Malaysia đang ở đâu trong cuộc tái thiết kinh tế toàn cầu?

Malaysia đang ở đâu trong cuộc tái thiết kinh tế toàn cầu?
4 giờ trướcBài gốc
Một góc phố ở Kuala Lumpur, Malaysia. Nguồn: AFP/TTXVN
Nhà kinh tế Samirul Ariff Othman, giảng viên của trường Đại học Teknologi Petronas (Malaysia), nhà phân tích về quan hệ quốc tế và là cố vấn cấp cao của Quỹ tham vấn toàn cầu châu Á (Global Asia Consulting) cho rằng cuộc tái thiết kinh tế toàn cầu đã bắt đầu và đang định hình lại thế giới theo thời gian thực.
Ông cho rằng những gì chúng ta đang chứng kiến không phải là sự sụp đổ đột ngột mà là sự sắp xếp lại một cách chậm rãi, khó khăn của các nền kinh tế, chính trị và liên minh, vốn được thúc đẩy bởi thuế quan tăng, dòng chảy thương mại suy yếu, hệ thống tài chính quá căng thẳng và sự trở lại của cạnh tranh giữa các cường quốc.
Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc - những nền kinh tế từng "định nghĩa" sự ổn định của châu Á - đã chuyển hướng từ việc “dự báo cơn bão xa” sang xây dựng nơi “trú bão” của riêng họ. Bài viết được đăng trên trang New Straits Times (Malaysia) có nội dung chính như sau:
Tại Trung Quốc, Bộ Chính trị đã tổ chức các phiên họp khẩn cấp, tung ra các đợt kích thích tài chính mới và củng cố mạng lưới an toàn để duy trì tiêu dùng trong nước. Tại Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách đang chắp vá các gói kích thích để duy trì chi tiêu của người tiêu dùng và các nhà máy hoạt động.
Ngay cả Singapore, mô hình mang tính dự báo của khu vực, cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng và kêu gọi bầu cử sớm, cố gắng khóa chặt không gian điều động chính trị trước khi suy thoái trở nên nghiêm trọng hơn. Đây không phải là những động thái riêng lẻ mà là những vở kịch mở màn cho một trò chơi toàn cầu mới - trò chơi toàn cầu hóa như chúng ta từng biết đã được thay thế bằng thứ gì đó lộn xộn hơn, cứng rắn hơn và phân mảnh hơn nhiều.
Sự kết thúc của toàn cầu hóa "không ma sát"Sách hướng dẫn kinh tế mới rất rõ ràng: ngân sách cân bằng đã lỗi thời; kích thích khẩn cấp đã được đưa vào. Các chính phủ trên toàn cầu đang xé bỏ các quy tắc cũ, lựa chọn mở rộng tài khóa thay vì "thắt lưng buộc bụng" và ưu tiên quốc gia thay vì hội nhập toàn cầu. Tiêu dùng trong nước đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, không phải vì niềm tin về mặt ý thức hệ mà là sự cần thiết tuyệt đối.
Ý tưởng duy trì bảng cân đối kế toán hoàn hảo đã lùi lại phía sau nhiệm vụ cấp bách, tức thời là giữ cho xã hội gắn kết và ổn định về mặt chính trị. Các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi đang nhận ra rằng tốt hơn là nên gánh chịu rủi ro ngay bây giờ, hơn là phải đối mặt với các cử tri tức giận và vỡ mộng sau này.
Mặc dù những động thái này có vẻ là kinh tế, nhưng về bản chất, chúng lại mang tính địa chính trị sâu sắc. Những gì đang diễn ra không chỉ là sự thiết lập lại kinh tế mà là sự phân bổ lại quyền lực, sự trở lại của các phạm vi ảnh hưởng và sự ra đời hỗn loạn của một thế giới đa cực mới.
Malaysia trong khu vực bùng nổĐối với Malaysia, một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào dòng chảy thương mại tự do với tỷ trọng thương mại tính trên GDP lên tới hơn 130% - những cơn chấn động của thế giới mới này đã làm rung chuyển nền tảng. Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc đang bóp nghẹt thị trường xuất khẩu. Nền kinh tế đang nguội lạnh của Singapore làm giảm dịch vụ và dòng vốn đầu tư. Những khó khăn của Nhật Bản lan rộng khắp chuỗi cung ứng công nghiệp.
Trong khi đó, sự trỗi dậy rộng rãi hơn của chủ nghĩa bảo hộ và "chuyển sản xuất về nước" đe dọa cắt đứt Malaysia khỏi các mạng lưới toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều thập kỷ. Chúng ta không còn sống trong một thế giới mà sự cởi mở đảm bảo sự thịnh vượng.
