Mạng xã hội có ảnh hưởng đến mối quan hệ Thầy - Trò?

Mạng xã hội có ảnh hưởng đến mối quan hệ Thầy - Trò?
5 giờ trướcBài gốc
Thưa Tiến sĩ Trần Bá Kiên, ông thích được sinh viên tặng món quà gì nhất nhân Ngày 20/11?
TS. Trần Bá Kiên: Với người thầy, những lời cảm ơn chân thành, những thành tích học tập xuất sắc hay sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của các em sẽ là món quà tuyệt vời nhất đối với mỗi thầy cô giáo. Các em luôn biết nỗ lực vượt khó khăn, vươn lên trong học tập bằng một tinh thần chủ động, ý thức tích cực, sáng tạo, năng động để không ngừng hoàn thiện bản thân về mọi mặt và luôn tìm thấy sự yêu thích trong việc học tập cũng như tự hào về ngôi trường này, từng bước trưởng thành mỗi ngày chính là món quà mà những người thầy như chúng tôi muốn đón nhận nhất và đây cũng chính là sự khẳng định cho giá trị của nhà trường với xã hội.
Theo ông, sự phát triển của các thiết bị cầm tay và mạng xã hội có ảnh hưởng đến mối quan hệ Thầy - Trò trên giảng đường hay không?
TS. Trần Bá Kiên: Sự phát triển của các thiết bị cầm tay và mạng xã hội chắc chắn có ảnh hưởng đến mối quan hệ Thầy - Trò trên giảng đường, và ảnh hưởng này có thể theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, tùy vào cách thức sử dụng và quản lý chúng.
Về ảnh hưởng tích cực, chúng có thể mang tới các giá trị. Trước hết là giúp cải thiện sự kết nối và giao tiếp: Thầy cô có thể sử dụng các nền tảng trực tuyến để chia sẻ tài liệu học tập, bài giảng, thông báo, hoặc giải đáp thắc mắc nhanh chóng cho học trò. Đồng thời, thầy cô cũng có thể dễ dàng lắng nghe những chia sẻ, tâm sự từ học trò để kịp thời có những tư vấn, định hướng phù hợp. Tiếp đến là Tăng tính tương tác và sáng tạo, mở ra không gian học tập linh hoạt: Các công cụ như nhóm Facebook, ứng dụng nhắn tin Zalo hay diễn đàn trực tuyến có thể là môi trường để thầy và trò trao đổi ý tưởng, thảo luận về các vấn đề liên quan tới bài học giúp học trò học mọi lúc, mọi nơi, giảm áp lực về thời gian và không gian học tập.
Về ảnh hưởng tiêu cực, chúng ta có thể kể tới các tác động không mong muốn nếu quản lý, định hướng sử dụng không đúng như: Giảm sự tương tác trực tiếp: Người học có thể mất tập trung vào bài giảng, ảnh hưởng đến chất lượng học tập cũng như mối quan hệ Thầy - Trò khi các em dành thời gian lướt mạng xã hội hoặc sử dụng điện thoại cho các mục đích cá nhân trong giờ học; Ảnh hưởng đến sự tôn trọng và kỷ luật lớp học, tạo ra sự phụ thuộc và phân tâm: Việc học trò sử dụng điện thoại di động hoặc mạng xã hội trong giờ học có thể dẫn đến sự mất tập trung và thiếu tôn trọng đối với giáo viên và các bạn học và vô hình chung cũng tác động không tốt tới mối quan hệ Thầy - Trò.
Mặc dù có những ảnh hưởng tiêu cực nhưng nếu được sử dụng một cách hợp lý và có sự quản lý chặt chẽ từ phía nhà trường và thầy cô, các thiết bị cầm tay và mạng xã hội sẽ là chìa khóa để duy trì và cải thiện chất lượng mối quan hệ mối quan hệ Thầy – Trò trên giảng đường. Điều này càng trở nên cần thiết trong xu thế hội nhập nhanh chóng và sâu rộng dưới tác động của cách mạng 4.0. Và càng đặc biệt hơn với Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương khi nhà trường đang quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về chuyển đổi số trong toàn trường.
TS. Trần Bá Kiên – Hiệu trưởng cùng Sinh viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Kinh doanh Dược của trường.
Tình thầy trò ở một trường cao đẳng ở Hải Dương khác gì tình thầy trò ở các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh thành khác?
TS. Trần Bá Kiên: Gần gũi và thân thiết hơn, là điều dễ nhận thấy ở tình thầy trò của một trường cao đẳng như trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, so với các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh thành khác.
Nhà trường có quy mô không quá lớn, số lượng sinh viên ít hơn so với các trường đại học ở các thành phố lớn. Nhờ đó, môi trường học tập thân thiết hơn, thầy cô và sinh viên dễ dàng gắn kết và hiểu nhau hơn. Thầy cô có thể quan tâm, theo dõi quá trình học tập của từng sinh viên, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình, khó khăn hay nguyện vọng của sinh viên và giúp đỡ họ một cách kịp thời.
Tình thầy trò ở đây không chỉ diễn ra trong phạm vi lớp học mà còn thể hiện qua các hoạt động ngoại khóa, các sự kiện văn hóa, thể thao của trường khi thầy cô trực tiếp tham gia đồng hành.
