Mãi mới thành lập được HĐT đại học thành viên, giờ lại đề xuất bỏ: Rất nghịch lý

Mãi mới thành lập được HĐT đại học thành viên, giờ lại đề xuất bỏ: Rất nghịch lý
8 giờ trướcBài gốc
Một đề xuất trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cơ sở giáo dục đại học: xóa bỏ hội đồng trường ở các trường đại học thành viên, chỉ duy trì một hội đồng ở cấp đại học quốc gia hoặc đại học vùng.
Theo quan điểm của ban soạn thảo, việc này nhằm khắc phục những bất cập trong mô hình đại học 2 cấp hiện nay. Tuy nhiên, một số lãnh đạo và chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng điều chỉnh này có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ, vốn là định hướng đang được khuyến khích trong hệ thống giáo dục đại học thời gian qua.
Hiện nay, ở nước ta, đại học quốc gia, đại học vùng đang được tổ chức theo mô hình đại học 2 cấp (trường đại học trong đại học). Ảnh minh họa: Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Không thể tự chủ mà thiếu giám sát đồng cấp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chủ tịch hội đồng trường thuộc đại học thành viên của đại học vùng ở miền Trung bày tỏ lo ngại về đề xuất bỏ hội đồng trường ở các trường đại học thành viên. Vị này nhấn mạnh: “Tự chủ phải đi cùng với cơ chế giám sát và phải là giám sát đồng cấp chứ không thể theo kiểu từ trên xuống”.
Nhớ lại những thay đổi lớn trong vài năm trở lại đây, vị lãnh đạo chia sẻ: “Toàn bộ hệ thống giáo dục đại học đã có nhiều chính sách nhằm gia tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Hội đồng trường được xác lập như một cơ chế quan trọng để trường vừa tự giám sát, vừa tự chịu trách nhiệm. Đây là một mô hình rất chuẩn mực mà các nước phát triển áp dụng”.
Tuy nhiên, theo vị này, chính sách lại đang đứng trước nguy cơ đảo chiều. “Trong vòng 4-5 năm qua, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ hệ thống quản trị, việc kiện toàn hội đồng trường vừa mới hoàn thành thì nay lại đề xuất bỏ. Điều này tạo ra nhiều xáo trộn”, vị lãnh đạo bày tỏ sự băn khoăn.
Vấn đề đặt ra là: nếu các trường đại học thành viên không còn hội đồng trường, liệu quyền tự chủ bị ảnh hưởng ra sao? Vị chủ tịch phân tích: “Hiện nay trong cùng một đại học vùng hay đại học quốc gia, có những trường vẫn nhận ngân sách nhà nước, có trường thì đã tự chủ hoàn toàn. Những trường tự chủ ấy được trao quyền mở ngành, mở chương trình đào tạo, quyết định tài chính, nhân sự,… thông qua các đề án được hội đồng trường phê duyệt. Nếu bỏ hội đồng trường của trường đại học thành viên thì mọi việc sẽ phải đẩy lên đại học - như vậy sẽ tạo ra độ trễ trong điều hành, đồng thời làm giảm tính linh hoạt và tự chủ trong hoạt động”.
Vị này cũng cảnh báo rằng việc chuyển hết thẩm quyền lên đại học vùng hoặc quốc gia sẽ biến các trường đại học thành viên thành những đơn vị trực thuộc đơn thuần, chỉ còn chức năng tổ chức đào tạo. “Trước khi vào đại học vùng, trường đại học thành viên là những cơ sở giáo dục đại học độc lập. Nay lại bị coi là đơn vị phụ thuộc thì đúng là một bước lùi”, vị chủ tịch hội đồng trường nói.
