Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg
Theo nguồn tin thân cận của hãng tin Bloomberg, Chính phủ Malaysia đang muốn đàm phán để đưa mức thuế quan của Tổng thống Donald Trump với hàng nhập khẩu từ nước này vào Mỹ xuống mức khoảng 20%. Tuy nhiên, Kuala Lumpur chưa sẵn sàng đáp ứng một số yêu cầu của Washington.
Nguồn tin cho biết chính quyền Thủ tướng Anwar Ibrahim đang đàm phán để đưa mức thuế quan của Mỹ với hàng hóa nước này tương đương với mức dành cho hàng hóa của nước láng giềng Đông Nam Á. Theo tuyên bố của ông Trump đầu tháng này, Mỹ đã đạt thỏa thuận thương mại với Indonesia và Việt Nam, với mức thuế quan lần lượt là 19% và 20%.
Theo thư thông báo của ông Trump hồi đầu tháng này, mức thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa Malaysia sẽ là 25%, có hiệu lực từ ngày 1/8.
Đến nay, Malaysia đã đạt được một số bước tiến trong đàm phán thương mại với Mỹ, trong đó giải quyết được nhiều lo ngại của Washington về hoạt động buôn lậu chất bán dẫn. Tuy nhiên, nước này phản đối yêu của chính quyền Tổng thống Trump về việc gia hạn miễn thuế quan với xe điện Mỹ, giảm giới hạn sở hữu cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực xe điện và tài chính hay giảm trợ cấp cho ngư dân địa phương.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) Zafrul Aziz tỏ ra lạc quan rằng Kuala Lumpur có thể sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, vị Bộ trưởng cảnh báo về các điều khoản khó thực hiện đồng thời nhấn mạnh rằng các quốc gia nhỏ và phụ thuộc vào xuất khẩu thường ở thế khó khi đàm phán với chính quyền Trump.
Về phía Mỹ, trong cuộc họp báo diễn ra ngày thứ Hai (21/7) tại Washington, bà Karoline Leavitt, thư ký báo chí của Nhà Trắng, cho biết các cơ quan thương mại và bản thân Tổng thống Trump đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn tất đàm phán thương mại với nhiều quốc gia trên thế giới.
Malaysia đang đối mặt áp lực lớn khi chính quyền của ông Trump cho rằng con chip tiên tiến của Mỹ đã được xuất khẩu cho Trung Quốc thông qua quốc gia Đông Nam Á này. Năm 2022, Washington ra lệnh cấm xuất khẩu con chip tiên tiến cho Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tuần trước, ông Trump đã cho phép công ty chế tạo chip Nvidia tiếp tục bán con chip H20 sang Trung Quốc. Đây được xem là một phần của thỏa thuận thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, đổi lấy việc Chính phủ Trung Quốc nới lỏng hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Dù khẳng định không phát hiện bằng chứng nào về việc Malaysia là điểm trung chuyển chip Mỹ sang Trung Quốc, chính phủ của ông Ibrahim đã thắt chặt các quy định trong lĩnh vực này. Theo đó, mọi cá nhân và doanh nghiệp giờ đây phải xin cấp phép để xuất khẩu con chip công nghệ cao Mỹ và cũng phải thông báo cho MITI nếu họ biết hoặc nghi ngờ mặt hàng này bị sử dụng sai mục đích hoặc dùng cho các hoạt động bị cấm.
Theo các nhà phân tích, vấn đề liên quan tới con chip tương đối dễ giải quyết bởi Malaysia cũng mong muốn được tiếp tục nằm trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Tuy nhiên, các yêu cầu khác của Washington có thể là rào cản lớn trong các cuộc đàm phán.
Ngày thứ Hai (21/7), ông Anwar cho biết Chính phủ Malaysia đã vạch rõ “lằn ranh đỏ” trong các cuộc đàm phán khi vấn đề đặt ra có liên quan tới các chính sách quốc gia.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các quan chức Malaysia không muốn gia hạn miễn thuế quan với xe điện Mỹ bởi điều này đồng nghĩa cũng phải có động thái tương ứng với xe điện từ các quốc gia khác. Kuala Lumpur dự kiến chấm dứt chính sách miễn thuế quan và thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện nhập khẩu vào tháng 12 năm nay.
Hiện vẫn chưa rõ vì sao Mỹ, quốc gia sắp chấm dứt chính sách ưu đãi cho xe điện của mình, lại tìm kiếm cơ hội tiếp cận ở thị trường Malaysia - nơi xe điện Mỹ tương đối hạn chế. Trong nửa đầu năm nay, các công ty Trung Quốc, trong đó có BYD, chiếm gần 50% tổng số xe điện đăng ký mới tại Malaysia.
Về vấn đề sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp, ông Zafrul cho rằng các yêu cầu của Mỹ là “bất công” với Malaysia. Bộ trưởng MITI cảnh báo rằng Chính phủ cần tham vấn ý kiến từ các bên liên quan trước khi điều chỉnh quy định liên quan tới vấn đề này.
Ngoài ra, Kuala Lumpur cho rằng yêu cầu của Mỹ về việc giảm trợ cấp cho ngành đánh bắt cá và giảm tình trạng đánh bắt quá mức là “can thiệp quá mức vào chính sách trong nước” của Malaysia. Phần lớn ngư dân tại Malaysia là người Mã Lai - một nhóm cử tri có vai trò quan trọng ở nước này.
Trong bối cảnh đối mặt nhiều rủi ro từ bên ngoài, Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng năm nay xuống còn khoảng 4,5-5,5% tùy thuộc vào mức thuế quan của Mỹ với hàng hóa từ nước này. Theo dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), năm ngoái, Mỹ thâm hụt 24,8 tỷ USD với Malaysia.
Đức Anh