Không gian trưng bày Bộ tranh “Đại Lễ phục triều đình An Nam” ở chái Đông điện Thái Hòa
Bộ tranh do Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân thực hiện từ tháng 2 năm 1902, gồm 30/54 bức tranh màu nước có kích thước 23,1 x 31,8cm; thể hiện chi tiết trang phục các thành viên của vương triều Nguyễn trong các nghi lễ lớn của triều đình.
Với thủ pháp tả thực, họa sĩ Nguyễn Văn Nhân miêu tả một cách chân xác kiểu dáng, họa tiết trang trí từng loại trang phục khác nhau của Hoàng đế, Hoàng hậu, Thứ phi, các quan từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm và các cấp thấp hơn trong lễ Đại triều và lễ tế Nam Giao.
Đây là nguồn tư liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật về lễ phục cung đình triều Nguyễn.
Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân (1840-1917) từng là một Kí lục của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, ông tham gia phụ trách phần đồ họa cho tập san Hội Những người bạn Cố đô Huế. Khi thực hiện bộ tranh “Đại Lễ phục triều đình An Nam”, ông đang giữ chức Biên tu Viện Hàn lâm. Ông được xem là một trong những họa sĩ đầu tiên của nước ta kết hợp thành công nghệ thuật truyền thần Việt Nam với kỹ thuật hội họa của Châu Âu.
Tại không gian này còn trưng bày bộ sưu tập một số chi tiết trang trí, vật liệu nguyên gốc của điện Thái Hòa, bao gồm các loại ngói, gạch, một đoạn cột gỗ… Đây là những cấu kiện bị hư hỏng và không thể sử dụng trong quá trình bảo tồn, trùng tu ngôi điện giai đoạn 2021-2024. Những hiện vật này giúp du khách và giới nghiên cứu hiểu thêm về kiến trúc và lịch sử của vương Triều Nguyễn.
Tin, ảnh: LIÊN MINH