Đặc biệt, với đặc thù là các trường phát triển đa ngành, quy mô lớn, việc quản lý đòi hỏi phải có sự phân quyền thực chất. “Nhiều trường đại học thành viên của đại học vùng đã là đơn vị tự chủ. Giờ bỏ hội đồng trường của họ đi, tức là biến họ thành đơn vị phụ thuộc. Như vậy thì còn đâu là tự chủ nữa?”, vị lãnh đạo đặt câu hỏi.
Ảnh minh họa: Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội
Đồng quan điểm, lãnh đạo một trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia cũng khẳng định tầm quan trọng không thể thay thế của hội đồng trường trong bối cảnh giáo dục đại học đang từng bước đẩy mạnh quyền tự chủ.
“Trường đã được giao quyền tự chủ, tức là đi kèm với đó là trách nhiệm giải trình. Vậy thì nhất định phải có một cơ chế kiểm soát - mà ở đây chính là hội đồng trường”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Theo phân tích của vị này, với các trường đại học thành viên đã được trao quyền tự chủ, vì vậy việc duy trì hội đồng trường là “cực kỳ cần thiết”. Nếu bỏ cơ chế này, thì “tự chủ cũng mất đi phần ý nghĩa căn bản của nó”. Vị lãnh đạo cho rằng đây không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn là nguyên tắc quản trị đại học: không thể có trách nhiệm mà thiếu cơ chế giám sát đồng cấp.
Bày tỏ lo ngại về hiệu quả quản lý nếu chuyển toàn bộ thẩm quyền về cho hội đồng đại học, vị này đặt câu hỏi: “Các trường đại học thành viên hiện nay phát triển với quy mô rất lớn, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Vậy nếu gom hết về hội đồng đại học, thì làm sao hội đồng này có thể quản lý chi tiết và đưa ra ý kiến chuyên môn cho tất cả các lĩnh vực đó?”
Chính vì thế, việc duy trì hội đồng trường ở các trường đại học thành viên là “rất cần thiết và rất nên có”.
Đưa ra góc nhìn đề xuất chính sách, vị lãnh đạo cho rằng, không thể “gom chung” tất cả các trường đại học thành viên vào một mô hình vận hành như nhau, mà cần xem xét từng trường hợp cụ thể:
“Những trường đại học thành viên đã phát triển đủ mạnh, đủ lớn thì nên được tách ra, hoạt động độc lập như một cơ sở giáo dục đại học tự chủ. Vì nếu nằm trong một khung quá chật chội thì sẽ khó phát huy hết tiềm năng.
Ngược lại, với những trường nhỏ, chưa đủ điều kiện để tự chủ toàn diện, thì việc tiếp tục ở trong khung đại học vùng hay đại học quốc gia là hợp lý hơn, để được điều phối và hỗ trợ phát triển”, vị này nhấn mạnh.
Chưa nên vội vàng thay đổi mô hình hội đồng trường
Tiến sĩ Phạm Hiệp - Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: Trường Đại học Thành Đô
Ở góc nhìn chuyên gia giáo dục đại học, Tiến sĩ Phạm Hiệp (Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức, Trường Đại học Thành Đô), bày tỏ sự thận trọng trước đề xuất bỏ hội đồng trường tại các trường đại học thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng.
Theo Tiến sĩ Hiệp, chỉ cách đây vài năm, khi các trường đại học thành viên còn chưa thành lập hội đồng trường, dư luận xã hội và giới chuyên môn đã nhiều lần chất vấn, thúc đẩy việc thiết lập mô hình quản trị này. “Mãi mới thành lập được hội đồng trường, giờ lại đề xuất bỏ thì quả là nghịch lý”, Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, việc chuyển đổi từ mô hình cũ - từ không có hội đồng trường, sang mô hình mới (có hội đồng trường) là cả một quá trình cần thời gian để ổn định.
“Nhiều trường mới chỉ vừa vận hành mô hình hội đồng trường được một nhiệm kỳ. Giờ lại thay đổi, sẽ gây hoang mang không nhỏ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên”, Tiến sĩ Hiệp nói và cho biết thêm: “Không chỉ là tâm lý, mà còn là sự xáo trộn trong hệ thống quản lý, khi nhiều vị trí lãnh đạo vừa được kiện toàn, nay lại đứng trước nguy cơ bị giải tán”.
