Mạnh tay ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng

Mạnh tay ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng
3 giờ trướcBài gốc
Ma trận lừa đảo trên mạng
Điển hình là đầu tháng 10/2024, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) và Công an huyện Con Cuông phối hợp với các đơn vị, địa phương triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia tại đặc khu kinh tế "Tam giác Vàng" thuộc tỉnh Bokeo (Lào) do các đối tượng người nước ngoài chủ mưu, dưới hình thức lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo. Bước đầu bắt giữ 5 đối tượng liên quan.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia bị bắt giữ.
Các đối tượng trong ổ nhóm được đào tạo, huấn luyện sử dụng "kịch bản lừa đảo" với các nạn nhân người Việt theo 4 bước. Trước hết, các đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản mạng xã hội "nhái" của nhiều người, chia sẻ nhiều hình ảnh đời sống độc thân, giàu có. Trong đó lồng ghép nhiều hình ảnh về thu nhập có được bằng việc tham gia đầu tư qua ứng dụng "Biconomynft" (đây là ứng dụng sàn giao dịch tiền ảo giả do các đối tượng tự tạo lập, điều khiển theo ý muốn của chúng).
Các đối tượng lừa đảo sẽ lựa chọn các "con mồi" phù hợp, gửi lời mời kết bạn, nhắn tin nói chuyện, tạo mối quan hệ yêu đương, hẹn hò qua mạng. Sau một thời gian nói chuyện, các đối tượng tìm cách kêu gọi, dụ dỗ các nạn nhân tham gia đầu tư tiền vào ứng dụng "Biconomynft".
Sau khi nạn nhân tin tưởng hoặc rơi vào mối quan hệ yêu đương, các đối tượng sẽ hướng dẫn cụ thể cách thức cài đặt, sử dụng ứng dụng, đăng ký tài khoản, tham gia đầu tư mua bán tiền điện tử. Nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân, thời gian đầu, các đối tượng sẽ chuyển cho nạn nhân một số tiền nhất định tương ứng với lợi nhuận có được khi giá trị đồng tiền ảo tăng cao.
Khi các nạn nhân đã tham gia đầu tư đến một số tiền nhất định, các đối tượng sẽ đóng băng tài khoản với nhiều lý do nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo làm cộng tác viên. Ảnh: NCSC.
Công an Nghệ An khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền điện tử. Việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền điện tử nước ngoài hoặc giả mạo sàn giao dịch quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Không tuyên truyền, quảng bá để kêu gọi sử dụng những loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số mà cơ quan Nhà nước chưa cấp phép.
Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu nghi vấn về tội phạm sử dụng tiền ảo làm công cụ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì lập tức liên hệ cơ quan Công an để giải quyết.
Không chỉ lừa đảo qua kênh đầu tư, các đối tượng còn lừa đảo qua việc góp vốn để mua đất, làm giả giấy tờ để chiếm đoạt xe ô tô, chiêu trò chuyển khoản nhầm để lừa tiền người dân… Để tránh "sập bẫy" của các đối tượng xấu, khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người dân cần lưu ý không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng hoặc cơ quan công an để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc. Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.
Mạnh tay xử lý
Được biết, từ đầu năm 2022 đến ngày 30/6/2024, lực lượng chức năng Nghệ An phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 105 vụ, 123 bị can về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" làm rõ số tiền cho vay hơn 150 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng. Các cơ quan đã xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, 13 đối tượng, tổng số tiền xử phạt 195 triệu đồng. Kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố 105 vụ, 123 bị can.
Đối tượng lừa đảo bằng hình thức góp vốn mua đất bị bắt giữ.
Về tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan chức năng đã xác minh, điều tra, làm rõ, bắt giữ, khởi tố 105 vụ, 220 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao; chứng minh số tiền các đối tượng chiếm đoạt trên 750 tỷ đồng. Kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố 102 vụ, 146 bị can.
Trước tình hình lừa đảo qua mạng ngày ngày nở rộ, ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, việc nhận diện tội phạm tín dụng đen, lừa đảo qua mạng rất khó bởi vậy cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành. Thường xuyên cập nhật tình hình phương thức hoạt động của loại tội phạm công nghệ cao và tín dụng đen. Luôn đi trước một bước trong công tác phòng, chống, phát hiện đấu tranh ngăn chặn đối với loại tội phạm này.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các cơ quan rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Đất đai, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, xuất khẩu lao động... Mạnh tay xử lý nghiêm các đối tượng này.
Bắt đối tượng đột nhập trộm vàng tại Nghệ An.
Vũ Đồng
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/manh-tay-ngan-chan-lua-dao-tren-khong-gian-mang-172241105143602272.htm