"Đi xe buýt mát mẻ, sạch sẽ lắm"!
Nhiều năm qua, em Lê Hoàng Kim Ngân (học sinh lớp 11A1 Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa) ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ vẫn giữ thói quen sử dụng xe buýt hai lần mỗi ngày để đi học và trở về nhà.
Nữ sinh này cho biết, do cha mẹ bận công việc, không đưa rước em đi học mỗi ngày. Để em sử dụng xe đạp cũng không yên tâm vì đoạn đường từ nhà tới trường xe cộ đông đúc. Phương án tốt nhất để Ngân tới trường là sử dụng xe buýt.
Nữ sinh Lê Hoàng Kim Ngân chia sẻ lý do lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi học.
Mỗi buổi sáng, Ngân đi bộ ra quốc lộ 91 (đường Lê Hồng Phong hiện hữu) để đón xe buýt đến trường. Mất hơn 15 phút, nữ sinh này sẽ đến trạm xe buýt ngay trước cổng trường. "Em thấy xe buýt rất tiện lợi cho các bạn học sinh như em. Cha mẹ không phải mất công đưa rước mà lại an toàn. Trên xe lúc nào cũng sạch sẽ, mát mẻ", Ngân nói.
Điều đáng kể hơn nữa, học sinh là đối tượng được giảm vé xe buýt suốt tuyến với giá 7.000 đồng/lượt/hành khách. Việc các em sử dụng phương tiện này để đi lại là phương án tiết kiệm và an toàn.
Cùng trên chuyến xe buýt với Ngân còn có rất nhiều học sinh trung học cơ sở cũng trở về nhà sau buổi học. Cũng như Ngân, các em lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại để tiết kiệm tiền bạc và thời gian của cha mẹ.
Các em học sinh lựa chọn xe buýt để đi học vì tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho cha mẹ.
"Lúc trước anh và cha mẹ thường thay nhau đưa rước em đi học. Sau này thấy mấy bạn trong trường đi xe buýt rất tiện nên cha mẹ mới tập cho em đi xe buýt, em đi được mấy lần rồi rủ các bạn gần nhà đi chung nữa", Phạm Hoàng Quân, một học sinh Trường THCS Trà An (quận Bình Thủy) chia sẻ.
Phấn đấu nâng tầm xe buýt
Từ năm 2020, Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines trúng thầu và bắt đầu khai thác 7 tuyến xe buýt nội thành. Trong đó, đội xe 42 chiếc ô tô chất lượng cao, máy lạnh, wifi đầy đủ để vực dậy dịch vụ vận tải hành khách công cộng vốn èo uột trước đó.
Bà Hồ Thanh Thanh, đại diện đơn vị khai thác xe buýt ở Cần Thơ cho biết, người dân vốn thường có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân nhất là xe máy để đi lại trong cự ly ngắn. Đối với khách du lịch, đối tượng này lựa chọn ứng dụng công nghệ để gọi xe máy hoặc ô tô. Do đó, xe buýt ít có khả năng tiếp cận với đối tượng hành khách này.
Học sinh ở Trường THCS Trà An (quận Bình Thủy) lên xe buýt trở về nhà sau giờ học.
Dù vậy, bà Thanh cho biết, có một số bộ phận người dân lựa chọn và gắn bó với xe buýt, trong đó có thể kể đến một bộ phận người lớn tuổi, học sinh, sinh viên.
Theo Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, thời gian tới, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị khai thác, vận hành xe buýt để điều chỉnh lộ trình các tuyến hiện có để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Qua đó, Sở sẽ nghiên cứu mở rộng mạng lưới các tuyến để tăng cường năng lực, kết nối hiệu quả giữa vùng nông thôn đến trung tâm thành phố.
Ngoài ra, Sở cũng sẽ tham mưu đề xuất để xây dựng định mức - đơn giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Đây sẽ là cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư, khai thác các tuyến xe buýt có trợ giá mở mở rộng mạng lưới toàn tuyến.
Nguyên Việt