Các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) vừa diễn ra, thu hút đông đảo người dân và du khách đến trung tâm TP HCM.
Niềm vui chung ấy lẽ ra phải thật trọn vẹn nhưng một lần nữa, nhiều người lại bị ám ảnh bởi "vấn nạn" không mới nhưng dai dẳng, là tình trạng các điểm trông giữ xe "chặt chém", thu phí cao gấp nhiều lần quy định.
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở TP HCM mà còn nhức nhối tại nhiều địa phương, biến mỗi dịp lễ, Tết thành cơ hội để một số cá nhân, tổ chức trục lợi trên nhu cầu chính đáng của người dân. Dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng, cơ quan chức năng đã xử lý một số trường hợp nhưng như một căn bệnh mạn tính, tình trạng này vẫn tái diễn, gây bức xúc. Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật và cần có những hành động quyết liệt, triệt để hơn.
Tại TP HCM, Quyết định 35/2018/QĐ-UBND đã quy định rất rõ ràng về mức giá trần đối với dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Ví dụ, đối với xe máy, tại các điểm không do thành phố hay quận - huyện quản lý, mức phí tối đa chỉ 6.000 đồng/lượt ban ngày và 9.000 đồng/lượt ban đêm. Mức giá giữ xe đạp, ô tô cũng được quy định cụ thể, chi tiết theo thời gian (ngày, đêm, tháng) và loại xe. Quy định đã có, giới hạn đã rõ, vậy tại sao hành vi thu vượt giá vẫn ngang nhiên tồn tại?
Câu trả lời nằm ở khâu thực thi và ý thức chấp hành. Hành vi thu tiền giữ xe cao hơn mức giá tối đa là vi phạm pháp luật trắng trợn. Nghị định 87/2024/NĐ-CP đã nâng mức phạt với hành vi này lên đáng kể, từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Chế tài này còn buộc người vi phạm phải trả lại toàn bộ số tiền chênh lệch cho khách hàng; phải công khai thông tin khắc phục hậu quả trên phương tiện thông tin đại chúng trong 30 ngày. Nếu không trả cho khách, số tiền bất chính đó phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Không chỉ dừng lại ở việc thu đúng, Luật Giá năm 2023 còn yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải niêm yết giá một cách công khai, rõ ràng tại nơi trông giữ xe. Việc không niêm yết hoặc niêm yết mập mờ, gây nhầm lẫn là hành vi vi phạm; có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, gấp đôi đối với tổ chức (theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP).
Quy định đã đủ chặt chẽ, chế tài đã đủ sức răn đe. Vấn đề cốt lõi hiện nay là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, cần quyết liệt và thường xuyên. Cơ quan chức năng không thể chỉ xử lý theo vụ việc khi có phản ánh, mà cần tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất và định kỳ, nhất là "phủ sóng" các điểm nóng, khu vực tổ chức sự kiện lớn trong dịp lễ, Tết. Khi phát hiện vi phạm thì cần xử lý nghiêm, triệt để, áp dụng đầy đủ các biện pháp phạt tiền và khắc phục hậu quả, nhất là việc buộc trả lại tiền cho người dân và công khai thông tin. Đối với trường hợp cố tình tái phạm, cần mạnh tay xem xét các biện pháp nặng hơn, như kiến nghị thu hồi giấy phép kinh doanh.
Bên cạnh vai trò quản lý của nhà nước, ý thức và đạo đức kinh doanh của các đơn vị cung cấp dịch vụ là yếu tố then chốt. Việc "chặt chém" có thể mang lại lợi nhuận tức thời nhưng lại hủy hoại uy tín, gây mất thiện cảm và tiềm ẩn nguy cơ bị xử phạt nặng. Việc kinh doanh bền vững đòi hỏi sự tôn trọng khách hàng và tuân thủ pháp luật. Giữ giá ổn định trong ngưỡng cho phép không chỉ giúp tránh rắc rối pháp lý mà còn xây dựng hình ảnh đẹp, góp phần vào thành công chung của các sự kiện lễ hội, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn)