Tiết học đầu giờ buổi sáng của trẻ em trong mái ấm Tuệ Minh
Đến mái ấm Tuệ Minh buổi sáng lập xuân Ất Tỵ 2025, nắng vàng óng đã lên cao, trải dài giữa không gian rộng lớn được bao bọc trong màu xanh cây trái cao nguyên. Cô giáo Vương Thị Kim Oanh, tuổi 9X, trình độ chuyên môn Cao đẳng Sư phạm Mầm non, được cấp chứng chỉ quản lý giáo dục mầm non của Học viện Quản lý giáo dục, đang lên lớp dạy 12 trẻ mồ côi từ 2 - 5 tuổi nhận biết các đồ vật, con vật trên các bức tranh đa sắc màu. Ngồi quây quần bên 2 chiếc bàn học dài, tất cả học sinh trẻ em mồ côi mặc đồng phục ở đây đứng dậy lễ phép chào khách đến thăm. Một lúc sau, cô giáo hướng dẫn sắp hàng trật tự thành một "đoàn tàu" xuống sân tập thể dục với những động tác gọn gàng, đồng đều. Rồi qua khu vực vui chơi cầu trượt, đu quay với sự hồn nhiên trong trẻo của trẻ em mồ côi mái ấm Tuệ Minh biểu hiện trên từng khuôn mặt, nụ cười lấp lánh ngây thơ qua từng giờ phút ngoài trời.
Cô giáo Vương Thị Kim Oanh chia sẻ rằng, hiện tại mái ấm Tuệ Minh đã chăm sóc 12 trẻ em mồ côi sinh hoạt, học tập, vận động theo nền nếp ổn định từ 8 giờ sáng đến 17 giờ 30 chiều mỗi ngày. So sánh từ mùa xuân năm trước đến mùa xuân năm nay, tất cả trẻ em trong mái ấm mồ côi Tuệ Minh đều ngoan ngoãn vâng lời cô giáo và những người bảo mẫu. Từng trẻ em cho thấy tiến bộ rõ nét, ngủ nghỉ, thức dậy, tự vệ sinh cá nhân, ăn uống, vào lớp học đúng giờ. Đặc biệt, trí lực của trẻ phát triển rất tốt, nhận biết nhanh màu sắc, chữ số, đồ vật, cây hoa xung quanh mình. Trong đó có 3 trẻ sang năm mới 2025 đảm bảo thể chất và trí lực để bước vào lớp 1 Trường Tiểu học của xã Tân Văn, huyện Lâm Hà…
Chị Lương Thị Xuân (sinh năm 1980), chủ Cơ sở trợ giúp xã hội mái ấm Tuệ Minh không quên những ngày đầu tiên nhận nuôi đứa trẻ bỏ rơi mới 3 ngày tuổi ở Bệnh viện Bảo Lộc vào năm 2020. Đây là đứa bé trai của người phụ nữ trẻ bỏ rơi tại bệnh viện vì không có điều kiện làm mẹ đơn thân nuôi con. Thương trẻ, chị Xuân đưa về cùng người thân là Trần Thị Hồng Sương (sinh năm 1987) nuôi dưỡng tại trong căn nhà nhỏ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2023, chị Xuân đã liên lạc được với ông bà ngoại cho nhận bé trai hồi gia khi đã hơn 3 năm tuổi.
Một năm sau - năm 2021, chị Xuân tiếp tục nhận nuôi 4 người phụ nữ trẻ đều mang thai kỳ 6 tháng, 7 tháng và 8 tháng trong một căn nhà cấp 4 có khu vườn bao quanh hơn 1.000 m2 trồng rau, nuôi gà. Sau khi vượt cạn thành công với 3 con trai và 1 con gái, 4 người mẹ nghèo khó này rời khỏi căn nhà của chị Xuân và hứa sẽ quay lại đón con về nuôi trong thời gian gần nhất khi có công việc làm ổn định thu nhập, nhưng đến đầu năm 2025 vẫn chưa thấy cuộc hội ngộ tình mẫu tử ruột rà giữa mái ấm Tuệ Minh tại thôn Hà Trung, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà.
Năm 2022, nhớ nhất vào lúc khoảng 3 giờ sáng, nghe tiếng khóc trẻ con, chị Xuân mở cửa nhà ở Nhơn Trạch, Đồng Nai trông thấy đứa bé trai 3 - 4 tháng tuổi bọc khăn đựng trong túi xách. Sau khi đưa lên bệnh viện phục hồi sức khỏe, đứa trẻ được đưa về mái ấm Tuệ Minh chăm sóc. Đến nay, đứa trẻ đã 3 tuổi hiếu động vui chơi, học hành chăm ngoan, nhưng vẫn chưa có thông tin mẹ ruột liên lạc thăm hỏi hoặc đón nhận về nhà…
Giờ đây, trong mái ấm Tuệ Minh nuôi “búp măng non” mồ côi và bỏ rơi không chỉ bước tuổi thứ 3 đến tuổi thứ 5, mà còn có 5 thành viên đã lớn tuổi hơn, hiện đang học các lớp 2, 3, 8 và 9 tại các trường học trong xã Tân Văn, huyện Lâm Hà. Xuất thân trẻ em mồ côi và bỏ rơi bởi những người mẹ trẻ các tỉnh, thành trong nước được chị Xuân nhận nuôi tập trung tại mái ấm Tuệ Minh từ năm 2021. Thời điểm này dịch COVID-19 bùng phát khắp nơi, chị Xuân chọn mua 7.000 m2 đất giữa vùng cà phê cách ly khá xa với các khu dân cư của xã Tân Văn, huyện Lâm Hà. Qua thời gian xây dựng hoàn thiện, mái ấm Tuệ Minh với các khu vực chức năng phục vụ nuôi dạy trẻ mồ côi và bỏ rơi gồm: nhà ở 300 m2; sân cỏ thể dục, thể thao 300 m2; phòng học 180 m2; bếp ăn 120 m2; khu vui chơi, cầu trượt 80 m2…
“Phương châm của mái ấm Tuệ Minh là dành những điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, nhân sự và tấm lòng nhân ái để nuôi dạy, tạo môi trường cuộc sống tinh thần và vật chất tốt nhất có thể đối với trẻ mồ côi và bỏ rơi. Và mong muốn của mái ấm sẽ sớm gặp lại những người mẹ hoặc những người họ hàng, thân thuộc có đầy đủ giấy tờ chứng minh thu nhập đảm bảo để chuyển giao những đứa trẻ các lứa tuổi đang nuôi dạy từ lức sơ sinh đến giờ…”, chủ mái ấm Lương Thị Xuân tâm sự.
VĂN VIỆT