Người chồng gào khóc tìm vợ mang thai. Ảnh: MSN.
Somnit thú nhận đã dựng lên câu chuyện này khi bị cảnh sát bắt vào hôm 31/3. Dù khẳng định không có ý định lừa gạt công chúng, cảnh sát cho biết họ sẽ xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn những trường hợp tương tự, theo SCMP.
Hôm 28/4, Somnit xuất hiện trên truyền thông với giọng run rẩy, đưa ra tấm thẻ nhân viên và kể rằng vợ ông đã gọi điện báo tòa nhà rung lắc trước khi mất liên lạc.
Ông nói rằng mình tuyệt vọng tìm kiếm vợ đang mang thai 4 tháng mà không ngủ suốt nhiều ngày.
Tuy nhiên, sự thật nhanh chóng bị vạch trần khi con gái của Somnit, Kornwipa, nhìn thấy tin tức và lên mạng tìm kiếm cha mình.
Kornwipa cho biết cô đã không gặp cha suốt 8 năm vì ông gây ra nhiều rắc rối, đến mức mẹ cô phải ly hôn. Sau khi nhìn thấy bản tin trên truyền thông, cô nhận ra thẻ nhân viên mà Somnit sử dụng thực chất là thẻ cũ của mình.
Kornwipa cho biết cô từng làm việc tại một cửa hàng trong trung tâm thương mại nhưng đã nghỉ từ năm 2019 và trả lại thẻ cho công ty. Cô không hiểu bằng cách nào Somnit có được nó.
Trò lừa bịp của Somnit Duangnet đã sớm bị phơi bày trên mạng xã hội. Ảnh: Big Kren/Facebook.
Việc này khiến gia đình và bạn bè cô hoảng loạn, thậm chí mẹ cô còn nhận được cuộc gọi từ chính quyền báo rằng con gái bà đã qua đời.
Somnit đã mặc một chiếc áo giao thông có logo của công ty khi ông kể cho các phóng viên câu chuyện bịa đặt của mình.
Trong khi đó, công ty bảo vệ TIS Guard Group - nơi Somnit từng làm việc - cũng lên tiếng khẳng định rằng ông ta đã nghỉ việc từ tháng 5/2024 và không còn liên quan đến công ty.
Sau khi bị bắt, Somnit đã khai câu chuyện mình kể là bịa đặt. Somnit xin lỗi những người bị ảnh hưởng vì hành động của mình.
Theo luật pháp Thái Lan, việc lan truyền thông tin sai lệch để kêu gọi lòng thương hại hoặc quyên góp tiền trong các thảm họa là hành vi phạm tội, có thể bị phạt tù một tháng, phạt tiền tối đa 10.000 baht (gần 292 USD).
Minh Vũ