Tôi mới bị mắc bệnh tiểu đường, vậy tôi có được ăn đường hay không và nên ăn bao nhiêu là đủ, thưa bác sĩ? (Hoàng Xuân Ban, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ)
Trả lời
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường.
Nguyên nhân do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin, hoặc đề kháng với insulin, hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể người bệnh không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng. Điều này dẫn đến sự tích tụ lượng đường trong máu tăng dần theo thời gian.
Khi đường huyết luôn ở mức cao, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ gia tăng, đồng thời có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác như hệ thần kinh, mắt, thận và dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Việc ăn uống hợp lý giúp người bệnh tiểu đường có thể hạn chế việc phải dùng thuốc. (Ảnh minh họa)
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu tiên, duy trì suốt đời. Việc ăn uống hợp lý giúp giảm dùng thuốc.
Một chế độ ăn đầy đủ, hợp lý giúp tăng sức đề kháng, hạn chế biến chứng của bệnh; giúp người bệnh giữ mức đường máu luôn ổn định, cải thiện các tình trạng rối loạn chuyển hóa thường gặp, hỗ trợ cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi.
Trên thực tế, có một số bệnh nhân bị tiểu đường rất sợ ăn, chủ động kiêng khem nhiều. Về lâu dài, việc này làm cho cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Trong đó, nhiều người cho rằng cần phải kiêng đường. Tuy nhiên, người tiểu đường không nhất thiết phải kiêng đường. Bởi khi điều trị bệnh tiểu đường bằng insulin cũng như các thuốc uống hạ đường huyết rất dễ có nguy cơ hạ đường huyết.
Lúc này, việc sử dụng đường sẽ giúp duy trì cân bằng, ổn định lượng đường huyết.
Vấn đề quan trọng là người bệnh tiểu đường cần kiểm soát lượng đường cung cấp vào cơ thể qua khẩu phần ăn, bởi việc tiếp tục dùng đường quá mức làm tăng tình trạng bệnh lý cũng như các biến chứng.
Còn việc dùng bao nhiêu đường là đủ thì cần phụ thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân, cũng như tình trạng sức khỏe và chế độ tập luyện của người bệnh.
Khi xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường, cần phải đảm bảo nguyên tắc đủ nước, đủ năng lượng, đủ các chất đạm, chất bột, chất béo, các vitamin và chất khoáng, làm sao để không làm tăng lượng đường trong máu sau ăn cũng như không làm hạ chỉ số này xa bữa ăn.
Một số lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường
- Ưu tiên món luộc, hạn chế đồ chiên xào, đồ ăn nhanh.
- Khi ăn trái cây chín nên ăn nguyên miếng, nguyên múi để tăng hàm lượng chất xơ. Hạn chế ép trái cây lấy nước và làm sinh tố để uống vì điều này có thể làm tăng lượng đường trong máu.
- Hạn chế ăn mỡ và phủ tạng động vật, cũng như các sản phẩm chế biến từ động vật như giò, chả, xúc xích...
- Người bệnh tiểu đường có thể thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, dầu chiết xuất từ đậu nành, lạc; nên ăn nhiều cá vì đây là nguồn cung cấp chất béo tốt cho sức khỏe.
- Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn.
Bác sĩ NGUYỄN NGỌC ÁNH
Phó trưởng Đơn vị Nội yêu cầu - Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
THANH THANH