Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích và trải nghiệm thú vị, các nền tảng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà học sinh và thanh thiếu niên thường khó nhận biết.
Những con số báo động về an ninh mạng
Theo báo cáo Vietnam Digital 2024 của We Are Social, Facebook hiện đang đứng đầu về lượng người dùng tại Việt Nam, trong khi TikTok cũng lọt vào top 5 nền tảng phổ biến nhất.
Mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí và kết nối, mà còn đầy rẫy các cạm bẫy như lừa đảo trực tuyến, tin giả, xâm phạm quyền riêng tư và bạo lực mạng.
Cục An toàn thông tin Việt Nam cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 22.000 vụ lừa đảo trực tuyến được báo cáo, cho thấy tình trạng ngày càng đáng lo ngại. Đặc biệt, trẻ em và thanh thiếu niên, những người chưa đủ kinh nghiệm và nhận thức để đối phó với các nguy cơ trở thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng, sự lan tràn của các nội dung không phù hợp, tin tức sai lệch và các ứng dụng thu thập dữ liệu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho tâm lý và sự phát triển của học sinh.
Nếu không có sự hướng dẫn và bảo vệ từ người lớn, trẻ em có thể dễ dàng bị lợi dụng, bắt nạt trên mạng, hoặc tệ hơn là rơi vào các bẫy lừa đảo tinh vi.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng mạng xã hội không đúng cách. Ảnh: Pexels
Giáo viên cần làm gì để bảo vệ học sinh?
Trước bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, Kaspersky đã phối hợp với Vietnet-ICT triển khai chương trình Tập huấn Nâng cao Năng lực số và An toàn số, dành cho 150 giáo viên từ 135 trường tiểu học và trung học trên khắp Việt Nam.
Ông Lý Tiến Hải, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: “Với tốc độ phát triển của công nghệ số, giáo viên cần không chỉ xuất sắc trong giảng dạy mà còn phải nắm bắt các kỹ năng an ninh mạng cơ bản. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể bảo vệ học sinh khỏi những rủi ro trực tuyến.”
Sau khóa đào tạo, các giáo viên sẽ được trang bị các kỹ năng thiết thực để nhận diện các hành vi lừa đảo, bảo vệ tài khoản trực tuyến và ngăn chặn truy cập vào các website độc hại. Điều này giúp học sinh nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm, từ đó tự tin hơn khi tham gia các hoạt động trực tuyến.
Kaspersky hợp tác với Vietnet-ICT hỗ trợ đào tạo kỹ năng an ninh mạng cho giáo viên. Ảnh: Kaspersky
Chuyên gia bảo mật khuyến nghị: Giáo dục kỹ năng an ninh mạng cần bắt đầu từ sớm
Theo báo cáo mới nhất của Datareportal, tính đến tháng 1 năm 2024, Việt Nam có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số.
Số lượng người dùng (từ 18 tuổi trở lên) các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái. Cụ thể, Facebook có 72,7 triệu người dùng, TikTok có 67,72 triệu người và YouTube là 63 triệu người.
ThS Phạm Đình Thắng, Chuyên gia đào tạo bảo mật của ECCouncil. Ảnh: NVCC
Các chuyên gia đồng tình rằng, việc giáo dục về an ninh mạng cần bắt đầu từ sớm, ngay trong nhà trường. Các khóa đào tạo không chỉ giúp giáo viên tự tin hơn trong việc bảo vệ học sinh, mà còn khuyến khích họ truyền tải những kỹ năng này đến các em.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh) cho thấy, gần 60% người dùng mạng xã hội đã từng gặp phải tin tức giả mạo trên các nền tảng này.
Việc tiếp xúc với nhiều video ngắn có nội dung độc hại, nguy hiểm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hình thành những suy nghĩ và hành vi lệch lạc.
ThS Phạm Đình Thắng, Chuyên gia đào tạo bảo mật của ECCouncil cho biết: “Để hạn chế tiếp xúc với các thông tin sai lệch, chúng ta chỉ nên theo dõi các trang báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước.
Thứ nhất là nội dung trên đây đã được kiểm chứng, giúp chúng ta tránh hiểu sai về một vấn đề nào đó. Ngoài ra, việc này còn giúp chúng ta không trở thành nạn nhân và chia sẻ nhầm các thông tin sai lệch, tin giả mạo, cắt ghép hình ảnh, nội dung.”
Làm thế nào để bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội?
Để bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội, người dùng nên sử dụng mật khẩu mạnh và riêng biệt cho từng tài khoản. Đồng thời không chia sẻ thông tin tài chính, hình ảnh riêng tư… cho bất kỳ ai, đặc biệt là kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp để bảo vệ tài khoản tốt hơn.
Ông Thắng cho rằng, khi sử dụng bất cứ nền tảng mạng xã hội nào, người dùng cũng nên trang bị các kiến thức cần thiết, đồng thời kích hoạt các chức năng bảo mật sẵn có của nền tảng để tự bảo vệ chính mình. “Đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến thông tin, tiền bạc… chúng ta cần phải xác minh rõ ràng bằng cách gọi điện thoại trực tiếp, không nên tin tưởng chỉ qua vài dòng tin nhắn khi chưa được xác minh.”
Nhìn chung, để tận dụng những lợi ích và hạn chế tác hại của mạng xã hội, cần có sự chung tay của các nhà quản lý, các nền tảng mạng xã hội và người dùng. Giáo dục, nâng cao nhận thức và sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm là chìa khóa để xây dựng một môi trường mạng an toàn và lành mạnh.
Trở về trang chủ
Minh Hoàng