'Mảnh ghép' cuối của con đường mang tên Bác

'Mảnh ghép' cuối của con đường mang tên Bác
13 giờ trướcBài gốc
Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu thi công đang tập trung phương tiện, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ. (Ảnh Mạnh Hùng).
Ý nghĩa lịch sử hào hùng
Vào ngày 19/5/1959, thực hiện Nghị quyết số 15 của Đảng về nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” - Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đã được thành lập với nhiệm vụ triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không nhằm đảm bảo hoạt động của tuyến đường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thông qua tuyến đường này, hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí, quân trang, quân dụng, vật tư đã được miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau này, con đường được đồng bào cả nước và quốc tế gọi với cái tên đường mòn Hồ Chí Minh.
Ngày 5/4/2000, đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng giai đoạn 1. Ngày 3/2/2004, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và xác định đây là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3.180km, từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Đường sẽ có quy mô từ 2 đến 8 làn xe, được xây dựng trên cơ sở nâng cấp mở rộng một số đoạn tỉnh lộ và quốc lộ cũng như làm mới một số đoạn.
Nhân dân vui mừng
Trong suốt thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã phối hợp với các địa phương triển khai các dự án thành phần. Đến cuối năm 2024, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.488/2.744km (đạt khoảng 90%) và khoảng 258km tuyến nhánh. Còn lại 256km của 5 dự án thành phần đang triển khai. Trong đó, Dự án thành phần, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn với chiều dài khoảng 28,98km (đoạn tỉnh Thái Nguyên dài khoảng 11,5km, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài hơn 17km), với tổng đầu tư khoảng 1.665 tỷ đồng.
Tháng 6-2024, Dự án chính thức được triển khai, nhà thầu là Tập đoàn Sơn Hải thi công. Hiện nay, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đang tích cực phối hợp chặt chẽ với huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng… Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phần lớn người dân chấp hành nghiêm chỉnh, nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Công nhân thi công các hạng mục của Dự án.
Chị Nguyễn Thị Tình, ở xóm Hoa Muồng, xã Bảo Linh chia sẻ: “Dự án triển khai, một số gia đình trong xóm bị ảnh hưởng đến đất canh tác, nhưng bà con đều ủng hộ. Bởi, ngoài việc có đường lớn đi qua xã không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế của bà con trong vùng phát triển mà còn khắc ghi những dấu tích, chiến tích lịch sử vẻ vang của toàn dân tộc.”
Đối với gói thầu số 1, đoạn đường thuộc địa phận huyện Định Hóa có chiều dài tuyến khoảng 11,5km, với tổng diện tích đất thu hồi của các gia đình, cá nhân khoảng 33,4ha; có 702 hộ, trong đó, có 31 hộ phải di chuyển chỗ ở… Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 698/702 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng kinh phí 172,3 tỷ đồng; bàn giao mặt bằng 33,38/33,40ha (đạt 99,9%) để nhà thầu thi công.
Nỗ lực hoàn thành kế hoạch
Vào thời điểm cuối năm 2024, đầu năm 2025, thời tiết thuận lợi cho việc thi công, nhà thầu đã tiến hành đào, đắp, lu lèn nền đường. Bên cạnh đó, do địa hình chia cắt, có nhiều khe suối, nhà thầu đang tập trung vào xây dựng các cây cầu, cống trên tuyến.
Ông Lê Bá Lành, phụ trách kỹ thuật gói thầu số 1 của Tập đoàn Sơn Hải, chia sẻ: “Đối với gói thầu số 1, người dân rất đồng tình ủng hộ nên việc triển khai thi công tương đối thuận lợi. Để đảm bảo tiến độ, mặt bằng giao đến đâu, nhà thầu thi công đến đó. Từ đầu năm đến nay, đơn vị thực hiện đào đắp, lu lèn nền đường, tập trung xây lắp 6 cầu lớn và hơn 100 cầu cống hộp.
Đối với chúng tôi, được thi công một trong những dự án thành phần để hoàn thành con đường mang tên Bác là niềm vui và vinh dự. Vì vậy, ngoài yếu tố về chất lượng, chúng tôi đã huy động số lượng lớn phương tiện, thiết bị, nhân lực để triển khai thi công nhằm đảm bảo theo kế hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi, đoạn tuyến từ thị trấn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn của đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.” - ông Lê Bá Lành
Tuyến đường Hồ Chí Minh nói chung, đoạn tuyến Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn nói riêng hoàn thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện: Đoạn đường này sẽ nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo thành trục giao thông xương sống chạy dọc đất nước. Tuyến đường sẽ tăng cường kết nối giữa các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, phát triển du lịch. Đồng thời, kết nối các khu di tích lịch sử tại chiến khu Việt Bắc với các địa phương lân cận.
Con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn là tuyến đường chiến lược về quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ngoài ra, Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống giao thông quốc gia mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Với sự quyết tâm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương và đơn vị thi công, Dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2025.
Dương Hưng
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/giao-thong/202505/manh-ghepcuoi-cua-con-duong-mang-ten-bac-f000e53/