Về số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao, đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) nêu dự thảo luật quy định tăng số lượng kiểm sát viên từ 19 lên 27 người là hoàn toàn phù hợp.
Theo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND cấp cao và VKSND cấp cao sẽ chấm dứt hoạt động, toàn bộ khối lượng công việc sẽ được chuyển cho VKSND tối cao và TAND tối cao thực hiện.
Đại biểu Lý Văn Huấn. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu cho biết hiện nay, TAND tối cao đã tổ chức Hội đồng xét xử là các thẩm phán TAND tối cao. Do đó, phải có kiểm sát viên của VKSND tối cao tham gia các phiên tòa và tham gia việc giải quyết đơn, đồng thời kiểm sát việc giải quyết các kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của thẩm phán TAND tối cao.
Vì vậy, theo đại biểu, TAND tối cao được tăng số lượng lên 27 thành viên thì VKSND cũng phải tăng số lượng để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình với việc tăng số lượng kiểm sát viên.
"Tôi nghĩ rằng TAND tối cao có thể thành lập Hội đồng Thẩm phán tối cao để xem xét, giải quyết những bản án phúc thẩm và tái thẩm, giám đốc thẩm.
Còn VKSND cũng tương đồng việc như đối với TAND tối cao, nhưng đề nghị phải có giải trình cụ thể về việc số lượng tăng từ 17 lên 27 người để đại biểu Quốc hội nắm được" - ông Hòa đề nghị.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu giải trình. Ảnh: Quốc hội
Phát biểu giải trình, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết các đại biểu đã ủng hộ đề xuất này.
"Đây là lúc tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy mà chúng ta lại đề xuất tăng thêm... Tinh giản là chủ trương chung nhưng có lúc, có chỗ phải tăng, có chỗ phải giảm và giảm là triệt để, là xu hướng..." - ông phân tích.
Ông cũng cho biết việc trả lời đơn cũng đang gặp khó khăn, bởi vì nếu trả lại đơn thì phải nghiên cứu và xem xét để xử lý các hồ sơ vụ án, chứ không phải đơn giản là trả lời.
Dẫn lại số liệu dự báo tới đây TAND tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm, ông Nguyễn Huy Tiến cho rằng VKS muốn trả lời đơn sẽ phải nghiên cứu, xem xét xử lý hồ sơ vụ án; chức trách thuộc TAND tối cao thì VKSND tối cao phải trả lời.
“Mô hình Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì không thể là kiểm sát viên cao cấp tham gia được” - ông Tiến nói.
“Nếu không giải quyết được, Quốc hội lại phê bình chúng tôi là không đảm bảo tỷ lệ. Kể cả số lượng tăng, chúng tôi cũng đang phải tính toán để đáp ứng nhu cầu, và vấn đề này đã được nghị quyết của Trung ương thông qua trong đề án. Chúng tôi báo cáo số lượng cụ thể, mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ và ủng hộ số lượng này" - Viện trưởng VKSND tối cao nói thêm.
Xem xét vai trò của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong quản lý cán bộ
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, dự thảo luật quy định Viện trưởng VKSND khu vực do Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; Phó viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Phó viện trưởng VKSND khu vực cũng do Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu đề nghị cần xem xét vai trò của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong công tác quản lý cán bộ. Bởi vì, VKSND cấp tỉnh là cơ quan trực tiếp quản lý, theo dõi, đánh giá đội ngũ cán bộ của VKSND khu vực và Phó viện trưởng cấp mình, họ có điều kiện hiểu rõ năng lực, đạo đức và phẩm chất của những cán bộ dưới cấp.
Do đó, trong quá trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó viện trưởng VKSND khu vực cần cân nhắc đến vai trò của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh là hợp lý và hiệu quả.
Nữ đại biểu đề nghị Viện trưởng, Phó viện trưởng VKSND khu vực, Phó viện trưởng VKSND cấp tỉnh do Viện trưởng VKSND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) tán thành với quy định bổ nhiệm này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, để đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất trong ngành kiểm sát, đảm bảo khách quan, dân chủ, minh bạch thì nên xem xét bổ sung thêm quy định: Việc bổ nhiệm Viện trưởng, Phó viện trưởng VKSND khu vực phải được thống nhất ý kiến của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và cấp ủy chính, quyền địa phương cùng cấp.
Đại biểu Sùng A Lềnh. Ảnh: Quốc hội
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng các ý kiến của đại biểu Quốc hội rất đúng, bởi đây là quy trình.
Ông Tiến giải thích theo quy định của Đảng, các chức vụ Viện trưởng cấp khu vực và Viện trưởng tỉnh, Viện phó phải tuân thủ các quy trình 5 bước, trong đó, phải theo đề nghị của chính Viện trưởng cấp tỉnh. Lần sửa đổi này, luật tập trung sửa những vấn đề lớn, tập trung vào chức năng tổ chức bộ máy và nhiệm vụ của VKS các cấp.
Trần Thường