Lý Hải: 'Tôi đã quá quen với việc bị quật lên bờ xuống ruộng'

Lý Hải: 'Tôi đã quá quen với việc bị quật lên bờ xuống ruộng'
3 giờ trướcBài gốc
Chẳng ai giống Lý Hải trên bản đồ điện ảnh Việt.
7 phần phim, khởi động bằng phần đầu vào năm 2015 với thành tích 72 tỷ đồng, cho tới phần 7 ra mắt năm ngoái dắt túi 480 tỷ, Lý Hải vẫn bền bỉ với franchise Lật mặt, dường như không có ý định tạm dừng thương hiệu đã gắn liền với tên tuổi để bắt đầu một hướng đi mới, “refresh” bản thân.
Hiện tại, có lẽ chẳng còn ai ngờ vực rằng phần 8 Lật mặt ra mắt năm nay có đại thắng nữa hay không. Điều người ta thực sự quan tâm là cuộc đấu phòng vé 30/4 liệu có tiếp tục xảy ra một cuộc “đảo ngôi” ngoạn mục, tương tự mùa phim Tết cách đây ít tháng.
Giữa những bàn luận sôi nổi của khán giả, Lý Hải ngồi lại cho một cuộc trò chuyện với Tri Thức - Znews, khi phim của anh vừa chạm mốc 100 tỷ đồng.
‘Không phải lời khen hay chê nào cũng đúng'
- Mọi người đang nhận xét gì về Lật mặt 8: Vòng tay nắng. Anh có tò mò về điều đó ?
- Mấy ngày nay tôi không có thời gian ngủ, mỗi ngày chỉ chợp mắt 2-3 tiếng đồng hồ. Chủ yếu tôi nghe lại phản hồi từ các anh em trong ê-kíp, đồng nghiệp. Sau 2 buổi premiere và ngày chiếu đầu tiên, tôi có dịp giao lưu với khán giả ở Hải Phòng. Tôi xúc động khi thấy rạp chật kín, đã vậy nhiều người xem xong mắt còn đỏ hoe, khóc không dừng được.
Đó là những khán giả, phản ứng thực tế mà tôi tận mắt thấy, chứ không cần phải qua mạng xã hội, qua trang này trang nọ.
- Đồng nghiệp đã nói gì về phim của anh?
- Mọi người đều phản hồi rất tốt.
- Lời khen được đưa ra bởi người quen liệu có đủ khách quan. Anh đã bao giờ nghi ngờ điều đó?
- Đúng vậy, do đó tôi mới nói phải luôn là chính mình để biết đâu đúng, đâu sai, đâu là thật, đâu là giả. Đây là kinh nghiệm tôi tự rút ra sau quá trình làm việc lâu năm chứ không phải một, hai ngày. Bạn nói rất đúng, không phải lời khen hay chê nào cũng chính xác. Mình phải sáng suốt để biết thứ gì phù hợp với bản thân.
Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cảm ơn mọi người vì đã quan tâm, góp ý.
- Sau thành công của phần 7, tờ Deadline từng dành lời khen, gọi Lật mặt là franchise thành công nhất Việt Nam, cho tới Lật mặt 8 đang đối diện những tranh luận, cảm xúc của anh thế nào?
- Tôi chưa có nhiều thời gian lướt mạng xã hội để đọc bình luận. Từ khi còn đi hát tới giờ, tôi có thói quen ai khen, chê, chửi tôi cũng vui vẻ đón nhận. Sau đó về nhà, tôi mới dành thời gian suy ngẫm lại mọi lời góp ý, coi ai đúng ai sai, đâu là thật, đâu là giả.
Ai cũng có quyền góp ý, và góp ý như vậy tức là họ có quan tâm. Đầu tiên tôi phải cảm ơn họ đã. Sau đó, tôi mới chắt lọc nhận xét nào phù hợp nhất để học hỏi. Người A nói quẹo trái, người B kêu quẹo phải còn người C lại bảo đi thẳng mới đúng. Mình là người hiểu rõ mình nhất và quyết định nên đi đường nào.
Lý Hải cho biết sẽ ghi nhận góp ý của khán giả.
- Một số chi tiết trong phim bị cho là khiên cưỡng, câu nước mắt, chẳng hạn ông bố đột ngột thay đổi suy nghĩ chỉ sau một lời khuyên, mang hết tiền tiết kiệm đi chạy chọt cho con hay việc bất chấp lao xuống dòng nước cuốn để mang cho con cái áo... Anh phản hồi thế nào?
