Mạnh tay ngăn chặn gia tăng vi phạm pháp luật thủy lợi

Mạnh tay ngăn chặn gia tăng vi phạm pháp luật thủy lợi
11 giờ trướcBài gốc
Phát sinh 59 vụ vi phạm
Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy kiểm tra hiện trạng giải tỏa công trình vi phạm trong phạm vi bảo vệ hồ Văn Sơn (huyện Chương Mỹ).
Quan sát tại các huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín, Phú Xuyên... dễ nhận ra nhiều trục kênh, sông, hồ tiếp tục bị xâm hại.
Điển hình trên bờ sông Nhuệ - Tô Lịch, đoạn thuộc các xã: Tiền Phong, Khánh Hà, Hòa Bình (huyện Thường Tín) có 7 vị trí bị người dân đào và xây dựng móng nhà, làm lán, dựng hàng rào tôn.
Trên bờ và lòng sông Đào, sông Lương - Duy Tiên, đoạn thuộc các xã: Đại Xuyên, Phú Yên, Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) có 4 vị trí bị người dân đào móng, xây dựng nhà ở...
Không chỉ có vậy, nhiều tuyến kênh lớn làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu, như: Cống Gồ, Tây, Đa Nhiễm (đoạn qua các xã Văn Bình, Văn Phú, Khánh Hà thuộc huyện Thường Tín); kênh N7, N34 (đoạn qua các xã Ngọc Hòa, Phụng Châu, Tiên Phương thuộc huyện Chương Mỹ); kênh Sông Cụt (đoạn qua xã Mỹ Hưng thuộc huyện Thanh Oai); kênh Bờ Độn, Chùa Mẽ (đoạn qua xã Tuy Lai thuộc huyện Mỹ Đức)... đang bị xâm hại với các hành vi: Đào và xây móng, tường nhà ở, đổ đất để dựng lều lán, bắc cầu...
Đặc biệt, các hồ Vống, Mèo Gù (thuộc xã Thuần Mỹ, Minh Quang của huyện Ba Vì), Đồng Đò (thuộc xã Minh Trí của huyện Sóc Sơn) tiếp tục bị người dân đổ đất, chôn cọc bê tông, xây móng và tường bao trong phạm vi, vùng phụ cận bảo vệ công trình đập, tràn...
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, lãnh đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi khẳng định những hành vi nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật thủy lợi mà còn trực tiếp làm mất an toàn, cản trở dòng chảy, suy giảm công năng hệ thống phục vụ, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, phòng, chống ngập lụt khu dân cư nông thôn trong mùa mưa bão...
Thống kê từ 4 công ty thủy lợi cho thấy, từ đầu năm 2025 đến nay, trên các công trình do cấp thành phố quản lý phát sinh 59 vụ vi phạm pháp luật thủy lợi, trong đó tháng 1 là 6 vụ, tháng 2 là 14 vụ, tháng 3 là 39 vụ... Vụ việc nghiêm trọng nhất là Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam đã thực hiện hành vi tự ý dỡ bỏ, lấp 2 đoạn kênh Lại Đà - Đồng Trầm (thuộc địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh) với tổng chiều dài 1.190m.
Cần giải pháp căn cơ, vào cuộc quyết liệt
Cán bộ Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Phú Xuyên kiểm tra công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ kênh Đào Xá, trên địa bàn xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên).
Làm việc với phóng viên, các công ty thủy lợi cho biết, do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện, đơn vị chỉ lập biên bản, thiết lập hồ sơ chuyển cấp xã, cấp huyện xử lý vi phạm theo thẩm quyền... “Ngoài đề xuất các hình thức xử lý theo quy định pháp luật, chúng tôi còn gửi kèm hình ảnh vi phạm tới các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, vi phạm vẫn tồn đọng...”, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Phú Xuyên Trần Trọng Trác thông tin thêm.
Liên quan việc này, lãnh đạo các xã: Hoàng Long (huyện Phú Xuyên), Khánh Hà (huyện Thường Tín), Tuy Lai (huyện Mỹ Đức), Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho rằng, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn chưa được cắm mốc giới, nên khó xác định cơ sở pháp lý để xử phạt. Hơn nữa, một số công trình đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng... "Đến kiểm tra các công trình này, cán bộ xã chỉ có thể yêu cầu người dân tạm dừng thi công để hoàn thiện thủ tục hành chính...", Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) Đỗ Quang Tiếp nói.
Về phía người dân, ông Nguyễn Ninh Động, chủ ngôi nhà đang xây dựng trong phạm vi bảo vệ kênh Đào Xá (xã Hoàng Long) cho rằng, không biết thủ tục và cơ quan nào cấp giấy phép hoạt động trong vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi. Ông Phạm Nam Bình, chủ ngôi nhà xây dựng trong vùng phụ cận hồ Văn Sơn (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) lý giải, gần 300 hộ dân thôn Đông Nam sinh sống ở đây từ những năm 1950, tức là trước thời điểm Nhà nước xây đập hồ Văn Sơn gần 20 năm...
Thực tế ở các địa phương còn có rất nhiều vi phạm liên quan đến thiếu giấy phép hoaạlợi, trong đó có cả công trình do cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư, như: Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thường Tín làm trụ đặt ống cáp quang qua kênh Tây, kênh T2 (đoạn thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín); Công ty cổ phần Công ích đô thị Hà Nội đào mái và chân đê sông Nhuệ (đoạn thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên), đóng cọc tre trong lòng sông để xây dựng công trình...
Trước thực trạng trên, các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên... đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương xử lý những vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, ngăn cản dòng chảy; phân công lực lượng tăng cường kiểm tra, nhất là trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 và thời điểm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tuyệt đối không để phát sinh vi phạm. “Huyện Mỹ Đức chỉ đạo các xã xử lý dứt điểm 6 vụ vi phạm xảy ra từ đầu năm 2025 đến nay trước ngày 29-4”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang thông tin.
Công trình thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai. Do đó, các đơn vị, địa phương cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, có những hành động quyết liệt, mạnh tay và hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi trên địa bàn.
Kim Nhuệ
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/manh-tay-ngan-chan-gia-tang-vi-pham-phap-luat-thuy-loi-700574.html