Màn đối đáp 'cực gắt' của người phụ nữ Hà Nội khiến kẻ gian ê chề tắt máy

Màn đối đáp 'cực gắt' của người phụ nữ Hà Nội khiến kẻ gian ê chề tắt máy
6 giờ trướcBài gốc
Vào những ngày đầu tháng 7/2025, chị Bùi Thị Kim O. (34 tuổi, trú tại xã An Khánh) đã rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” khi nhận được cuộc gọi từ một đối tượng lạ, tự xưng là công an nhằm mục đích lừa đảo.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, thay vì hoang mang hay lo sợ, chị O. đã có màn đáp trả thẳng thắn, nắng gân kẻ lừa đảo.
“Người gọi điện tự xưng là công an, đọc vanh vách họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán và cả số căn cước công dân của tôi.
Sau đó, hắn nghiêm giọng yêu cầu: ‘Đề nghị chị mang căn cước công dân đến trụ sở Công an TP Đà Nẵng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật’”, chị O. kể lại.
Nghe vậy, chị lập tức hỏi: “Tôi vi phạm vụ án nào?” Đối tượng không ngần ngại đáp: “Liên quan đến đường dây buôn bán người”.
Chị O. bình tĩnh “phản đòn”: “Đường dây buôn bán người của tôi bán sang đâu? Campuchia à? Tôi lạ gì loại cấp hàm mà mấy tên lừa đảo các anh hay phong cho nhau đầy như rau ngoài chợ ấy”.
Bị chạm đúng điểm yếu, tên giả danh vẫn cố gắng níu kéo: “Tôi là Trung úy Phan Văn Hưng thuộc Đội Điều tra tổng hợp Công an TP Đà Nẵng”.
Chị O. lập tức phản pháo: “Đội điều tra tổng hợp thì liên quan gì đến buôn bán người. Việc đó phải thuộc đội phòng chống tội phạm mua bán người chứ. Đối tượng lừa đảo, nghe này. Trò này tôi nghe mãi rồi.
Muốn lừa thì nghĩ chiêu mới hay hơn đi, giữ trò cũ thì kiểu gì cũng bị ‘chích điện’ đấy”.
Sau màn “đấu khẩu” nhận về phần thua, đối tượng phía bên kia im lặng tắt máy.
Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Hà Nội) cho rằng vụ việc của chị O. là ví dụ rõ ràng cho sự liều lĩnh và tinh vi của các đối tượng lừa đảo. Ông cảnh báo: “Không phải ai cũng đủ bản lĩnh để ứng phó như chị O. Rất nhiều người vì hoảng loạn mà vô tình sập bẫy”.
Theo luật sư, mỗi người dân cần chủ động cập nhật thông tin, học cách nhận diện các thủ đoạn giả danh đang ngày càng biến tướng. “Chỉ cần một phút thiếu tỉnh táo, bạn có thể đánh mất cả tiền bạc và dữ liệu cá nhân quý giá”, ông nhấn mạnh.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại, đặc biệt là thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... để đe dọa, buộc người dân cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền phục vụ điều tra.
Cơ quan công an khi làm việc với công dân sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập trực tiếp, không yêu cầu chuyển tiền hay cài phần mềm. Khi nhận được cuộc gọi đáng ngờ, người dân cần bình tĩnh, không làm theo yêu cầu và nhanh chóng liên hệ công an địa phương để xác minh nếu cần.
Tiến Dũng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/man-doi-dap-cuc-gat-cua-nguoi-phu-nu-ha-noi-khien-ke-gian-e-che-tat-may-2419891.html