Mái nhà yêu thương của những người lang thang

Mái nhà yêu thương của những người lang thang
5 giờ trướcBài gốc
“Vào Trung tâm, con mới được ăn nhiều món ngon!”
Nguyễn Thị Thảo My (quê Quận 5, TP Hồ Chí Minh) từ khi được sinh ra đến nay 13 tuổi nhưng không biết mặt cha; em sống cùng mẹ và ông bà ngoại. Rồi một ngày, ông bà ngoại bán nhà, chuyển đến tỉnh Bình Phước sinh sống và đưa cho mẹ Thảo My một khoản tiền để nuôi con. Người mẹ cầm tiền đi lấy chồng ở tỉnh xa và bỏ mặc đứa con thơ sống nay đây mai đó.
Không có ai chăm sóc, chẳng được tới trường, Thảo My lang thang tới gần khu vực Công viên Thống Nhất (trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và được một cô bán cháo nhận nuôi. Hàng ngày, Thảo My phụ giúp cô bưng đồ cho khách và được trả công 2 bát cháo nhỏ.
Thế rồi, một ngày cô bán cháo chuyển đi chỗ khác và bỏ lại Thảo My. Không có đồ ăn, Thảo My lại lang thang đi xin ăn, xin tiền và được công an phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) tập trung và bàn giao cho Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.
Vào Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, người lang thang được thăm khám, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Ảnh: Trần Oanh
Chiều 23/10, Thảo My cùng một số anh, chị sống trong Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội được hướng dẫn cách gấp túi giấy, khuôn mặt ai nấy cũng vui vẻ và ánh lên niềm hy vọng.
Với giọng nói miền Nam dịu dàng và dễ thương, Thảo My phấn khởi chia sẻ: “Những ngày vào Trung tâm, con hơi lo lắng vì sợ sẽ bị bỏ rơi như ở bên ngoài. Nhưng sau 1,5 tháng, con coi Trung tâm như ngôi nhà thứ hai; các cô chú cán bộ như người thân của mình. Ở nơi đây, con được ăn các bữa sáng có bánh bao, xôi, mỳ tôm...; bữa trưa có chả lá lốt, trứng rán, giò lợn, đùi gà chiên, rau muống, rau bắp cải...; ăn tráng miệng trái cây. Vào Trung tâm, con mới được ăn nhiều món ngon đến thế. Con và mọi người còn được xem ti vi, chơi thể thao, tập thể dục... Con thích học cách gấp túi giấy vì qua đây biết được giá trị sức lao động và có khoản kinh phí khi trở về với gia đình và cộng đồng”.
Người lang thang được rèn luyện sức khỏe, đọc báo, xem tivi để nắm bắt thông tin.
Đối với anh Linh Văn Huệ là người khuyết tật chân (41 tuổi, quê huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), sau hơn một tháng được tập trung vào Trung tâm, từ một người gày gò, ốm yếu, chỉ nặng 40kg, đến nay anh đã tăng thêm được 10kg.
“Đồ ăn ở đây hợp khẩu vị, nhân viên nhà bếp đổi món thường xuyên. Ngày lễ Quốc khánh 2/9, 20/10, tôi được liên hoan bánh kẹo, trái cây; tham gia các trò chơi và có thêm nhiều món ăn ngon khác. Khi vào đây, tôi được cán bộ phổ biến, giáo dục thì mới biết đi xin ăn, xin tiền là vi phạm quy định Quyết định số 2252/QĐ-UBND của TP Hà Nội. Tôi dự tính, sau này về quê sẽ tìm một công việc phù hợp với tình trạng khuyết tật để ổn định cuộc sống” – anh Linh Văn Huệ cho hay.
Nâng chất lượng quản lý, chăm sóc người lang thang
Trao đổi về công tác tập trung, tiếp nhận, quản lý và chăm sóc người lang thang, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Tiến Trung cho biết, lãnh đạo Trung tâm thường xuyên chỉ đạo Đội Trật tự xã hội lưu động tiếp nhận cũng như tập trung người lang thang.
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tổ chức lao động trị liệu cho người lang thang. Ảnh: Trần Oanh
Cùng với đó, Trung tâm còn có số điện thoại đường dây nóng 0243.22.33.111 trực 24/7 không ngày nghỉ để tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh về người lang thang. Hàng ngày, từ 7 - 22 giờ, Đội Trật tự xã hội lưu động tổ chức các ca đi kiểm tra, rà soát địa bàn bằng xe máy để tập trung người lang thang.
Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp về Quyết định số 2252/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội cũng như công tác phối hợp tập trung tiếp nhận người lang thang.
Nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024), người lang thang được ăn thêm nhiều món ngon. Ảnh: Nguyễn Vân
Người lang thang ở Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội được quan tâm, quản lý, chăm sóc về sức khỏe, y tế, chế độ dinh dưỡng các bữa ăn hàng ngày theo quy định tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, Trung tâm sử dụng nguồn quà tặng, thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm để cải thiện chất lượng dinh dưỡng bữa ăn được tốt hơn. Những ngày Lễ, Tết, 8/3, Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9, 20/10, Trung tâm tổ chức các hoạt động mang đậm nét cổ truyền và thông qua đó để giáo dục bà con về tình yêu quê hương, đất nước.
Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Tiến Trung tặng hoa và quà cho những phụ nữ lang thang đang được quản lý và chăm sóc tại đơn vị.
Khi ở Trung tâm, người lang thang còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tập luyện để cải thiện sức khỏe, được tham gia lao động trị liệu để nhận thấy sức lao động chân chính là vinh quang và bản thân làm ra đồng tiền mới có giá trị.
Ngoài ra, người lang thang còn được tuyên truyền, giáo dục và nhận diện các vấn đề liên quan đến vi phạm Quyết định số 2252/QĐ-UBND, vi phạm quy định xin ăn, xin tiền. Họ còn được tư vấn, trang bị kỹ năng, kiến thức để phòng tránh, ứng phó với các vấn đề liên quan đến xâm hại bạo lực, bóc lột sức lao động, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
“Trung tâm xác định rà soát, tập trung người lang thang là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nên tiếp tục tổ chức, phân chia các thành viên trong Đội đi địa bàn để rà soát, kiểm tra, phát hiện, tập trung và tiếp nhận đối tượng. Qua đó, giảm thiểu người lang thang trên địa bàn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng như góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, thanh lịch trong mắt người dân và du khách quốc tế” – ông Nguyễn Tiến Trung cho hay.
Trần Oanh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/mai-nha-yeu-thuong-cua-nhung-nguoi-lang-thang.html