Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN
Để giành ưu thế trong thương mại toàn cầu, Trung Quốc
đang triển khai các chiến lược đầu tư mạnh mẽ trên tất cả các châu lục. Năm 2016, nước này mua cảng Piraeus ở Hy Lạp để tăng cường sự hiện diện ở châu Âu. Ngày 14/11/2024, Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình đã tới Peru để khánh thành một siêu cảng – mặc dù vẫn đang được xây dựng - nằm ở Chancay, cách thủ đô Lima 80 km về phía Bắc. Tại dinh Tổng thống Peru Dina Boluarte, ông Tập Cận Bình khẳng định cảng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Peru và tạo ra một số lượng lớn việc làm.
Để xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược mới rộng 141 ha này, Trung Quốc không ngần ngại mạnh tay đầu tư. Cosco Shipping Ports, chủ sở hữu 60% cảng và là công ty con của hãng vận tải biển Trung Quốc Cosco Shipping rót 3,5 tỷ euro tiền đầu tư. Peru đã cấp quyền khai thác cảng trong 30 năm. Siêu cảng do Trung Quốc đầu tư có thể tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới, có khả năng vận chuyển tới 24.000 container. Khi bắt đầu vận hành cơ sở hạ tầng này, dự kiến mỗi năm có thể có tới 1 triệu container đi qua đây.
Chuyên gia kinh tế Adriana Meyer từ Bpifrance cho biết, cảng Chancay sẽ cho phép Trung Quốc vận chuyển nhiều hàng hóa hơn với chi phí thấp hơn. Hành trình giữa Peru và Trung Quốc sẽ giảm từ 40 ngày xuống còn 28 ngày. Cuối cùng, hải cảng này sẽ có ít nhất 15 bến có thể tiếp nhận các loại tàu thuyền.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, việc tạo ra một “Singapore của Mỹ Latinh” không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nó là một phần của chương trình “Những con đường tơ lụa mới” do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát động vào năm 2013. Mục tiêu của sáng kiến này là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bao gồm cảng biển, đường bộ và đường sắt, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, từ đó gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Tại Nam Mỹ, đã có 7 quốc gia đã tham gia chương trình này, trong đó có Peru, Argentina, Chile và Venezuela. Các quốc gia đều kỳ vọng ở những lợi ích kinh tế thu được từ sự đầu tư khổng lồ của Trung Quốc. Ví dụ, việc ra đời của siêu cảng Chancay sẽ khởi động lại các dự án đường sắt giữa Brazil và Peru trên bờ biển Thái Bình Dương.
Chỉ riêng năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc ở Nam Mỹ đã lên tới 12 tỷ USD. Ngoài ra, các chính phủ ở khu vực này còn nhận nhiều tỷ USD khác được Trung Quốc đầu tư dưới hình thức cho vay. Từ năm 2005-2020, Trung Quốc đã cấp cho khu vực nhiều khoản vay với tổng trị giá 137 tỷ USD, phần lớn trong số đó được phân bổ cho Venezuela (60 tỷ) và Brazil (30 tỷ).
Lý do chính là khu vực này có nhiều mỏ chứa đầy những nguyên liệu thô chiến lược. Chẳng hạn, Bolivia, Chile và Argentina tạo thành “tam giác lithium” và tập trung 56% trữ lượng đã được chứng minh trong khu vực. Đặc biệt, đây là một loại vật liệu được sử dụng để sản xuất pin ô tô điện.
Một ví dụ khác là ở Peru, nơi 100% sản lượng sắt do các công ty Trung Quốc khai thác. Sắt là khoáng sản có thể sản xuất các loại thép quý giá đối với ngành xây dựng ở Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đặc biệt ưa chuộng đậu nành Brazil và ngô Argentina. Tất nhiên là chưa kể đến lượng dầu do Venezuela cung cấp.
Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)