Man City đang vỡ vụn

Man City đang vỡ vụn
5 giờ trướcBài gốc
Kể từ khi Guardiola đến Etihad vào năm 2016, Man City chi tổng cộng 1,38 tỷ bảng, nhưng khoản chi ròng chỉ ở mức 525 triệu bảng.
Lần đầu tiên kể từ năm 2016, Guardiola phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Các quyết định chuyển nhượng từng được ca ngợi như "bàn tay Midas" giờ đây bị soi xét kỹ lưỡng khi đội hình của họ bộc lộ những lỗ hổng đáng lo ngại.
Man City và câu hỏi về 'bàn tay vàng' chuyển nhượng
Manchester City, dưới triều đại của Pep Guardiola, đã đạt đến đỉnh cao của bóng đá thế giới. Với sáu chức vô địch Premier League, một Champions League và hàng loạt danh hiệu khác, họ từng được coi là biểu tượng của sự thống trị không thể lay chuyển.
Tuy nhiên, sau chuỗi năm trận thua liên tiếp cùng trận hòa trước Feyenoord, những câu hỏi khó đang được đặt ra: Liệu Guardiola và đội ngũ chiến lược gia chuyển nhượng đã mất đi sự sắc bén từng làm nên thành công của họ?
Kể từ khi Guardiola đến Etihad vào năm 2016, Man City chi tổng cộng 1,38 tỷ bảng, nhưng khoản chi ròng chỉ ở mức 525 triệu bảng. Điều này phản ánh khả năng vượt trội của họ trong việc tối đa hóa doanh thu từ việc bán cầu thủ và khai thác học viện trẻ.
Các bản hợp đồng như Erling Haaland hay Josko Gvardiol là minh chứng cho sự nhạy bén trong chiến lược, mang đến những tài năng hàng đầu châu Âu. Haaland, với khả năng ghi bàn đáng kinh ngạc, giúp Man City giành cú ăn ba lịch sử năm 2023.
Gvardiol, trung vệ trẻ người Croatia, nhanh chóng chứng minh giá trị của mình trong hàng thủ. Thậm chí những thương vụ với chi phí khiêm tốn như Manuel Akanji (15 triệu bảng từ Dortmund) cũng mang lại hiệu quả vượt kỳ vọng.
Man City từng viết nên câu chuyện kỳ diệu trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại.
Thế nhưng, thành công không che lấp được những dấu hiệu bất ổn. Một loạt quyết định chuyển nhượng gần đây khiến Guardiola và đội ngũ của ông đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt.
Một trong những thương vụ được nhắc đến nhiều nhất là việc bán Cole Palmer cho Chelsea với giá 40 triệu bảng. Cầu thủ trưởng thành từ học viện của Man City ghi tới 22 bàn tại Premier League mùa trước, chỉ xếp sau Haaland. Sự thành công của Palmer tại Chelsea khiến Guardiola có lẽ phải đặt câu hỏi: liệu ông có nên giữ chân cầu thủ trẻ này?
Julian Alvarez, nhà vô địch World Cup cùng Argentina, cũng là một sự mất mát lớn. Anh ghi 17 bàn trong mùa giải 2022/23 và 19 bàn mùa trước. Dù Man City thu về 81 triệu bảng từ Atletico Madrid, việc mất đi một tiền đạo đa năng và cần mẫn như Alvarez đã để lại lỗ hổng lớn trong đội hình.
Ngoài ra, những bản hợp đồng mới gần đây của Man City cũng không đáp ứng được kỳ vọng. Matheus Nunes, được chiêu mộ với giá 53 triệu bảng từ Wolves, chỉ đá chính 10 trận trong hai mùa giải qua. Jeremy Doku, tài năng trẻ trị giá 55 triệu bảng, liên tục gặp chấn thương, chưa thể chứng minh giá trị.
Trong khi đó, Guardiola dường như đánh cược vào việc giữ đội hình tinh gọn với những ngôi sao kỳ cựu. Ilkay Gundogan, người trở lại từ Barcelona, không còn duy trì phong độ như trước. Kevin de Bruyne, trụ cột không thể thay thế, đang vật lộn với chấn thương và chỉ thi đấu bốn trận mùa này.
Những hệ lụy
Dưới thời Guardiola, Man City từng nổi tiếng với lối chơi giàu cường độ và sự cơ động. Tuy nhiên, theo Opta, quãng đường di chuyển trung bình của đội bóng giảm từ 113,26 km/trận mùa trước xuống còn 109,6 km/trận mùa này - mức thấp nhất trong thời kỳ thống trị của họ.
Không chỉ vậy, Man City còn tỏ ra dễ bị tổn thương trước các tình huống phản công. Họ đối mặt với 1,2 cú sút mỗi trận từ phản công đối thủ - con số cao nhất dưới triều đại Guardiola.
Nhưng để duy trì vị thế của mình, Guardiola và đội bóng của ông có lẽ cần một “Man City 2.0”.
Ngoài yếu tố chiến thuật, sự suy giảm này còn xuất phát từ đội hình ngày càng già nua. Kyle Walker, 34 tuổi, đang mất dần tốc độ. Bernardo Silva, Mateo Kovacic và John Stones đều đã bước sang tuổi 30.
Dù rằng Guardiola bác bỏ nhận định rằng đội hình của Manchester City đang trở nên già nua và mất dần động lực, thực tế cho thấy tuổi tác và khối lượng thi đấu tích lũy bắt đầu ảnh hưởng đến tập thể từng thống trị bóng đá Anh và châu Âu.
Jamie Carragher, cựu hậu vệ Liverpool và chuyên gia phân tích của Sky Sports, trong bài bình luận về thất bại 0-4 của Man City trước Tottenham hôm 25/11 đưa ra một cái nhìn sắc sảo: “Tôi từng thực hiện phân tích tương tự về Jordan Henderson và Fabinho cách đây hai năm. Những gì tôi đang nói về Gundogan và Kovacic không phải vấn đề về phong độ, mà là điều không thể đảo ngược".
"Hãy nhìn vào Liverpool khi ấy. Henderson và Fabinho đã phải rời đi, và đội bóng buộc phải tái thiết hoàn toàn tuyến giữa. Điều tương tự đang xảy ra với Man City. Dù Pep Guardiola có kế hoạch gì, tuyến giữa hiện tại không còn đủ sức mạnh và năng lượng để thay đổi tình hình", Carragher tiếp tục.
Những khó khăn Man City đối mặt khiến người hâm mộ không khỏi liên tưởng đến cuộc tái thiết của Liverpool mùa hè vừa qua. Jurgen Klopp mạnh dạn thay đổi tuyến giữa già cỗi, mang về những gương mặt mới như Alexis Mac Allister hay Dominik Szoboszlai.
Guardiola có thể buộc phải làm điều tương tự nếu muốn duy trì sự thống trị của mình. Với việc Giám đốc Thể thao Txiki Begiristain chuẩn bị rời đi vào mùa hè tới, Man City sẽ bước vào giai đoạn chuyển giao quan trọng khi Hugo Viana tiếp quản.
Man City từng viết nên câu chuyện kỳ diệu trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại. Nhưng để duy trì vị thế của mình, Guardiola và đội bóng của ông có lẽ cần một “Man City 2.0” - một cuộc tái thiết mạnh mẽ và dứt khoát. Câu hỏi bây giờ là: họ sẽ thực hiện điều đó như thế nào?
Di Cầm
Nguồn Znews : https://znews.vn/man-city-dang-vo-vun-post1514141.html