Theo Tiến sĩ Hiệp, điều đó tạo ra “rối loạn không cần thiết” cho toàn bộ cộng đồng học thuật trong nhà trường. Vì vậy, việc điều chỉnh quy định liên quan đến mô hình quản trị này “phải hết sức cân nhắc”.
Vị chuyên gia cho rằng, nên có “độ trễ cần thiết” để nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan, toàn diện. “Chúng ta đang nói đến một mô hình mới vận hành chỉ vài năm, chưa có đủ thời gian để kiểm chứng hiệu quả hay hạn chế. Về mặt phương pháp luận, chưa thể đưa ra kết luận vội vàng”, Tiến sĩ Hiệp lý giải.
Từ góc độ sứ mệnh, Tiến sĩ Hiệp cho rằng các đại học quốc gia, đại học vùng có vai trò riêng biệt trong hệ thống giáo dục đại học, do đó cũng cần một mô hình quản trị riêng biệt, sao cho vừa đảm bảo được quyền tự chủ của các trường đại học thành viên, vừa đảm nhận được sứ mệnh chung của toàn hệ thống. “Sứ mệnh riêng - sứ mệnh chung cần được hài hòa. Nếu không làm rõ, rất khó để vận hành hiệu quả”.
Tiến sĩ Hiệp cũng lưu ý đến Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ) mới được ban hành, trong đó xác định rõ vai trò và sứ mệnh của đại học quốc gia, đại học vùng, thậm chí còn đặt ra yêu cầu bổ sung đại học vùng. “Trong phụ lục của quy hoạch còn ghi rõ một số trường đại học thành viên được xác định có sứ mệnh riêng. Vậy thì việc thay đổi cơ chế quản trị cần phải rất thận trọng”, chuyên gia lưu ý.
Trước một số ý kiến cho rằng mô hình “trường đại học trong đại học” không tồn tại trên thế giới, Tiến sĩ Hiệp phản biện: “Thực tế, nhiều quốc gia vẫn có mô hình này. Vấn đề là hội đồng trường của họ hoạt động thế nào, cơ chế quản trị ra sao, chúng ta cần nghiên cứu kỹ để học hỏi và áp dụng phù hợp”.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh tới yêu cầu minh bạch và giải trình nếu muốn thay đổi mô hình hiện tại. “Cần có dữ liệu, có đánh giá rõ ràng: trước và sau khi có hội đồng trường, kết quả thế nào? Trường có hội đồng trường khác gì trường chưa có? Giữa các trường thuộc Bộ/ngành, thuộc đại học quốc gia, đại học vùng có gì khác biệt?”. Theo Tiến sĩ Hiệp, nếu không lý giải được rõ ràng vì sao phải bỏ hội đồng trường, thì “sẽ là một bước lùi về quản trị”.
Tiến sĩ Hiệp cũng đặt vấn đề về bối cảnh chung: “Trong khi bộ máy từ trung ương đến địa phương đang tiến hành sáp nhập, tinh gọn, thì một số thay đổi về tổ chức ở cơ sở giáo dục đại học cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mô hình quản trị cấp huyện, cấp tỉnh tồn tại hàng chục năm mới thay đổi. Trong khi đó, hội đồng trường ở nhiều trường đại học mới chỉ tồn tại vài năm - chưa thể đánh giá hết được”.
“Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong các trường - sẽ thấy sự hoang mang hiện hữu. Và rõ ràng, họ cần một môi trường ổn định để cống hiến, hơn là những xáo trộn liên tục”, Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Minh Chi
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/mai-moi-thanh-lap-duoc-hdt-dai-hoc-thanh-vien-gio-lai-de-xuat-bo-rat-nghich-ly-post251540.gd