Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì?
Mâm cúng Thần Tài thường bao gồm các lễ vật sau.
Bộ tam sinh: Có thể nói rằng, trong mâm cúng Thần Tài, bộ tam sinh là lễ vật quan trọng nhất. Bộ tam sinh thường có miếng thịt heo, béo ngậy - biểu tượng của sự sống trên cạn (loài thai sinh), bên cạnh đó là ba con tôm hoặc cua luộc - những sinh vật phản ánh sự sống dưới nước (loài thấp sinh), và 3 quả trứng - đại diện cho loài vật bay trên bầu trời (loài noãn sinh). Tại miền Nam, người dân thường bày thêm con cá lóc nướng trui để làm vật phẩm cúng Thần Tài.
Bộ tam sinh không chỉ dùng trong ngày cúng vía Thần Tài mà còn được bày trong những ngày lễ cúng như khai trương, động thổ, cúng thổ thần, thủy thần,...
Ảnh: Loan Trần
Hoa tươi: Hoa cúc, hoa đồng tiền hoặc hoa lay ơn, tượng trưng cho sự may mắn và tươi mới. Hương hoa cúc, hoa hồng và cả những bông hoa ly rực rỡ sắc màu cũng góp phần làm đầy thành tâm cho bàn thờ, giống như việc lựa chọn tránh xa những loại quả có gai như sầu riêng hay hoa nhiều gai.
Và không thể không nhắc đến trầu cau - một phần không thể tách rời trong lễ vật cúng Thần Tài. Những quả cau căng tròn, màu xanh mơn mởn, cùng lá trầu bóng láng, đầy đặn không tỳ vết, đôi khi còn được cách điệu bởi những chiếc lá trầu được cắt tỉa tinh xảo như cánh phượng, hoặc thậm chí là kẹp thêm hoa để tăng thêm phần trang trọng và tỉ mỉ.
Trái cây ngũ quả: Chọn 5 loại trái cây tươi ngon, màu sắc đẹp, tượng trưng cho ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh).
Ảnh: Vũ Thu Hương, Loan Trần
Hương (nhang): Thắp 3 hoặc 5 nén hương để thể hiện lòng thành kính.
Đèn cầy (nến): Tượng trưng cho ánh sáng dẫn đường tài lộc.
Gạo, muối: Biểu tượng của sự no đủ và bình an. Nước sạch: Nước lọc hoặc trà thơm. Rượu trắng hoặc rượu nếp: Dâng lên để thể hiện sự trang trọng.
Bánh kẹo: Bánh bao, bánh chưng, bánh tét, hoặc kẹo ngọt tượng trưng cho sự ngọt ngào, viên mãn. Nhiều năm trở lại đây, nhiều người cũng thích bày biện các loại bánh kem đẹp mắt lên bàn thờ Thần Tài.
Vàng mã: Tiền vàng, mã Thần Tài để hóa vàng sau khi cúng. Phần lễ này nên có nhưng không cần nhiều.
Xôi, gà luộc: Tùy theo điều kiện, có thể chuẩn bị món mặn để dâng cúng. Nhiều người chuẩn bị xôi gấc, xôi đậu tạo hình hoa đẹp mắt, chẳng hạn như các đĩa xôi có thêm chữ Lộc, Phát, Tài,...
Ngày vía Thần Tài ăn gì để lấy may?
Nếu có dịp ghé thăm các gia đình người Việt, đặc biệt là ở miền Nam trong ngày này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của một món ăn không thể thiếu - cá lóc nướng. Cá lóc, với sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn mạnh mẽ, đã trở thành biểu tượng của may mắn và thành công, là lời cầu nguyện cho một năm làm ăn thuận lợi, tiền vào như nước.
Tại nhiều địa phương, cá lóc nướng luôn là món ăn "cháy hàng" khi gần đến ngày vía Thần Tài.
Bên cạnh cá lóc nướng, mâm cúng Thần Tài còn có giò chả dát vàng, cua dát vàng, thịt heo quay, và các loại bánh mang biểu tượng hũ vàng, thỏi vàng. Mỗi món ăn không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng ý nghĩa cầu chúc sự phát đạt và sung túc.
