Mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi sử dụng tin bài

Mạng xã hội phải thỏa thuận với cơ quan báo chí khi sử dụng tin bài
5 giờ trướcBài gốc
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến người dân với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ.
Bố cục của dự thảo Luật Báo chí gồm 5 Chương, 53 Điều (giảm 1 Chương, 8 Điều so với Luật Báo chí năm 2016).
Phóng viên tác nghiệp tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)
Hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến báo chí
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo luật là Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung quy định hoạt động báo chí trên không gian mạng (Điều 30).
Theo đó, hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí phải tuân thủ quy định pháp luật về báo chí, quy định pháp luật về an ninh mạng, quy định về tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nhà nước đầu tư công cụ số để thực hiện giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng phục vụ công tác quản lý báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển các nền tảng số quốc gia cho báo chí. Về nội dung này, theo cơ quan soạn thảo, Chính phủ sẽ quy định chi tiết.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất nền tảng số báo chí ngoài đăng nội dung báo chí còn được tích hợp hoạt động dịch vụ trực tuyến theo quy định của pháp luật.
"Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng tin/bài của cơ quan báo chí phải có thỏa thuận với cơ quan báo chí. Việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ", dự thảo nêu rõ.
Giải thích về những đề xuất kể trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo quy định của Luật Báo chí hiện hành, trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Với sự phát triển của hoạt động báo chí trên không gian mạng hiện nay, trang thông tin điện tử tổng hợp không còn nhiều hữu ích đối với việc lan tỏa thông tin báo chí trên không gian mạng.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo cho rằng, trang thông tin điển tử tổng hợp đang gây ra nguy cơ tranh chấp về bản quyền đối với tác phẩm báo chí, cạnh tranh thu hút quảng cáo số với cơ quan báo chí, làm ảnh hưởng đến nguồn thu của cơ quan báo chí.
"Dự kiến sẽ không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí và quy định cơ quan báo chí không hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, nếu có nhu cầu thì hoạt động báo, tạp chí điện tử", tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu.
Bên cạnh trang thông tin điện tử tổng hợp, hiện nay, mạng xã hội có tác động, ảnh hưởng đến báo chí, có nguy cơ lấn át hoạt động báo chí trên không gian mạng, thu hút mất nguồn doanh thu từ quảng cáo số của báo chí. Tuy nhiên chưa có quy định ở cấp độ luật về mạng xã hội.
Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh việc cần thiết có quy định để quản lý, phát huy mặt tích cực của mạng xã hội, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến báo chí.
Làm việc tại tạp chí khoa học không được cấp thẻ nhà báo
Tại dự thảo lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sửa đổi, bổ sung quy định về cấp, đổi, thu hồi thẻ nhà báo (Điều 29).
Cụ thể, những người làm việc trong cơ quan báo chí là phóng viên, biên tập viên thì được xét cấp thẻ nhà báo. Những người làm việc tại tạp chí khoa học không được cấp thẻ nhà báo.
Theo đề xuất, thời hạn sử dụng thẻ nhà báo là 05 năm tính từ ngày cấp thẻ và được ghi trên thẻ. Hết thời hạn sử dụng thẻ nhà báo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét cấp đổi thẻ nhà báo.
Chính phủ quy định điều kiện cấp thẻ nhà báo; các trường hợp không được xét cấp thẻ nhà báo, đổi thẻ nhà báo, thu hồi thẻ nhà báo. Hồ sơ, thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ nhà báo do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Lý giải về việc sửa đổi này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hàng năm, trung bình cơ quan này cấp mới khoảng 600 thẻ nhà báo cho người đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Thời gian gần đây, xuất hiện một bộ phận nhà báo, phóng viên thiếu tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh chính trị; hoạt động thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hoạt động trái quy định pháp luật bị xử lý vi phạm, thậm chí bị xử lý hình sự.
"Có hiện tượng một số đối tượng có đạo đức yếu kém, năng lực chuyên môn hạn chế, thiếu chuẩn mực của người làm báo tìm cách gia nhập vào đội ngũ nhà báo, lợi dụng uy tín, thanh danh của nghề làm báo để trục lợi, gây ra bất ổn xã hội", Bộ Thông tin và Truyền thông nêu thực tế.
Cơ quan soạn thảo cũng dẫn số liệu từ ngày 1/1/2017 đến ngày 30/9/2022, Bộ ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo do có sai phạm hơn 30 trường hợp.
Ngoài ra, trong những năm qua cũng có nhiều trường hợp nhà báo, phóng viên và người liên quan đến hoạt động báo chí có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, bị khởi tố, truy tố, xét xử. Các trường hợp bị xử lý, thu hồi thẻ nhà báo và xử lý hình sự đều xuất phát từ nguyên nhân tác nghiệp báo chí không đúng quy trình, thiếu chuẩn mực; phóng viên, nhà báo có phẩm chất đạo đức và năng lực yếu kém.
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, nguyên nhân chính của những bất cập kể trên là điều kiện, tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo tại Điều 27 Luật Báo chí 2016 còn dễ dàng. Đối tượng đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo là người làm nhiệm vụ phóng viên, biên tập viên: có bằng đại học; có 2 năm công tác liên tục tại cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, chưa có quy định yêu cầu phải qua khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi xét/làm thủ tục cấp thẻ nhà báo lần đầu.
Hoạt động báo chí là hoạt động nghề nghiệp có điều kiện vì tác động của thông tin báo chí đến xã hội là lớn, do đó cần tăng thêm điều kiện trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu để nâng cao chất lượng người làm báo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông tin, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến và Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 362, trong đó về tổ chức thực hiện có yêu cầu, tăng cường giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên...
Anh Văn
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/mang-xa-hoi-phai-thoa-thuan-voi-co-quan-bao-chi-khi-su-dung-tin-bai-ar925705.html