- Phải đặt mình vào tình huống đó, trong tâm thế người cha trải qua bao nhiêu gian khó, quan tâm đến con thế nào, thì mới hiểu vì sao ông ấy hành động như vậy. Có những cuộc cãi vã nảy lửa giữa cha và con, nhưng sau đó vẫn là tình cảm, sự quan tâm của người cha khi muốn con thành đạt, tự lo được cho mình chứ không cần lo cho cha. Đó là sự hy sinh thầm lặng của bậc sinh thành.
Việc người cha mang hết tiền tiết kiệm ra lo cho con, với tôi, tình cảm của cha mẹ không đơn thuần nằm ở một hai trăm triệu đồng, mà họ có thể bán cả mạng sống vì con nữa kìa. Số tiền đó ông Phước dành dụm cũng là để lo cho Tâm. Nên khi Tâm gặp sự cố, đó chính là thời điểm để ông Phước phải hành động.
Còn về chuyện người cha thay đổi suy nghĩ đột ngột, đó là vì ông Phước rất thần tượng ông bà chủ, coi họ là những bằng chứng sống. Nên khi nghe ông chủ kể lại cũng từng gò ép con mà không đem lại kết quả, thậm chí khiến cả hai xa cách, không nhìn mặt suốt nhiều năm, ông Phước mới tỉnh ngộ. Đó là bài học tôi muốn nói: "Hãy để lời khuyên nằm ở mức lời khuyên".
Người cha đi làm vì cơm áo gạo tiền, chỉ suy nghĩ đơn giản sẽ bươn chải ngoài xã hội, đem tiền về nuôi gia đình. Nhưng sau đó mới nhận ra tiền thôi thì không đủ, mà cần cả sự quan tâm nữa.
“Mọi người làm thể loại nào nhiều, tôi né”
- Những tình tiết này dễlàm liên tưởng tới hai cha con trong tác phẩm kinh điển Billy Elliot. Nhưng cái kết của cả hai lại có sự khác biệt lớn. Anh có nghĩ rằng Lật mặt 8 đang đẩy thông điệp đến mức bi lụy khi người cha gặp nạn vì ủng hộ giấc mơ của con?
- Nếu ngồi coi credit phim, bạn sẽ thấy cái kết mở. Tôi lấy ý tưởng đó từ trận lũ quét lịch sử ở làng Nủ vừa rồi, có 1 người sau 9 ngày mất tích đã trở về với gia đình. Trong phim của tôi, người cha trở về sau 5 ngày.
Mỗi đạo diễn có góc nhìn khác nhau, mỗi xã hội cũng có văn hóa khác nhau. Người sống trong sung sướng có cách chạm tới ước mơ khác người ở vùng quê. Mỗi câu chuyện mang những điểm riêng của nó, nên không thể nào tôi bắt chước cách kể chuyện của họ.
Với Lật mặt 8, tôi muốn nhấn mạnh đằng sau thành công của các bạn trẻ là biết bao mất mát, hy sinh của những đấng sinh thành. Nếu tinh ý, bạn sẽ thấy có cảnh oneshot khi nhóm bạn trẻ vinh quang trên sân khấu, phía dưới bà mẹ nghe điện thoại rồi ngất xỉu ngã lăn xuống đất. Đó là hai góc độ hoàn toàn đối lập. Nhìn vào đó để thấy rằng khi đạt được thành công, càng phải biết yêu thương, trân quý gia đình. Không phải sự hy sinh nào cũng dễ thấy, cũng được ghi nhận.
Tôi từng nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ, hay đọc các tài liệu tâm lý về giới trẻ hiện nay. Tôi thấy một số bạn bây giờ khá mơ hồ về lựa chọn tương lai, có suy nghĩ ‘Thôi cứ làm đại đi’ mà không có định hướng rõ ràng.
Tôi nghĩ như vậy khá nguy hiểm. Các bạn nên xác định đam mê của mình và cố gắng khám phá, theo đuổi nó tới cùng.
- Nhóm bạn trẻ trong phim may mắn thử sức và thành công, nhưng ngoài cuộc sống, vinh quang đâu dễ tới như vậy?
- Ai cũng có quyền ước mơ. Nếu lần này không thành công, chúng ta còn rất nhiều cơ hội sau đó nữa. Vì sao tôi chọn bối cảnh Ninh Thuận, vùng đất cằn cỗi bậc nhất Việt Nam, nơi người ta nói là “đất cày lên sỏi đá”. Những người ở đây khó khăn như vậy mà vẫn dám ước mơ và theo đuổi nó đến cùng.
Vậy tại sao những người có điều kiện sống tốt hơn lại không?
Lật mặt 8 của Lý Hải cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng trong sáng 2/5.