Vì sao mâm cỗ cúng ngày vía Thần Tài của người miền Nam cứ phải có cá lóc?
Hiện chưa có lời giải đáp chính xác về nguồn gốc sâu xa của tục này, chỉ biết rằng mọi người thường bảo nhau, việc cúng cá lóc ngày vía thần Tài sẽ mang đến nhiều tài lộc, nhờ đó mà được sung túc cả năm.
Vì sao mâm cúng thần Tài của người miền Nam phải có cá lóc nướng? (Ảnh: Pinterest)
Cần lưu ý gì khi cúng cá lóc trong ngày vía thần Tài? Con cá phải được giữ nguyên vẹn từ đầu đến đuôi, thậm chí không đánh vảy. Trước khi nướng, phải dùng cây mía đã cạo vỏ xuyên sâu qua con cá qua phần miệng để giữ thân cá được thẳng, đẹp. Người ta kiêng dâng cúng thần Tài những con cá nướng cháy hoặc bị tróc, sứt mẻ, kém đẹp mắt.
Ngày vía Thần Tài làm cá lóc nướng tại nhà
Món ăn đơn giản này bạn hoàn toàn có thể làm được ở nhà mà không cần phải ra quán.
Nguyên liệu làm món cá lóc nướng giấy bạc - món ăn lấy may ngày vía Thần Tài
Nguyên liệu làm món cá lóc nướng giấy bạc
Nguyên liệu: 1 kg cá lóc 2 muỗng canh tỏi băm 2 muỗng canh hành tím băm 2 muỗng canh sốt ướp thịt nướng
Gia vị: Hạt nêm, bột ngọt, đường, muối
Dụng cụ: Thau, chén, giấy bạc, vỉ nướng, kéo, dao, thớt
Cách làm món cá lóc nướng giấy bạc
Sơ chế cá lóc
Để làm sạch cá lóc, bạn mổ bụng lấy phần ruột và phần mang cá, dùng kéo cắt phần vây, đuôi cá bỏ đi và dùng dao cạo sạch lớp vảy bên ngoài.
Sau đó, bạn dùng muối chà xát vào phần thân và ruột của cá rồi rửa lại thật sạch với nước.
Kế tiếp, bạn dùng dao khứa thân cá những đường chéo hoặc ngang để khi ướp và nướng cá thấm gia vị và ngon hơn.
Ướp cá
Ướp cá
Bạn cho 2 muỗng canh tỏi băm, 2 muỗng canh hành tím băm, 2 muỗng canh sốt ướp thịt nướng, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh bột ngọt, 1 muỗng canh đường vào chén rồi dùng muỗng trộn đều hỗn hợp.
Kế tiếp, bạn cho cá vào 1 cái thau lớn, rồi bạn thoa hỗn hợp gia vị vừa trộn lên thân và từng khứa cá. Sau đó, bạn cho một ít phần gia vị còn lại vào bụng cá rồi ướp cá trong 1 tiếng các gia vị thấm vào cá.
Nướng cá
Bạn sử dụng miếng giấy bạc trải ra mặt phẳng rồi cho cá lóc đã ướp ở bước 2 vào. Sau đó, bạn gấp 2 đầu giấy bạc lại trước rồi gấp hai bên và vuốt nhẹ để giấy gói chặt cá lại.
Bạn cho than vào bếp rồi nhóm lửa cho đến khi than cháy hồng, tiếp tục bạn đặt vỉ nướng lên bếp rồi cho cá lóc đã gói giấy bạc đặt lên vỉ và nướng mỗi mặt trong 30 phút.
Sau khi nướng mỗi mặt xong, bạn mở giấy bạc phía bên trên ra và nướng thêm 15 phút nữa là hoàn thành.
Thành phẩm
Hoàn tất cá lóc nướng giấy bạc.
Cá lóc nướng giấy bạc thỏa hương thơm đặc trưng và màu sắc bắt mắt, từng sớ thịt của cá chín mềm, thấm gia vị và giữ được độ ngọt của cá.
Phương Nghi (t/h)