Theo Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh An Giang và Kiên Giang thì tỉnh mới lấy tên là An Giang và trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Tỉnh mới được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện có 2 tỉnh. Tỉnh An Giang mới sẽ có tổng diện tích 9.888,91 km², dân số 4.952.238 người, đạt gần 200% tiêu chuẩn về diện tích và hơn 350% tiêu chuẩn dân số theo quy định hiện hành.
Tỉnh An Giang gồm 102 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu. Ranh giới hành chính tiếp giáp các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ và Vương quốc Campuchia.
Trung tâm hành chính tỉnh An Giang hiện nay. Ảnh: HD
Dự thảo Đề án nêu rõ việc sáp nhập Kiên Giang và An Giang không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý mà còn dựa trên các yếu tố tương đồng về văn hóa, dân tộc, địa lý, kinh tế và lịch sử.
Hai tỉnh đều thuộc khu vực Tây Nam bộ, gắn bó mật thiết trong quá trình kháng chiến và xây dựng đất nước, có mạng lưới giao thông kết nối đồng bộ, đặc biệt có tiềm năng lớn về kinh tế biển, thương mại biên giới, nông nghiệp và du lịch.
Tên gọi “tỉnh An Giang” được giữ lại cho tỉnh mới nhằm phát huy giá trị lịch sử lâu đời, dễ nhớ, dễ nhận diện, đồng thời hạn chế tối đa xáo trộn hành chính và chi phí thay đổi con dấu, giấy tờ pháp lý.
Qua rà soát, nghiên cứu kỹ phương án, UBND 2 tỉnh thống nhất đề xuất đặt trụ sở Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh An Giang mới tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay.
Lý do trụ sở nằm ở vị trí trung tâm kinh tế biển của quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng khu vực phía Tây Nam của Tổ quốc; có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại bao gồm sân bay, đường bộ, cảng…, đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng để chính quyền tỉnh mới tổ chức hoạt động.
Đồng thời, khu vực dự kiến đặt trụ sở có tỷ lệ đô thị hóa rất cao, dân cư tập trung đông đúc, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất, học tập, giao dịch hành chính và quản lý của chính quyền địa phương sau khi sắp xếp.
TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang được chọn làm trung tâm hành chính - chính trị tỉnh An Giang mới. Ảnh: HD
Tổng số biên chế sau sáp nhập là 48.278 người, trong đó An Giang hiện có 35.798 người, Kiên Giang có 12.480 người.
Hai địa phương có tổng cộng 876 trụ sở công cấp tỉnh, dự kiến tiếp tục sử dụng 718 trụ sở, không sử dụng 40 trụ sở, và 118 trụ sở khác sẽ được bố trí lại, điều chuyển hoặc đấu giá theo đúng quy định, đảm bảo xử lý triệt để trong 5 năm kể từ khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực.
HẢI DƯƠNG