- Lật mặt 7 và 8 đều mang chủ đề tình cảm gia đình, trong khi trước đây anh là người luôn có ý tưởng mới cho mỗi phần phim?
- Hàng năm làm phim tôi đều phải canh thị trường, coi mọi người làm thể loại nào nhiều thì mình né, tìm con đường riêng. Cái nữa là mình coi thị trường bây giờ thiếu cái gì. Lướt mạng xã hội sẽ thấy giờ thông tin tiêu cực nhiều quá. Chẳng lẽ ai cũng vì cơm áo gạo tiền mà làm những phim “giật gân” để kéo khán giả. Tôi không muốn vậy. Cái tôi muốn làm là một phim thuần giải trí, nhưng sau khi rời khỏi rạp, nó vẫn mang lại giá trị nhân văn cho người xem.
Đó là lý do tôi chọn đề tài gia đình. Tôi muốn gửi gắm thông điệp xã hội vẫn còn rất nhiều điều tích cực, tại sao chúng ta không lan tỏa nó mà lại chia sẻ những điều tiêu cực. Tiêu cực dễ thu hút sự quan tâm hơn. Nên tôi lựa chọn như vậy là tự làm khó mình đấy chứ.
Tôi thấy màu sắc Lật mặt 8 và phần 7 hoàn toàn khác. Năm nay là câu chuyện gia đình nhưng có cả yếu tố showbiz, một đề tài mới và rất bắt trend. Hãy nhìn coi 1 năm gần đây, khán giả Việt Nam mình rất quan tâm tới idol và các show âm nhạc tổ chức từ Nam ra Bắc đều thành công.
Đề tài gia đình thật ra rất “khó nuốt”. Kể câu chuyện về một gia đình thì dễ nhưng chạm được trái tim người xem, để họ thấy “sao nó giống nhà mình quá” thì mới khó.
- Thực tế từ giai đoạn casting tới khi phim ra rạp chỉ khoảng nửa năm. Anh có nghĩ rằng mình đã chủ quan?
- Ê-kíp đã theo tôi suốt từ phần đầu tiên tới giờ rồi. Mọi người đều chuyên nghiệp và có kinh nghiệm.
Tôi lại là người rất kỹ ở phần tiền kỳ, vì tiền kỳ không tốt thì hậu kỳ rất tốn thời gian. Ví dụ quay cảnh chiến tranh, trước đó ê-kíp đã chuẩn bị bối cảnh, họa sĩ vẽ storyboard từng khung hình một. Shotlist cũng chi tiết, đặt máy ở đâu, quay cái gì, bao nhiêu shot đều có trong kịch bản hết. Chứ không phải ra đó rồi thích quay gì thì quay.
Phải kỹ như vậy, sản phẩm cuối cùng mang đến cho khán giả mới tốt được.
- Tức anh hoàn toàn hài lòng với chất lượng phim?
- Phim nào ra, tôi cũng làm hết sức rồi.
Khi thực hiện bất kỳ dự án nào, tôi đều nghĩ trong đầu là mình không được phép nuối tiếc. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau những gì làm được, phải làm cho xong, làm “tới bến” để sau này không gãi đầu bứt tai tiếc nuối. Phim ra mắt rồi, không có cơ hội chỉnh sửa, chỉ có thể sửa sai bằng cách làm dự án mới thôi.
- Giữa những tranh luận về nội dung phim, có ý kiến cho rằng đã đến lúc Lý Hải nên sáng tạo thương hiệu mới thay vì tiếp tục làm những phần tiếp theo của "Lật mặt"?
- Mỗi phần Lật mặt đều có tựa đề và nội dung riêng. Tôi chưa từng nghĩ tới việc sẽ dừng nó lại để khởi động một franchise khác. Bản thân nó đã liên tục thay đổi qua từng năm rồi.
Người xem giờ thông thái lắm, họ biết nên bỏ tiền coi phim nào chứ tôi đâu có năn nỉ được.
‘Tôi đã quen với việc bị quật lên bờ xuống ruộng’
- Từng chia sẻ không chạy theo doanh thu phòng vé, lý do nào khiến anh chọn Lê Tuấn Khang và nhiều TikToker khác?
- Nếu thực sự chạy theo chuyện bán vé, tôi đã mời Tuấn Khang đóng luôn vai chính rồi. Biết bao nhiêu gương mặt phòng vé, diễn viên nổi tiếng ở Việt Nam mà tôi không mời. Mọi người cứ chú ý vào cái danh “Tiktoker”. Nếu không tạo cơ hội cho các bạn trẻ có hoài bão như vậy, thì tới bao giờ các họ mới được đóng phim.
