Lý giải việc OPEC+ bất ngờ tăng sản xuất dầu giữa lúc giá lao dốc

Lý giải việc OPEC+ bất ngờ tăng sản xuất dầu giữa lúc giá lao dốc
5 giờ trướcBài gốc
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn Reuters cho biết, theo tuyên bố chính thức từ OPEC+, Saudi Arabia cùng với Nga và sáu quốc gia khác sẽ nâng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày – tương đương mức tăng của tháng 5. Trong khi đó, kế hoạch ban đầu chỉ đề xuất tăng 137.000 thùng/ngày.
Động thái này đánh dấu đảo chiều chiến lược lớn của nhóm gồm 22 quốc gia, phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Trước đó, OPEC+ đã cố tình giữ lại hàng triệu thùng trong kho để tạo sự khan hiếm nguồn cung nhằm đẩy giá lên.
“OPEC+ vừa ném một quả bom vào thị trường dầu mỏ”, chuyên gia Jorge Leon từ Rystad Energy bình luận với hãng thông tấn AFP. Vị chuyên gia này nói: “Tháng trước là một lời cảnh tỉnh. Hôm nay là thông điệp rõ ràng rằng nhóm này đang chuyển hướng chiến lược, từ cắt giảm sang giành lại thị phần”.
Chuyên gia này cũng nhận định bước đi trên có thể giúp Saudi Arabia cải thiện quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người từng công khai kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng nhằm hạ giá dầu ngay sau khi nhậm chức hồi đầu năm 2025.
Tháng trước, OPEC+ cũng hạ nhẹ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, viện dẫn tác động từ các mức thuế mới của Mỹ đối với kinh tế thế giới.
OPEC+ được thành lập năm 2016 nhằm tăng ảnh hưởng của OPEC trên thị trường toàn cầu bằng cách liên minh với các nước ngoài khối, trong đó có Nga. Trong những năm gần đây, Saudi Arabia, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman từng tự nguyện cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu ở mức cao.
Tuy nhiên, từ tháng 4, sau nhiều lần trì hoãn nâng sản lượng, nhóm tám quốc gia này đã “mở van” và giờ đây gần như “mở toang cửa” đẩy dầu ra thị trường.
Việc tăng mạnh sản lượng trong bối cảnh giá dầu dao động quanh mức 60 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2021, có thể là hành động trừng phạt những thành viên OPEC+ không tuân thủ hạn ngạch. Theo chuyên gia Arne Lohmann Rasmussen từ Global Risk Management, Kazakhstan là quốc gia bị chỉ trích nhiều nhất khi tăng sản lượng vượt mức và chưa thực hiện bồi thường theo quy định.
Ngoài các căng thẳng nội bộ, một động cơ khác có thể là toan tính địa chính trị. Trong khi các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran và khả năng đình chiến ở Ukraine đều đang bế tắc, Mỹ lại được cho là có thể nới lỏng trừng phạt đối với Moskva và Tehran, giúp hai nước này xuất khẩu thêm dầu ra thị trường.
Tuy nhiên, chiến lược đẩy nhanh sản lượng có thể khiến giá dầu tiếp tục “lao dốc không phanh”, theo cảnh báo của chuyên gia Ole Hvalbye từ SEB. Điều này đặc biệt nguy hiểm với các nhà sản xuất Mỹ, những người sẽ không thể có lãi nếu giá dầu duy trì dưới mức 55 USD/thùng trong thời gian dài.
Từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, giá dầu đã rơi từ khoảng 80 USD/thùng xuống mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 2021. Dự báo nhu cầu toàn cầu cũng bị cắt giảm mạnh do lo ngại về một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giữa hai nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh này, việc OPEC+ thử sức mạnh định giá của mình bằng cách tăng sản lượng có thể tạo ra làn sóng biến động sâu rộng không chỉ với thị trường dầu mà cả với địa chính trị toàn cầu.
Việt Dũng/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-giai-viec-opec-bat-ngo-tang-san-xuat-dau-giua-luc-gia-lao-doc-20250503225638141.htm