Nhà trường rất chú trọng đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng thực tiễn, điều này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thầy cô và sinh viên. Thầy cô có thể đóng vai trò như những người hướng dẫn nghề nghiệp, giúp sinh viên phát triển kỹ năng cần thiết để gia nhập thị trường lao động.
Trong thời đại số, theo ông phải làm gì để tình thầy trò ở giảng đường ngày càng tốt đẹp?
TS. Trần Bá Kiên: Trong thời đại số, để mối quan hệ Thầy - Trò ở giảng đường ngày càng tốt đẹp, chúng ta cần xây dựng một nền tảng giao tiếp và môi trường học tập mới, nơi công nghệ và những giá trị truyền thống của sự tôn trọng, chia sẻ vẫn được duy trì và kết hợp chặt chẽ với nhau. Theo tôi, có thể tiếp cận một số phương pháp sau đây để giúp thầy trò phát triển mối quan hệ bền vững, trong khi vẫn tận dụng được những lợi ích mà thời đại số mang lại:
Trước hết, đảm bảo duy trì sự kết nối cá nhân và tương tác trực tiếp; Xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Trong thời đại số, những cuộc gặp gỡ trực tiếp để tạo sự gắn kết, thầy cô hiểu rõ hơn về học trò và học trò cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận hơn với thầy cô càng phải được duy trì. Các thầy cô có thể tổ chức các giờ học tương tác, trao đổi qua các nền tảng trực tuyến hoặc gặp mặt trực tiếp để giải đáp thắc mắc, trao đổi về bài học, cũng như chia sẻ kinh nghiệm sống. Các thầy cô cũng nên chú ý lắng nghe ý kiến của học trò để kịp thời hiểu những khó khăn và nhu cầu của họ.
Tiếp đến, khuyến khích học trò tham gia chủ động vào quá trình học, phát huy sự sáng tạo trong học tập. Thời đại số mở ra rất nhiều cơ hội cho người học có thể tự do khám phá và sáng tạo. Thầy cô có thể tạo ra các dự án học tập hoặc các cuộc thi sáng tạo thông qua việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số như video, blog, podcast…. Thầy cô có thể thiết kế các bài giảng hoặc bài tập online giúp học trò phát huy tối đa khả năng của mình mà không cảm thấy bị áp lực hay gò bó; khuyến khích họ tự học, tự nghiên cứu và tham gia vào các hoạt động học tập chủ động cũng như phát triển thói quen học tập suốt đời và liên tục cập nhật kiến thức.
Sau đó, dạy học gắn liền với giá trị đạo đức và kỹ năng sống. Trong khi dạy học, thầy cô không chỉ dạy kiến thức chuyên môn mà còn chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng sống như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, và quản lý cảm xúc. Thầy cô cần giúp học trò hiểu được trách nhiệm khi sử dụng công nghệ, đồng thời dạy họ về ứng xử đúng mực trên không gian số.
Cuối cùng, quản lý công nghệ một cách hợp lý. Thầy cô nên thiết lập các quy định về việc sử dụng thiết bị trong lớp học, khuyến khích học trò sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm và có lợi cho việc học tập.
TS. Trần Bá Kiên – Hiệu trưởng, trong Lễ Khai giảng năm học 2024-2025.
Theo ông, sinh viên trường ông thích mẫu thầy cô thế nào?
TS. Trần Bá Kiên: Sinh viên thường thích những thầy cô có phong cách giảng dạy gần gũi, dễ hiểu và tạo môi trường học tập thoải mái, khuyến khích sáng tạo. Thầy cô giỏi về chuyên môn, thân thiện, biết lắng nghe, quan tâm đến cảm nhận của sinh viên sẽ được đánh giá cao. Sinh viên cũng thường thích những thầy cô có khả năng truyền cảm hứng hoặc có tính cách cởi mở, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giúp sinh viên phát triển hơn trong học tập và cuộc sống. Ngoài ra, sự công bằng và sự khuyến khích tính sáng tạo trong học tập cũng là yếu tố quan trọng khiến thầy cô được yêu mến và tôn trọng.
Ông muốn gửi gắm điều gì đến sinh viên của mình nhân Ngày 20/11?
TS. Trần Bá Kiên: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tôi muốn gửi gắm một thông điệp đến sinh viên của mình: Các em phải biết trân trọng sự học, phải biết quý giá từng giờ lên lớp của thầy cô. Tình thầy trò là một trong những mối quan hệ đặc biệt, thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Tôi cũng mong các em không chỉ biết học hỏi từ thầy cô mà còn từ bạn bè, từ chính những trải nghiệm của chính mình. Con đường học vấn không phải lúc nào cũng suôn sẻ nhưng nếu như các em biết nuôi dưỡng những đam mê thì chắc chắn các em sẽ đến đích thành công. Và cuối cùng tôi muốn nói, cá nhân tôi nói riêng và nhà trường nói chung luôn sẵn sàng lắng nghe và đồng hành với tất cả sinh viên của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tú Chân (Thực hiện)
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/mang-xa-hoi-co-anh-huong-den-moi-quan-he-thay-tro-post1692925.tpo