Mâm cúng tết Thanh minh tại nhà
Gia chủ có thể chế biến một số món ăn quen thuộc như xôi, gà luộc, canh măng, các món xào… và chuẩn bị thêm trái cây, hoa tươi, trầu cau…
Nếu không cúng lễ mặn, gia chủ có thể làm mâm cúng chay hoặc đơn giản hơn là thắp hương với trái cây tươi, trà, một ít bánh, kẹo để thể hiện lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên.
Trước khi cúng Thanh minh tại nhà, gia chủ lưu ý dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và lau sạch bàn thờ gia tiên. Người cúng cần chuẩn bị trang phục lịch sự, sạch sẽ, chỉnh tề rồi thắp hương, sau đó vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn.
Hết một tuần hương, gia chủ có thể hóa vàng và xin thụ hưởng lộc.
Mâm cúng tết Thanh minh ngoài mộ
Mâm cúng tết Thanh minh truyền thống ở ngoài mộ thường được chuẩn bị với lễ hoa quả đơn giản, gồm hương, nước, hoa tươi, trầu cau, hoa quả, thuốc lá, trà, rượu trắng (kèm chén đựng rượu 5 cái), nến cốc màu đỏ.
Cầu kỳ hơn, các gia đình cũng có thể làm mâm cúng mặn hoặc chay.
Với mâm cỗ chay, gia chủ cần chuẩn bị một số món như xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo, muối, bỏng, bơ, mật ong.
Còn mâm cỗ mặn thường có rượu, thịt lợn, chân giò, gà luộc hoặc khoanh giò. Nếu ngoài mộ có nhiều bát hương thì bát nào cũng phải thắp hương, còn lễ vật đặt trên bàn chung.
Sau khi dâng mâm cúng vào chỗ thờ chung để làm lễ, các thành viên bắt đầu thắp hương, cúng bái. Một người đại diện trong gia đình sẽ đọc văn khấn tết Thanh minh cổ truyền, tưởng nhớ tổ tiên và cầu may mắn, hanh thông.
Khi hoàn tất, gia chủ chờ cho hương cháy khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà.
Khi làm lễ cúng ngoài mộ, gia chủ nên thắp nén hương cho những ngôi mộ cạnh đó để tỏ lòng kính trọng và chia sẻ sự thành kính với những ngôi mộ không có người viếng thăm.
(Tổng hợp)
Thảo Trinh