Thủ tướng phê bình 26 bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện số 16/CĐ-TTg, đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Công điện nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Tuy nhiên, kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đến ngày 23/1/2025 mới đạt 96,07% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; số vốn chưa phân bổ chi tiết còn khá lớn (khoảng 84.840,5 tỷ đồng) của 26 bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương. Tỷ lệ giải ngân hết tháng 1/2025 ước đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2024 là 2,58%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP.
"Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình 26 bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đã được giao (tính đến ngày 23/1/2025); yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước", công điện nhấn mạnh.
Công điện nêu, để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt kết quả cao nhất (trên 95%) kế hoạch Thủ tướng giao, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt hơn nữa, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan.
Gần 450 người xin nghỉ việc sau sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài nguyên
Tại Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Đỗ Đức Duy - tân Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, trong quá trình xây dựng đề án hợp nhất 2 bộ đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 300 người (120 người đã có đơn xin nghỉ công tác, hưởng chế độ theo Nghị định số 178) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 148 người bày tỏ nguyện vọng xin được nghỉ công tác.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: "Nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn là rất khó khăn, phức tạp, tác động đến mỗi con người, vì vậy chúng ta cần phải đoàn kết, sẵn sàng hi sinh nhiệm vụ của cá nhân để phục vụ cho lợi ích chung".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Tùng Đinh.
Về công tác nhân sự, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã nêu 3 phương án sắp xếp với cán bộ lãnh đạo cấp trưởng gồm giữ nguyên chức vụ hiện tại sau khi hợp nhất, điều động sang đơn vị khác nếu phù hợp hơn với năng lực và yêu cầu công tác, hoặc chuyển sang làm cấp phó của đơn vị mới sau khi hợp nhất. Các phương án đều được thiết kế để đảm bảo công bằng và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nguyện vọng tiếp tục đóng góp hoặc phát triển sự nghiệp tại các vị trí mới.
Hải Phòng bỏ tiền túi gần 11.000 tỷ làm 'siêu đường sắt'
Tại kỳ họp thứ 23 diễn ra chiều 20/2, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI đã thông qua Nghị quyết đóng góp kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn Hải Phòng.
Điểm đầu dự án tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP. Lào Cai; điểm cuối tại bến Lạch Huyện (TP. Hải Phòng).
Tuyến đường sắt có tổng chiều dài hơn 403km, gồm: Tuyến chính dài 388km và các tuyến nhánh dài 17km (không bao gồm tuyến nhánh đi Nam Đồ Sơn dài 12km).
Ủy ban Kinh tế Quốc hội và lãnh đạo TP Hải Phòng khảo sát vị trí thực hiện tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tại Cảng Lạch Huyện ngày 4/2.
Đoạn tuyến đi qua địa phận Hải Phòng có chiều dài tuyến chính là 46,18km và 2 tuyến nhánh dài 20,57km (từ ga Nam Hải Phòng - ga Nam Đồ Sơn và từ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Nam Đình Vũ - ga Đình Vũ). Tốc độ thiết kế đoạn tuyến chính 160km/h, tuyến nhánh 80km/h.
Theo ước tính của UBND TP. Hải Phòng, phải GPMB dự án cả 2 giai đoạn khoảng 376ha, với tổng chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư khoảng 5.860 tỷ đồng.
Về chi phí xây dựng, đoạn tuyến chính dài 46,18km, kinh phí đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Đoạn nhánh tuyến Nam Đình Vũ - Đình Vũ (dài 7,89km), kinh phí đầu tư khoảng 1.350 tỷ đồng; tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn dài khoảng 12,63km, kinh phí đầu tư khoảng 5.100 tỷ đồng.
Hải Phòng đóng góp tổng kinh phí khoảng 10.960 tỷ đồng để thực hiện công tác GPMB, bao gồm tuyến chính cùng với các tuyến nhánh và đóng góp kinh phí xây dựng tuyến nhánh từ ga Nam Hải Phòng - ga Nam Đồ Sơn.
Điện hạt nhân Ninh Thuận: Chỉ định thầu theo quy trình 'chìa khóa trao tay'
Sáng 19/2, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần.
Quốc hội biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết, sáng 19/2. Ảnh: Như Ý.
Theo đó, Quốc hội cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế; áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý về phương án tài chính và thu xếp vốn cho dự án.
Cụ thể, Nghị quyết quy định theo hướng: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản đã hết khấu hao của các nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu để thực hiện dự án với mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia”.
Sầu riêng Việt Nam lâm nguy
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến giữa tháng 2, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 3.500 tấn sầu riêng, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn là loại trái cây kéo kim ngạch xuất khẩu của cả ngành rau quả, khi sầu riêng xuất khẩu sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam cũng sụt giảm theo.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 416 triệu USD trong tháng 1, giảm 11,3% so với tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm.
Việc xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh là do Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất vàng O trên sầu riêng. Khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, phía Trung Quốc sẽ lấy mẫu, kiểm tra 100% lô hàng, nếu không có dư lượng chất vàng O thì mới được thông quan.
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ phải chịu tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20% do nhiều lần không tuân thủ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Duyệt chủ trương đầu tư trường đua ngựa, đua chó nghìn tỷ ở Lâm Đồng
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn. Một trong những điểm nổi bật của dự án là bổ sung mục tiêu kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó.
Theo quyết định này, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng và quy hoạch. Tỉnh sẽ giám sát quá trình giao đất, cho thuê đất, và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho dự án.
Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui có tổng diện tích hơn 335 ha.
Tỉnh Lâm Đồng được giao cần chủ động giám sát tiến độ thực hiện dự án và yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường.
Đặc biệt, doanh nghiệp dự án phải hoàn tất việc xây dựng trường đua chó trước khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.
Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn, được triển khai tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) có tổng vốn đầu tư gần 1.550 tỷ đồng. Đây là 1 trong 12 dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Duy Phạm