Trước Lật mặt 7, Tín Nguyễn cũng là TikToker. Nếu chúng tôi không có cơ hội hợp tác trong phim thì đến nay, Tín Nguyễn có cơ hội làm điện ảnh không? Tôi luôn làm việc với người có tâm huyết và đạo đức. Trước đó, tôi không biết Lê Tuấn Khang là ai. Thế nhưng, bạn ấy chạy xe từ quê Sóc Trăng lên để tham gia casting. Đầu tiên tôi phải cảm ơn bạn ấy đã. Tôi rất trân trọng những người lái xe mấy trăm cây số để đến casting.
Còn việc trao vai phụ thuộc vào bạn ấy có phù hợp hay không.
Lý Hải cho biết anh chọn Lê Tuấn Khang vì hợp vai, lại trân trọng công sức nam TikToker đi hàng trăm cây số để casting.
- Có luồng ý kiến cho rằng Lật mặt được xếp nhiều suất chiếu dựa trên danh tiếng đạo diễn, anh nghĩ sao?
- Đó là bài toán kinh doanh của cụm rạp và chúng tôi không có quyền can thiệp. Công việc của tôi chỉ là tập trung làm phim. Khi nào xong, tôi giao nó cho đơn vị phát hành và cụm rạp. Rạp sẽ quyết định việc xếp suất chiếu. Và trước đó, họ cũng phải tự xem phim để đánh giá.
Tôi nghĩ các cụm rạp là những người làm kinh doanh, họ biết làm thế nào để có doanh thu tốt.
- Lật mặt lần này có đối thủ dám cạnh tranh trực diện ngoài rạp. Đối đầu với Victor Vũ, tâm thế của anh ra sao?
- Từ Lật mặt 1 tới nay là phần 8, chưa bao giờ phim của tôi chiếu một mình, thậm chí từng đối đầu với nhiều bom tấn Hollywood. Việc phải cạnh tranh với phim nào đó, tôi đã thấy quen.
Cũng may mắn tôi không bao giờ có tiền trong túi và không quan tâm mình còn bao nhiêu. Tôi chỉ tập trung tới yếu tố nghệ thuật và điều quan tâm nhất chính là khi phim ra được khán giả khen ngợi. Tôi sẽ không vui nếu phim bán được nhiều vé nhưng chất lượng không tốt.
Câu chuyện được kể cho 10 người và 7 người thích, vậy là tôi đã thắng rồi. Không thể nào cả 10 người đều thích được vì mỗi cá nhân sẽ có gu thưởng thức khác nhau. Nên tôi áng chừng 60-70% người ủng hộ mình tức là đã thành công.
Tôi không muốn nhắc tới tên của đạo diễn khác. Điều này là có lý do. Nhiều năm trước, tôi có mời đồng nghiệp của mình đi xem phim. Họ được phỏng vấn và tỏ ra không hài lòng khi bị truyền thông so sánh với tôi. Bởi vậy từ đó tới nay, tôi không muốn nhắc tới bất kỳ ai khác trong các cuộc phỏng vấn của mình.
Còn về việc cạnh tranh ngoài rạp, tôi chưa suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Từ thời còn làm ca sĩ, tôi đã vấp ngã rất nhiều lần. Có thời điểm, tôi đang ở đỉnh cao nhưng rồi té xuống mà tưởng chừng không vực dậy nổi, nhưng cuối cùng vẫn thành công vượt qua. Tôi đã quá quen với việc bị quật “lên bờ xuống ruộng” rồi.
- Động lực nào vực anh dậy sau những lần ngã đau như thế?
- Niềm đam mê. Tôi có đam mê khủng khiếp với nghề từ khi còn nhỏ. Tôi nhiệt huyết đến độ từ thời sinh viên, trong 2 tiếng buổi trưa lúc mọi người ngủ nghỉ, tôi dành toàn bộ thời gian đó để luyện tập. Tôi tự tập nhảy, hát, diễn xuất, biên kịch, được mọi người nói là một trong những sinh viên chịu khó nhất nhì thời đó ở trường.
Tôi tâm niệm đã học, làm việc gì cũng phải nhiệt huyết. Tôi vui khi ngay từ nhỏ đã có sẵn nhiệt huyết như thế trong người. Có lẽ là do lúc đó tôi muốn thoát nghèo, muốn làm điều gì tốt đẹp nhất để thay đổi cuộc đời của bản thân và gia đình.
Những cuốn sách hay về ngành Công nghiệp Giải trí
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ
Tống Khang - Minh Hạo
Nguồn Znews : https://znews.vn/ly-hai-toi-da-qua-quen-voi-viec-bi-quat-len-bo-xuong-ruong-post1550379.html