Trẻ em và thanh thiếu niên dành hơn ba giờ mỗi ngày trên mạng xã hội có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần cao gấp đôi, bao gồm cả việc gặp phải các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Ảnh: Shutterstock
Bà Fiona Spargo-Mabbs cho biết khi cậu con trai út tròn 16 tuổi, thế giới trực tuyến đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo - cả trong lẫn ngoài - của Dan.
Hãng AP dẫn lời bà Fiona kể lại: Vào một dịp, con trai tôi có nhắn tin với nhóm bạn để gặp gỡ và tham gia một bữa tiệc bất hợp pháp. Trên đường đến đó, chúng đã dùng một loại thuốc có giá cả phải chăng, được mua từ tiền tiêu vặt.
Ba ngày sau, Dan đã qua đời do suy đa tạng vì uống một liều MDMA (Thuốc lắc) có chứa một lượng thuốc gây tử vong.
Sau sự việc đó, bà Fiona đã quyết định thành lập Quỹ Daniel Spargo-Mabbs, một tổ chức từ thiện về giáo dục ma túy có trụ sở tại Vương quốc Anh, nhằm giúp ngăn ngừa những thảm kịch tương tự xảy ra như cậu con trai Dan.
Bà Fiona kể lại những gì mình đã trải qua trong cuốn sách "Un:Stuck: Helping Teens and Young Adults Flourish in an Age of Anxiety" xuất bản năm 2024, do chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe người Ireland Kate O’Brien viết.
Giống như Dan, hầu hết những đứa trẻ thanh thiếu niên ngày nay chỉ biết đến một thế giới trên mạng xã hội.
Khoảng 95% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi tại Mỹ được thống kê có sử dụng nền tảng mạng xã hội, trong đó 1/3 báo cáo sử dụng mạng xã hội "gần như liên tục".
Thông thường, theo các chuyên gia ý tế, trẻ em và thanh thiếu niên dành hơn ba giờ mỗi ngày trên mạng xã hội sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm cả việc gặp phải các triệu chứng trầm cảm và lo âu.
Nhiều đại diện y tế Mỹ đã nói rằng đây là "tình trạng khẩn cấp quốc gia" về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Trong khi đó, Viện Sức khỏe Toàn cầu đã xác nhận lứa tuổi teen luôn đạt được tiêu chí khỏe mạnh về cả thể chất, tinh thần và xã hội.
O’Brien, người đã sống ở Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore trong 18 năm đã tận mắt chứng kiến rất nhiều người trẻ đang phải vật lộn với vấn đề sức khỏe.
“Thật đáng sợ. Trẻ em được kết nối nhiều hơn nhờ các thiết bị điện tử, nhưng chúng cũng cô đơn hơn bao giờ hết”, bà O’Brien nói.
Trong cuốn sách, tác giả O’Brien mở đầu bằng câu hỏi: “Điều gì khiến trẻ cảm thấy hấp dẫn nhất?”
“Đây là một câu hỏi quan trọng vì chúng ta đều muốn con cái có ước mơ và cuộc sống trọn vẹn”, bà nói.
Tuy nhiên, theo bà O’Brien, số liệu thống kê cho thấy chỉ một số ít người trẻ thực sự “cảm thấy cuộc sống sống động”.
Tại Anh, đơn thuốc điều trị bệnh trầm cảm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi đã tăng 41% trong giai đoạn 2015 - 2021. Khảo sát Sức khỏe Quốc gia năm 2022 của Úc cũng ghi nhận những người từ 15 đến 24 tuổi dễ bị lo âu, trầm cảm và uống rượu quá độ hơn thế hệ trước.
“Chúng ta phải thay đổi điều đó”, bà nhấn mạnh.
Những bước đầu hành động
Năm 2024, các trường học và hệ thống bệnh viện công của thành phố New York (Mỹ) đã đệ đơn kiện các công ty công nghệ khổng lồ điều hành Facebook, Instagram, TikTok, Snapchat và YouTube.
Họ cho rằng các nền tảng truyền thông xã hội đã "gây nghiện và nguy hiểm", tạo ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở trẻ em.