Thay vào đó, chúng ta đang bước vào một thế giới mà việc tiếp cận thị trường, vốn và công nghệ ngày càng được định hình bởi địa chính trị, chứ không phải kinh tế. Và đừng nhầm lẫn: rủi ro không chỉ là kinh tế. Khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu, khi châu Âu, Ấn Độ và các cường quốc trung gian khác định vị lại chính họ, Malaysia có nguy cơ bị thiệt hại ngoài dự kiến trong một cuộc cạnh tranh mà họ không phải là người khởi xướng và không thể kiểm soát.
Xoay trục hoặc bị đào thải?Yêu cầu cấp thiết đầu tiên đối với Malaysia là rõ ràng: phải xoay trục và xoay trục nhanh chóng. Malaysia cần một biện pháp kích thích tài khóa bổ sung, nhằm mục đích tăng cường tiêu dùng trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực có khả năng chống chịu trong tương lai như nền kinh tế kỹ thuật số, các ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng và sản xuất tiên tiến. Lưới an toàn xã hội phải được mở rộng ngay bây giờ, không phải sau khi tình trạng thất nghiệp trở thành cuộc khủng hoảng. Và chúng ta phải xem xét lại chiến lược công nghiệp, khuyến khích nội địa hóa các chuỗi cung ứng quan trọng, tích cực thu hút các khoản đầu tư "Trung Quốc + 1" và nhanh chóng tiến vào các lĩnh vực mà Malaysia có thể là người đi đầu, không phải là người đi sau.
Tất nhiên, các hạn chế về tài khóa là có thật. Đạo luật Trách nhiệm tài khóa của Malaysia giới hạn nợ liên bang ở mức 60% GDP - một mức trần đã được thử nghiệm trong đại dịch. Thâm hụt ngân sách sẽ tăng, có khả năng vượt quá 50 tỷ ringgit. Việc hợp lý hóa các khoản trợ cấp, như thông qua chương trình PADU, sẽ gây hỗn loạn về mặt chính trị nhưng không thể tránh khỏi. Càng trì hoãn, thì sự điều chỉnh sẽ càng khắc nghiệt hơn.
Trò chơi địa chính trị mớiKhả năng phục hồi kinh tế thôi là chưa đủ. Malaysia cũng phải hiệu chỉnh lại chính sách đối ngoại trong một thế giới chia rẽ này. Không hoàn toàn liên kết với Mỹ và các sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không quá phụ thuộc vào sức hút hấp dẫn của Trung Quốc, thay vào đó, Malaysia phải theo đuổi một chính sách ngoại giao đa hướng thông minh, linh hoạt: làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại trên khắp ASEAN, đầu tư vào quan hệ đối tác an ninh và công nghệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, thu hút châu Âu vào hợp tác kinh tế xanh và vẫn là tiếng nói tích cực trong các diễn đàn đa phương toàn cầu.ASEAN phải được củng cố không phải như một ý tưởng trừu tượng, mà là một vùng đệm chiến lược thực sự - một hiệp ước khu vực chống lại việc trở thành sân chơi cho các cường quốc bên ngoài. ASEAN cũng phải xây dựng các liên minh "đa phương" - các thỏa thuận thực tế, nhanh nhẹn với các đối tác có cùng chí hướng về thương mại, công nghệ và đổi mới - vượt qua tình trạng tê liệt của các diễn đàn toàn cầu khi cần thiết.Không còn thời gian cho ảo tưởngBức tranh toàn cảnh là không thể tránh khỏi: thế giới hậu Chiến tranh Lạnh với thương mại "không ma sát", hội tụ toàn cầu và thịnh vượng chung đang bị phá bỏ và xây dựng lại ngay trước mắt chúng ta. Các tuyến đường thương mại sẽ được vũ khí hóa. Tiền tệ sẽ bị tranh chấp. Các tiêu chuẩn công nghệ sẽ chia rẽ theo các ranh giới địa chính trị. Các cường quốc trung gian như Malaysia sẽ buộc phải lựa chọn, phòng ngừa hoặc định hình kết quả.Malaysia có một sự lựa chọn: tự mình dẫn dắt quá trình chuyển đổi hoặc bị người khác dẫn dắt. Trở thành người định hình các quy tắc mới hoặc là người chấp nhận đi theo các quy tắc của người khác. Nhưng dù thế nào đi nữa, những điều chắc chắn cũ đã không còn nữa. Thế giới mà Malaysia phải đối mặt sẽ khó khăn hơn, chuyển động nhanh hơn và ít "tha thứ" hơn.
Hằng Linh/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/malaysia-dang-o-dau-trong-cuoc-tai-thiet-kinh-te-toan-cau/374209.html