Mãi xanh rừng cát Cu Hoan

Mãi xanh rừng cát Cu Hoan
15 giờ trướcBài gốc
Đường vào khu rừng tự nhiên Cu Hoan trong lành với những tàn cây xanh mát - Ảnh: Đ.V
Cấm trâu ăn kẹ, cấm bẻ củi tươi”
Theo dẫn đường của Trưởng thôn Thiện Tây Lê Hoài Sơn và một số người khá am tường về khu rừng tự nhiên Cu Hoan, chúng tôi ngồi xe máy rong ruổi qua các con đường mòn luồn rừng. Giữa cái nắng chói chang nhưng khi vừa đặt chân vào rừng Cu Hoan, một cảm giác mát lành với muôn vàn tàn cây xanh rợp bóng phủ kín giữa tầng không. Từng quần thể cây cổ thụ đủ hình thù kỳ quái, rậm rịt với rêu xanh bao quanh và những khóm lan Cẩm Cù leo đầy trên thân hiện ra, như đưa chúng tôi lạc vào một miền cổ tích xa xăm.
Ông Nguyễn Nhật Thái (72 tuổi), Trưởng xóm Phú, thôn Thiện Tây, là một trong những người am hiểu nhiều về vùng rú cát quê mình. Ông Thái cho hay, nghe các thế hệ đi trước kể lại, năm 1400, khi ngài khai khẩn ra làng Cu Hoan thì đã có rú Cu Hoan tồn tại như bây giờ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và chiến tranh, thiên tai, khu rừng vẫn vẹn nguyên như nhân chứng sống của ngôi làng hình thành cách nay đã hơn 600 năm. “Rừng Cu Hoan được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước truyền nối từ xa xưa đến bây giờ. Trước năm 1975, làng có đội vệ lâm (bảo vệ rú) gồm 5 người được cử ra từ 5 xóm. Hằng năm, họ được làng trả công bằng thóc để chuyên lo chuyện tuần bảo vệ rú. Cùng với hương ước quy định xử phạt nặng các hành vi xâm phạm rừng, đội vệ lâm đã góp sức giữ rừng vẹn nguyên cho đến bây giờ”, ông Thái kể.
Những vườn hoa màu xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế được trồng ở vùng sản xuất trong khu vực rừng Cu Hoan - Ảnh: Đ.V
Hương ước giữ rừng được thể hiện qua câu vè quen thuộc, được khắc ghi trong tâm trí của mỗi người làng Cu Hoan, là: “Cấm trâu ăn kẹ, cấm bẻ củi tươi” (trâu ăn kẹ là trâu thả lang thang ăn trong rừng).
Quy định này của làng luôn được người dân ghi nhớ, trao truyền và giữ nghiêm phép tắc qua bao đời người. Số người xâm phạm rừng Cu Hoan hiếm khi xảy ra, nhưng khoảng mấy năm trở lại đây có vài người bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng/người vì tội chặt cây, chủ yếu liên quan đến quá trình xây lăng mộ cấn đụng cây.
Mới đây nhất, có một trường hợp người làng trong quá trình xây dựng khu mồ mả đã chặt 1 cây trâm bầu đường kính khoảng 40 cm, bị xã xử phạt 3 triệu đồng. “Người bị phạt cũng thành khẩn nhận sai và cam kết không tái phạm. Hầu hết ai cũng tuân thủ nghiêm hương ước giữ rừng nên ở địa phương số người vi phạm rất ít.
Chúng tôi thường xuyên tuần rừng, nếu phát hiện sẽ lập tức báo làng, xã kiên quyết xử lý nghiêm”, Trưởng thôn Lê Hoài Sơn quả quyết. Ngoài ra, khi gia đình có người thân mất đều phải làm lễ xin làng mới được phép chôn cất trong rú và không được phá hoại cây lớn. Nếu phát hiện cây rừng lớn bị chặt hạ, gia đình đó sẽ chịu phạt nặng trước làng.
Vậy vì sao trong bối cảnh rừng tự nhiên ở nhiều nơi, từ miền núi cho đến đồng bằng, ven biển bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng nhưng người dân Cu Hoan lại giữ được rừng bền bỉ đến vậy? “Là bởi, rừng Cu Hoan được xem như báu vật của người dân địa phương.
Năm xưa “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Đây là chốn thiêng liêng chôn cất người đã khuất của làng và kể cả những cô hồn không nơi nương tựa. Rừng Cu Hoan còn là lá chắn chống cát bay, cát lấp làng mạc; bảo vệ dân làng trước thiên tai”, ông Lê Ngọc Trải, một trong những người nắm khá rõ về khu rừng nguyên sinh ở Cu Hoan giải thích.
Ốc đảo xanh” mát lành
Dù mới đi xe máy men theo các đường mòn chính, nhưng chúng tôi cũng phải mất gần 1 giờ mới đi lướt sơ bộ gần hết khu rừng. “Là người địa phương, nếu đi bộ chắc hẳn phải mất 1, 2 ngày mới đi hết khu rừng. Bởi càng đi sâu vào rừng càng rậm rịt, thâm u với chằng chịt lối đi. Người lạ đi thường bị lạc vì dễ mất phương hướng”, ông Sơn nói. Theo thông tin của ông Sơn, khu rừng tự nhiên Cu Hoan có tổng diện tích 124 ha, kéo dài khoảng 6 km với bề rộng vài kilomet. Khu rừng tiếp giáp với thị trấn Diên Sanh và các xã Hải Thượng, Hải Hưng.
Dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng người viết vẫn bị mê hoặc trước vẻ đẹp nguyên sơ của khu rừng này, nhất là sự đa dạng về chủng loại cây và đặc biệt có nhiều cây cổ thụ to lớn mọc thành những quần thể.
Ông Thái chỉ cho chúng tôi những rặng cây trâm bầu vài người ôm, hay như cây trai thuộc nhóm gỗ quý cao lớn vươn vút giữa vòm trời, rồi cây dẻ đang đơm hoa dày đặc, những cây song mã cổ thụ thân trơn nhẵn với tán lá xanh um tỏa đều tứ phía...
“Hiện rừng nguyên sinh Cu Hoan có những loại thực vật tiêu biểu như: cây gỗ dẻ, trai, song mã, trâm bầu, lộc vừng, de, ô dược... đường kính phổ biến các loại cây từ 30 - 50 cm, cá biệt có những cây có đường kính từ 80 cm - hơn 1 m.
Đa số những cây trong rừng đều được giữ gìn đến lúc tự rục chết, người làng không ai mảy may nghĩ đến chuyện chặt hạ”, ông Thái cho hay. Ngoài ra, rừng Cu Hoan cũng có sự hiện diện của nhiều loại cây thảo dược, cây bụi nhỏ và các loài chim đặc hữu vùng cát, chim trời di cư đến trú ngụ theo mùa, thỏ, gà rừng, rắn...
Một góc rừng tự nhiên Cu Hoan nhìn từ khu ruộng canh tác - Ảnh: Đ.V
Đi ngang qua cánh rừng Cu Hoan, chúng tôi biết thêm được nhiều đầm nước tự nhiên trong xanh, cảnh quan thơ mộng với các tên gọi: hồ Đập Trén, Trằm Kéc, Trằm Eo... Những hồ, đập này dung nạp nguồn nước đến từ các xã xung quanh rồi sau đó điều tiết, cung cấp nước cho hàng trăm hecta đất sản xuất ruộng lúa, hoa màu của bà con làng Cu Hoan từ bao đời nay.
Xen lẫn trong khu rừng, chúng tôi chứng kiến có nhiều khu đất canh tác ruộng của bà con theo kiểu bậc thang. “Trên cao thì chúng tôi trồng hoa màu như ném, ớt, lạc, dưa leo, cà các loại, bên dưới thấp thì trồng lúa 2 vụ.
Ở các vùng canh tác trên rú cát Cu Hoan, chúng tôi chưa bao giờ cho đất nghỉ. Hết cây này là gối cây khác, bởi đất đai ở đây màu mỡ, tơi xốp và chưa bao giờ thiếu nước do có nguồn cung dồi dào từ hồ Đập Trén”, ông Bùi Phúc (67 tuổi) - lão nông có 27 năm bám vùng cát làm ăn - chia sẻ.
Ông Phúc cũng là một trong những nông dân cần cù, sản xuất hiệu quả khi chuyên canh hàng năm với 3 sào ném, 5 sào môn và luân canh đậu lạc, đậu huyết, ớt. “Mỗi vụ ớt ông Phúc thu đến 1.000 lon ớt bột, 6 tấn lạc chưa kể ném, sắn. Có thể nói, ông Phúc là người sản xuất hiệu quả nhất ở vùng rú cát Cu Hoan”, Trưởng thôn Lê Hoài Sơn cho hay.
HỒ ĐẬP TRÉN, TIỀM NĂNG KHAI THÁC DU LỊCH SINH THÁI
Hồ Đập Trén nằm trong khu rừng cát Cu Hoan có diện tích khoảng 6 ha. Con đập này đã được Nhà nước đầu tư xây kè, đắp đập, hệ thống cống kiên cố, hiện cung cấp nước sản xuất cho khoảng 50 ha ruộng lúa và hoa màu ở vùng hạ du. Dù nằm ở vùng cát nhưng hồ rất hiếm khi khô cạn. Cảnh quan của hồ đẹp, nước trong mát quanh năm và có nhiều loài cá như: phát lát, rô phi, rùa, ba ba, cá lóc... có kích thước lớn. Là địa điểm có vị trí khá gần với ngã 5 đoạn dẫn về Trằm Trà Lộc nên địa phương đang tính toán phương án khai thác để nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái, thu hút du khách.
Khu rừng xanh mát này chính là “ốc đảo xanh”, “lá phổi xanh” mang lại không khí trong lành cho người dân địa phương. Dưới tán rừng vùng cát Cu Hoan, người làng sống một cách khoan hòa và biết trân trọng thiên nhiên. Bù lại, rừng mang lại cho họ nhiều ân tứ. Rừng mở rộng vòng tay che chở con người khi xảy ra biến cố. Rừng giúp đất đai tươi tốt và chắt nguồn nước mát lành tưới tắm đồng ruộng, giúp bao đời người sinh sôi.
Đức Việt
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/mai-xanh-rung-cat-cu-hoan-190715.htm