Chính phủ nhiều nước gần đây cũng đang cố gắng can thiệp nhằm hạn chế tình trạng thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội thường xuyên.
Điển hình, Úc đã phê duyệt lệnh cấm truyền thông xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi.
Lệnh này có thể khiến các công ty công nghệ bị phạt tới 50 triệu đô la Úc (32 triệu đô la Mỹ) nếu họ không tuân thủ, mặc dù lệnh cấm vẫn chưa có hiệu lực chính thức.
Ngoài ra, lệnh cấm truyền thông xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi cũng đang được "xem xét" tại Vương quốc Anh.
Pháp đã thử nghiệm lệnh cấm điện thoại di động tại 200 trường trung học vào năm 2024. Các trường học tư của nước này cũng đang cố gắng hạn chế việc trẻ em sử dụng truyền thông xã hội.
Patrick Hurworth, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Oberoi tại Mumbai, Ấn Độ) cho biết ngày 24.2 năm nay, trường đã bắt đầu thực hiện lệnh cấm điện thoại thông minh.
Ông Hurworth nhấn mạnh kết quả ban đầu cho thấy khi không có điện thoại di động, học sinh đang ngày càng gắn kết với nhau và với giáo viên nhiều hơn.
“Chúng tôi đã thấy sự sụt giảm đáng kể trong việc sử dụng internet ở trường, điều đó có nghĩa là học sinh đang sử dụng thời gian nghỉ giải lao/nghỉ giữa giờ theo những cách khác nhau vì các em không được sử dụng điện thoại”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Hurworth, phụ huynh học sinh của chúng tôi được thông báo và kết hợp hành động. Một số cũng nói rằng họ đang cố gắng tạo ra những khoảnh khắc không có điện thoại ở nhà.
Tại trường, học sinh sẽ được phát một chiếc túi có khóa để cất điện thoại và phải giữ điện thoại trong cặp cho đến hết ngày.
Có những trường hợp ngoại lệ liên quan đến nhu cầu y tế hoặc trường hợp khẩn cấp, khi đó học sinh có thể sử dụng điện thoại từ văn phòng.
Những học sinh vi phạm lệnh cấm sẽ bị tịch thu điện thoại và phụ huynh sẽ được gọi đến để lấy lại. Máy tính xách tay của học sinh cũng đã bị xóa WhatsApp và Instagram.
"Lệnh cấm cần có sự tham gia của cả người lớn trong cộng đồng, những người có thể đóng vai trò là hình mẫu. Điều này đã thách thức chúng ta khi vốn dĩ cuộc sống đã gắn bó với điện thoại", ông Hurworth nói.
Trong khi đó, giáo viên có thể sử dụng điện thoại tại văn phòng hoặc phòng chờ, nhưng không được sử dụng trước mặt học sinh.
Ông Hurworth tin rằng lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại ở tất cả các trường học chỉ còn vấn đề về thời gian.
“Tỷ lệ học sinh có sức khỏe tâm thần kém, cùng với các vụ bắt nạt, dường như có liên quan đến việc sử dụng điện thoại, ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội ngày càng tăng", ông Hurworth nhấn mạnh.
Theo ông, những người trẻ tuổi cần học cách sống trong thế giới kỹ thuật số và các trường học đang và sẽ nuôi dưỡng khả năng đó.
Tuy nhiên, nếu xét đến những khía cạnh nguy hại của việc sử dụng điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội, thì chúng ta nên hạn chế nhiều nhất có thể.
Tất nhiên, trường học chỉ có thể giám sát khi học sinh ở trường. Vì vậy, cha mẹ cũng cần phải có nhận thức tốt với điều này.
Theo Tiến sĩ Judith Blaine, một cộng sự nghiên cứu người Nam Phi tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), trong bối cảnh xã hội đang phát triển xa rời hạt nhân gia đình, cha mẹ cần tìm ra những cách khác nhau để gắn bó lại với con cái.
"Thời đại kỹ thuật số này đang đẩy sự gắn bó giữa trẻ em với cha mẹ ra xa hơn, và chúng gắn kết phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn là cha mẹ", bà Blaine nói thêm.
HỒNG NHUNG