Ông Macron có chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á gồm: Việt Nam, Indonesia và Singapore.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết đây là chuyến thăm quan trọng trong quan hệ Pháp và Việt Nam.
Chuyến công du Đông Nam Á nằm trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Pháp đưa ra từ năm 2018, thể hiện mong muốn, cam kết mạnh mẽ của Pháp với các đối tác trong khu vực, vì sự ổn định, phát triển.
Tổng thống Pháp mong muốn thăm Việt Nam đầu tiên, thể hiện mối quan hệ hết sức đặc biệt giữa Pháp và Việt Nam.
Tổng thống Pháp Macron trong các cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Minh Nhật, Nhật Bắc
Tháng 10 năm ngoái, nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Những ưu tiên trong chuyến thăm
Sau 7 tháng, chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron thể hiện sự coi trọng và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao Pháp đối với việc củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất và hiệu quả.
"Chúng tôi hy vọng từ chuyến thăm và trên cơ sở đối tác tin cậy, hai nước sẽ tăng cường mạnh mẽ quan hệ trên tất cả lĩnh vực từ chính trị, đến kinh tế, nghiên cứu khoa học, giáo dục, văn hóa, quốc phòng... Chúng tôi cũng tin tưởng cuộc gặp cấp cao sắp tới là dịp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Pháp và Việt Nam..." - Đại sứ Pháp bày tỏ.
Tổng thống Pháp sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và có một số hoạt động khác, trong đó có cuộc làm việc với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường Đại học Việt - Pháp).
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet. Ảnh: Thế Sơn
Tổng thống sẽ gặp gỡ sinh viên của trường và sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo của Pháp. Ông Macron sẽ có bài phát biểu hướng tới thanh niên Việt Nam, nhấn mạnh về quan hệ song phương cũng như tương lai quan hệ đối tác, trong đó có đề cập đến vai trò thế hệ trẻ...
Nhiều bộ trưởng sẽ tháp tùng Tổng thống, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính, Bộ trưởng Quân đội. Đây là dịp để các bộ trưởng gặp gỡ đối tác Việt Nam, trao đổi, thúc đẩy một số dự án hợp tác trong kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Đại sứ Olivier Brochet cho biết có một chủ đề quan trọng được chú ý trong chuyến thăm, đó là các phương thức để Pháp đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng.
Dự kiến một văn kiện quan trọng sẽ được ký kết giữa Cơ quan phát triển Pháp (AFD) với Tổng công ty truyền tải điện quốc gia để xây dựng đường dây truyền tải điện. Dự án này nằm trong khuôn khổ hỗ trợ của Pháp với Việt Nam nhằm thực hiện cơ chế quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Dự kiến, lãnh đạo hai nước cũng sẽ bàn những vấn đề và thách thức mang tính toàn cầu. Tháng 6, Pháp sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về đại dương tại Nice. Việt Nam sẽ cử một đoàn cấp cao tham dự sự kiện.
Đại sứ khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Pháp là dịp để khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước, cũng như mong muốn đưa quan hệ ấy lên tầm cao mới. Đây là dịp để hai bên quyết tâm cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác hiện đại, năng động có cấu trúc và tôn trọng lợi ích, cũng như chủ quyền của nhau.
Cốt lõi trong quan hệ vẫn là giao lưu nhân dân
Nhận định về tiềm năng, Đại sứ Olivier Brochet cho rằng năng lượng - trong đó có năng lượng hạt nhân, giao thông, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) là những lĩnh vực mà Pháp mong muốn ưu tiên hợp tác với Việt Nam.
"Đây là những lĩnh vực đáp ứng được nhu cầu và trình độ của Việt Nam. Phía Pháp đặc biệt quan tâm đến tầm nhìn mà Việt Nam đã đưa ra, đặc biệt là những dự án phát triển hạ tầng chiến lược, ví dụ đường sắt tốc độ cao. Đây cũng là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp Pháp có thế mạnh" - Đại sứ cho biết.
Nhân dịp này, một sự kiện đặc biệt sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 27/5, đó là French Tech Summit Vietnam 2025. Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 1.500 đại biểu Việt Nam và Pháp, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, start up và chuyên gia công nghệ. Sự kiện được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Pháp.
Đại sứ Pháp cho rằng khi đề cập đến quan hệ song phương sẽ có nhiều lĩnh vực để thảo luận từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục..., nhưng nhìn ngắn hạn hay dài hạn, xét cho cùng cốt lõi vẫn là quan hệ giữa người dân hai nước, hai dân tộc.
Đại sứ Pháp thăm Đại học Dược Hà Nội - ngôi trường giữ nguyên nét kiến trúc Pháp cổ dù đã trải qua cả trăm năm. Ảnh: Phạm Hải
Trong hơn 50 năm qua, giao lưu nhân dân ngày càng phát triển, có rất nhiều du học sinh ở Pháp trở về Việt Nam công tác, tạo cầu nối gắn kết hai nước, hai dân tộc.
"Gần hai năm đảm nhiệm vai trò Đại sứ Pháp tại Việt Nam, tôi vui mừng nhận thấy có nhiều đoàn từ các cơ sở nghiên cứu Pháp sang thăm Việt Nam và ngược lại... Những chuyến thăm như vậy là dịp để hai bên kết nối, gia tăng quan hệ giữa các cán bộ, nhân sự của Pháp và Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường quan hệ song phương" - ông nhìn nhận.
Pháp mong muốn không chỉ tổ chức sự kiện giới thiệu văn hóa mà quan trọng hơn là mong muốn hợp tác để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện thông qua việc hơn 20 năm qua Pháp hỗ trợ tổ chức các lễ hội lớn như Festival Huế.
Trần Thường