Lý do tỉ lệ sử dụng rượu bia, đồ uống có đường tăng nhanh

Lý do tỉ lệ sử dụng rượu bia, đồ uống có đường tăng nhanh
3 giờ trướcBài gốc
Hội thảo sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe được Bộ Y tế tổ chức sáng 20-9, tại Hà Nội.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), khẳng định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có hại cho sức khỏe có ý nghĩa quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Bộ Y tế đồng tình với đề xuất cần thiết phải tăng thuế theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính đưa ra.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm có hại cho sức khỏe góp phần bảo vệ sức khỏe người dân
Người Việt thích đồ uống có đường?
Nêu quan điểm về cải cách thuế đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, đại diện Bộ Y tế cho biết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá có thể hạn chế tiêu dùng.
Theo thống kê, những năm qua, sản lượng bia tăng từ 3,526 tỉ lít (năm 2015) lên 4,593 tỉ lít (năm 2019); rượu từ 310,3 triệu lít (năm 2015) lên 331,7 triệu lít (năm 2019). Năm 2022, sản lượng bia là 4,4 tỉ lít và sản lượng rượu là 315 triệu lít/năm.
Tỉ lệ sử dụng rượu bia cao ở người trưởng thành (64,2% nam giới, 9,8% nữ giới độ tuổi 18-69 có uống rượu, bia trong 30 ngày). Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy mức tiêu thụ rượu, bia bình quân ở người từ 15 tuổi trở lên là 9,3 lít cồn nguyên chất/năm, cao so với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á.
Cùng đó, với các sản phẩm đồ uống có đường, sản lượng tăng đều từ 5,733 tỉ lít (năm 2018) lên 6,692 tỉ lít (năm 2023), tăng 16,7%
Năm 2018, tiêu thụ nước ngọt là 44,17 lít/người, đã tăng lên 71,46 lít trong năm 2024, và dự đoán đến năm 2028 sẽ tăng lên 90,14 lít/người/ năm, tăng gấp đôi sau 10 năm.
Tỉ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên (ít nhất 1 lần/ngày) gia tăng là 31,1%.
Tỉ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam tăng nhanh
Tăng thuế để thay đổi hành vi
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, Văn phòng WHO tại Việt Nam, khẳng định các sản phẩm thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường đang gây hại trực tiếp cho sức khỏe cũng như hệ lụy trong tương lai.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra 11 loại ung thư và hàng loạt các bệnh mạn tính khác. Đặc biệt sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây có xu hướng tăng nhanh.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm nhu cầu sử dụng. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất, chỉ đứng sau Lào và Campuchia. Đây là lý do dẫn đến người dân, trẻ em dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá"- ông Lâm nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết hiện nay, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi nhiều nước tỉ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.
"Ước tính, nếu tăng thuế để giá tăng 10% sẽ làm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá và rượu bia từ 5% - 8% và đồ uống có đường từ 8%-13%"- bà Hương nói.
Chuyên gia WHO khuyến cáo tăng thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm nhu cầu sử dụng
Theo chuyên gia WHO, tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá. WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo tỉ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải ở mức cao, đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng hiệu quả.
Riêng với đồ uống có đường, Việt Nam nên xem xét áp dụng lộ trình thuế đồ uống có đường để đạt mức thuế chiếm 20% giá bán lẻ (tức là tăng 40% giá bán ra của nhà sản xuất) theo khuyến nghị của WHO toàn cầu, để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Về lâu dài, cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.
Dự kiến tháng 10, dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5-2025.
N.Dung
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/ly-do-ti-le-su-dung-ruou-bia-do-uong-co-duong-tang-nhanh-196240920143815669.htm