Những ngày gần đây, mạng xã hội không ngừng dậy sóng trước thông tin Phạm Thoại – một TikToker nổi tiếng đứng ra kêu gọi quyên góp số tiền lên đến hơn 16,7 tỷ đồng nhằm hỗ trợ chi phí điều trị cho bé Bắp, một em nhỏ mắc bệnh ung thư máu. Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở hành động nhân văn ấy mà tiếp tục dậy sóng khi dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch trong việc sử dụng khoản tiền từ thiện này.
Hơn 16 tỷ đồng gây quỹ và những nghi vấn về tính minh bạch
Cuối năm 2024, Phạm Thoại đã công khai phát động chiến dịch gây quỹ nhằm giúp đỡ bé Bắp, một em nhỏ đang phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo. Lời kêu gọi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, đặc biệt khi anh sử dụng nền tảng công nghệ có tính năng công khai giao dịch để đảm bảo sự minh bạch.
Chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền gây quỹ đã lên tới hơn 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tài khoản gây quỹ chỉ còn lại khoảng 54,7 triệu đồng, trong khi phần lớn số tiền đã được rút ra mà không có giải trình chi tiết. Điều này nhanh chóng làm dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt trên mạng xã hội.
Bài đăng kêu gọi từ thiện của Phạm Thoại được đăng tải ngày 4/11/2024. (Ảnh chụp màn hình)
Nhiều người cho rằng, với một khoản tiền lớn như vậy, người kêu gọi từ thiện cần phải minh bạch hoàn toàn trong việc sử dụng quỹ. Việc không công khai rõ ràng nguồn tiền đã khiến nhiều nhà hảo tâm hoài nghi và đặt câu hỏi liệu số tiền này đã được sử dụng đúng mục đích hay chưa.
Cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội
Làn sóng tranh cãi nhanh chóng bùng nổ trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự hoài nghi và yêu cầu Phạm Thoại phải công khai sao kê chi tiết từng khoản chi tiêu. Theo quan điểm của nhiều cư dân mạng, việc làm này không chỉ là trách nhiệm của người kêu gọi từ thiện mà còn là hành động thể hiện sự tôn trọng với những người đã tin tưởng và đóng góp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Phạm Thoại đã sử dụng nền tảng có tính năng công khai giao dịch ngay từ đầu, và việc sao kê chi tiết có thể không thực sự cần thiết nếu như không có bằng chứng cụ thể cho thấy có sự sai phạm.
Phạm Thoại và mẹ bé Bắp. (Ảnh: TL)
Phản hồi từ Phạm Thoại: Sẽ tổ chức phát sóng livestream giáp đáp thắc mắc, cam kết 'trong sạch'
Trước sức ép từ dư luận, Phạm Thoại đã lên tiếng trấn an cộng đồng. Anh khẳng định sẵn sàng công khai toàn bộ thông tin tài chính liên quan đến số tiền quyên góp. Theo chia sẻ trên trang cá nhân của Phạm Thoại, tối ngày 25/2, anh sẽ tổ chức một buổi livestream để giải đáp mọi thắc mắc từ người ủng hộ, đồng thời công khai toàn bộ sao kê tài chính liên quan đến chiến dịch từ thiện này.
Bên cạnh đó, Phạm Thoại cũng chia sẻ rằng anh hiểu rõ trách nhiệm của mình khi đứng ra kêu gọi từ thiện và khẳng định sẽ minh bạch mọi thông tin để bảo vệ lòng tin từ cộng đồng.
Góc nhìn về pháp lý của hoạt động từ thiện cá nhân
Theo luật sư Đặng Văn Cường – một chuyên gia pháp lý lâu năm, tại Việt Nam, việc cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện là hợp pháp nếu tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Dẫn theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, mọi tổ chức hoặc cá nhân đều có thể thực hiện các hoạt động quyên góp để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, pháp luật cũng nhấn mạnh yêu cầu quan trọng nhất là tính công khai và minh bạch. Người đứng ra kêu gọi phải thông báo rõ ràng về mục đích quyên góp, thời gian, phương thức tiếp nhận cũng như kế hoạch phân phối tài chính. Ngoài ra, cần phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để cơ quan chức năng có thể giám sát và theo dõi hoạt động này.
Theo quy định hiện hành, khi một đợt kêu gọi từ thiện kết thúc, cá nhân đứng ra vận động có nghĩa vụ phải công khai thông tin về số tiền đã tiếp nhận và cách sử dụng khoản tiền đó. Báo cáo này phải được đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đồng thời gửi tới cơ quan quản lý địa phương để niêm yết công khai trong vòng 30 ngày.
Luật sư Cường nhấn mạnh rằng, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng việc yêu cầu minh bạch là điều tất yếu. Mọi khoản chi tiêu cần được công khai rõ ràng, tránh gây hoài nghi và đảm bảo rằng số tiền được sử dụng đúng với mục đích ban đầu.
Theo luật pháp Việt Nam, những cá nhân đã đóng góp tiền từ thiện hoàn toàn có quyền yêu cầu người tổ chức chiến dịch sao kê và báo cáo tài chính. Đây không chỉ là quyền lợi chính đáng của người đóng góp mà còn là cơ sở để duy trì sự minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động từ thiện.
Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm, chẳng hạn như sử dụng sai mục đích, chiếm đoạt tài sản hoặc gian lận, người đóng góp có thể yêu cầu cơ quan chức năng điều tra. Hành vi lạm dụng từ thiện để trục lợi có thể bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tùy theo mức độ vi phạm và giá trị tài sản chiếm đoạt, mức hình phạt có thể lên tới tù chung thân.
Khánh Linh