Mã định danh cá nhân làm mã số thuế: Tiện lợi, minh bạch trong quản lý thuế điện tử

Mã định danh cá nhân làm mã số thuế: Tiện lợi, minh bạch trong quản lý thuế điện tử
6 giờ trướcBài gốc
Đặc biệt, việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế đang mang lại nhiều thuận lợi cho người dân và cơ quan quản lý. Ông Phạm Quang Toàn, Trưởng ban Công nghệ, Chuyển đổi số và Tự động hóa (Cục Thuế) đã chia sẻ với phóng viên về những lợi ích thiết thực cũng như lộ trình triển khai Nghị định này.
Ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) của cá nhân (theo mã định danh cá nhân khai báo). Ảnh tư liệu: Nhựt An/TTXVN
Việc triển khai Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ và quy định sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế mang lại những lợi ích gì, thưa ông?
Việc triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, cũng như quy định sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế, là một hướng đi đúng đắn và rất thiết thực trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, mục tiêu của quy định sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế là để người dân chỉ cần nhớ một mã duy nhất, thay vì phải phân biệt giữa mã số thuế và mã số căn cước công dân như trước đây. Rõ ràng, khi có nhiều loại mã khác nhau, người dân rất dễ nhầm lẫn, không biết khi nào dùng loại nào.
Theo thông lệ quốc tế, mỗi người dân chỉ nên có một mã định danh duy nhất để sử dụng cho tất cả các dịch vụ của xã hội và cơ quan nhà nước. Việc thống nhất mã này sẽ giúp người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký thuế, khai báo bảo hiểm xã hội, hay làm thủ tục hải quan... Tất cả đều có thể truy xuất từ một mã duy nhất.
Đồng thời, điều này cũng tạo thuận lợi lớn trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Khi dữ liệu đã được liên thông thông qua mã định danh chung, người dân sẽ không cần kê khai lại thông tin, tránh trùng lặp và tiết kiệm thời gian, công sức.
Vậy ngành thuế đã có những bước triển khai cụ thể nào để hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP?
Thực ra, ngành thuế đã bắt đầu triển khai hóa đơn điện tử từ trước theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP dành cho doanh nghiệp với các loại hóa đơn có mã và không mã. Việc này đã được thực hiện rất hiệu quả và nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị định 70/2025/NĐ-CP là bước tiếp theo, mở rộng phạm vi sang cá nhân và hộ kinh doanh. Một điểm nổi bật trong Nghị định này là sửa đổi, bổ sung quy định hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đơn giản hơn rất nhiều so với các loại hóa đơn trước đó. Theo đó, loại hóa đơn này được lập trực tiếp tại điểm bán, xử lý ngay tại chỗ, và chỉ đến cuối ngày mới cần gửi dữ liệu về cơ quan thuế. Điều này giúp các hộ kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều trong hoạt động hằng ngày.
Để hỗ trợ, cơ quan thuế đã phối hợp với các tổ chức cung cấp giải pháp công nghệ để phát triển các gói phần mềm tích hợp đầy đủ chức năng từ quản lý bán hàng, kế toán, lập và gửi hóa đơn, cho đến kê khai thuế. Tất cả được gói gọn trong một hệ thống công nghệ thông tin dễ sử dụng, đơn giản và phù hợp với quy mô hộ kinh doanh.
Nhiều giải pháp hiện nay được lưu trữ trên nền tảng trực tuyến, không yêu cầu đầu tư hạ tầng lớn. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người kinh doanh đã có thể lập hóa đơn và quản lý toàn bộ hoạt động.
Ngoài ra, các nhà cung cấp giải pháp cũng đưa ra chính sách ưu đãi giá, chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/tháng, rất phù hợp với các hộ kinh doanh nhỏ. Với kinh nghiệm đã có trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử có mã và không mã cách đây gần 3 năm, đến nay phần lớn doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã nhận thấy rõ hiệu quả: giảm chi phí, kiểm soát tốt đầu vào đầu ra, đồng thời hạn chế gian lận hóa đơn.
Chính vì vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP sẽ nhanh chóng được thực hiện rộng rãi. Ban đầu, người nộp thuế có thể sẽ gặp khó khăn do tâm lý e ngại cái mới, nhưng thực tế đã chứng minh rằng khi trải nghiệm và thấy được lợi ích rõ ràng, người nộp thuế sẽ nhanh chóng thích nghi và ủng hộ
Trong giai đoạn tới, ngành thuế sẽ có những bước đi cụ thể nào để tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng công nghệ, tích hợp dữ liệu và tự động hóa?
Ngành thuế đang triển khai chiến lược tổng thể về chuyển đổi số, với định hướng rõ ràng là xây dựng một hệ sinh thái thuế điện tử hiện đại, tự động hóa toàn diện. Tất cả các khâu trong quy trình thuế từ tiếp nhận, xử lý, đến ra quyết định đều hướng tới thực hiện bằng phương thức điện tử và tự động hóa dựa trên dữ liệu.
Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Tài chính để trình Chính phủ đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế. Hiện nay, việc sửa luật đang trong quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua. Dự kiến sẽ bổ sung nhiều quy định mới nhằm tăng cường tính tự động hóa, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.
Về hạ tầng kỹ thuật, ngành thuế đang tiếp tục đầu tư xây dựng các nền tảng và hệ thống dữ liệu lớn, phục vụ quản lý thuế hiện đại và phù hợp với lộ trình chuyển đổi số đến năm 2026.
Tính đến nay, theo thống kê, đã có khoảng 2,5 tỷ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được sử dụng trên toàn quốc. Hầu hết các cá nhân thuộc diện triển khai theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Đây là tín hiệu rất tích cực cho quá trình chuyển đổi số ngành thuế.
Xin cảm ơn ông!
Thùy Dương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/ma-dinh-danh-ca-nhan-lam-ma-so-thue-tien-loi-minh-bach-trong-quan-ly-thue-dien-tu-20250718165333499.htm