xe chữa cháy, xe thang chữa cháy của cơ sở, các lực lượng này đã được tập luyện bài bản, dập tắt nhiều đám cháy và phối hợp rất tốt với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trong chữa cháy các vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp, người đứng đầu các cơ sở cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC tại các cơ sở; thường xuyên tự tổ chức kiểm tra, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót về PCCC.
Đồng thời thực hiện nghiêm thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo sử dụng; trang bị hệ thống, phương tiện PCCC và duy trì hoạt động thường xuyên; có giải pháp chống cháy lan, bố trí vật tư, hàng hóa và các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy tại cơ sở đúng quy định.
Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, chủ đầu tư khu công nghiệp, Hiệp hội gỗ Bình Dương,... đã trình bày tham luận về công tác PCCC&CNCH đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các sự cố cháy, nổ tại đơn vị, địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Bình Dương cho biết thời gian tới, dự báo tình hình cháy, nổ sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng khó lường về người và tài sản.
Một số mô hình an toàn PCCC có hiệu quả tại Bình Dương như: Xe ba gác chữa cháy trên địa bàn TP Tân Uyên; 1.407 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC trên toàn tỉnh; mô hình khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC… các mô hình này phát huy được phương châm "4 tại chỗ" trong PCCC&CNCH.
Dịp này, Giám đốc Công an tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho các đơn vị được công nhận điển hình tiên tiến.
Thanh Thảo