Điều kiện cần, nhưng chưa đủ
Chợ đêm Sơn Trà, sản phẩm du lịch đêm nổi tiếng tại Đà Nẵng vừa qua đã chứng kiến “cuộc đua” gay cấn của nhiều doanh nghiệp để đấu thầu được thuê đất để quản lý, vận hành khu chợ đêm này. Vượt qua 8 doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần DHTC Đa Năng là đơn vị trúng thầu với mức giá thuê cao nhất là hơn 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thuê đất ngắn hạn tại khu đất A2-4 và A2-5, ngay đầu cầu Rồng để khai thác chợ đêm Sơn Trà.
Ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty cổ phần DHTC Đa Năng, cho biết, đơn vị đang khẩn trương đầu tư chợ đêm Sơn Trà tại địa điểm mới theo chủ trương của TP. Đà Nẵng và sẽ sớm đưa vào khai thác. “Mỗi đêm, chợ đêm Sơn Trà đón khoảng 5.000 - 6.000 lượt khách, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương. Kinh tế đêm Đà Nẵng đang phát triển và còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để bứt phá, Thành phố cần thêm sản phẩm du lịch đêm mới, thu hút đầu tư xã hội và có chính sách kéo dài thời gian hoạt động”, ông Ca đề xuất.
Đà Nẵng là một trong số ít những địa phương trên cả nước có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế đêm, những năm qua, lĩnh vực du lịch - dịch vụ đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của Thành phố. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, số lượng du khách đến Thành phố không ngừng tăng. Thống kê chỉ trong 1 tháng diễn ra Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF 2025), Thành phố đã đón đạt khoảng 1,17 triệu lượt du khách, tăng gần 10,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Thực tế, TP. Đà Nẵng đã sớm đặt mục tiêu cho “mỏ vàng” kinh tế đêm, với việc đầu tư thực hiện Đề án Phát triển kinh tế đêm. Từ đề án này nhiều sản phẩm du lịch đêm hình thành như mô hình thí điểm bãi biển đêm Mỹ An, phố du lịch An Thượng, phố đi bộ Bạch Đằng, các chợ đêm, các show diễn nghệ thuật; tour du ngoạn sông Hàn về đêm; chương trình nhạc nước tại Quảng trường 2 tháng 9; chương trình cầu Rồng phun lửa phun nước…
Tuy nhiên, việc khai thác phát triển kinh tế đêm để phục vụ du khách vẫn chưa xứng tầm với Đà Nẵng. Nguyên nhân được xác định là vẫn còn những khó khăn về khung chính sách để quản lý, khuyến khích phát triển kinh tế đêm; một số dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế đêm chưa được hoàn thành…
Cần sản phẩm xứng tầm
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng khẳng định, du lịch Thành phố đã phát triển những sản phẩm du lịch về đêm đúng như kỳ vọng, khi đã triển khai hàng loạt sản phẩm về đêm, các tour tuyến du lịch hấp dẫn. Du lịch Đà Nẵng nhờ đó mà tăng sức hút, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. “Dịch vụ đêm tại Đà Nẵng đã làm tốt rồi, bây giờ phải làm cho tốt hơn nữa. Muốn vậy phải đầu tư hạ tầng và có những sản phẩm, dự án mới đột phá, đẳng cấp”, ông Dũng đề xuất.
Để đưa kinh tế đêm phát triển xứng tầm, TP. Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, bên cạnh đầu tư nâng cấp các phố đi bộ, chợ đêm, phố ẩm thực; dịch vụ du lịch đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và dọc sông Hàn, Đà Nẵng cũng tổ chức các sự kiện, lễ hội mang tầm quốc tế như lễ hội pháo hoa hay Tận hưởng Đà Nẵng…
Đáng chú ý, các dự án lớn, trọng điểm về du lịch đã và đang được TP. Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư. Mới đây, TP. Đà Nẵng đã phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án tổ hợp công trình Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, thuộc phường Ngũ Hành Sơn. Song song đó, TP. Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị khởi công dự án Tổ hợp công viên châu Á trong năm 2025. Các dự án lớn này được kỳ vọng sẽ tạo động lực, làn gió mới cho kinh tế đêm tại Đà Nẵng.
“Thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch đột phá, như show nghệ thuật tại Thành Điện Hải hay cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, sẽ tạo sức bật cho kinh tế đêm Đà Nẵng. Việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ mở ra không gian phát triển mới, trong đó tuyến du lịch đêm Đà Nẵng - Hội An trên sông Cổ Cò hứa hẹn trở thành sản phẩm nổi bật. Với các dự án mới và dư địa sau sáp nhập, kinh tế đêm Đà Nẵng sẽ phát triển xứng tầm,” ông Cao Trí Dũng khẳng định.
H.Anh