Mạnh tay xử phạt vi phạm IUU

Mạnh tay xử phạt vi phạm IUU
5 giờ trướcBài gốc
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử phạt 199 vụ vi phạm về khai thác thủy sản với số tiền 7,5 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm IUU 108 vụ, với 6,3 tỷ đồng. Cụ thể, xử phạt 2 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, với 1,8 tỷ đồng; vi phạm về giám sát hành trình (GSHT) 48 vụ, với 3,3 tỷ đồng; cập nhật các vụ việc vi phạm được xử lý vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Ngoài ra, tỉnh đã khởi tố 3 vụ án hình sự về tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, xuất cảnh trái phép. Ðồng thời, hiện nay lực lượng chức năng đang điều tra, xử lý một số vụ về che giấu, gửi thiết bị GSHT; làm giả hồ sơ tàu cá; tàu cá nhập cảnh trái phép.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (người ngồi bên phải) cùng lãnh đạo, cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Trần Văn Thời trao đổi giải pháp quyết liệt phòng, chống khai thác bất hợp pháp - IUU.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở đã tổ chức các đợt kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân. Ðồng thời, qua công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định liên quan đến hoạt động khai thác trên biển, nhất là tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HÐTP, giúp ngư dân hiểu rõ, nắm vững, tự giác chấp hành các quy định về chống khai thác IUU.
Tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ven biển và các lực lượng chấp pháp trên biển để quản lý, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển hoặc hoạt động ngoài tỉnh, nhằm kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin ngăn chặn, xử lý tàu cá của tỉnh có hành vi khai thác IUU. Ðồng thời, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý tàu cá, nhất là công tác số hóa IUU (rà roát, kiểm tra, hướng dẫn và đánh giá kịp thời, đảm bảo hồ sơ số hóa đạt theo yêu cầu, nhằm quản lý hiệu quả hơn thông tin từng tàu, việc này giúp đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát hồ sơ tàu cá được chặt chẽ, đầy đủ thành phần hồ sơ...).
Cán bộ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân các quy định phòng, chống khai thác bất hợp pháp.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU, Sở Tư pháp nhận thấy còn một số bất cập từ quy định pháp luật trong xử phạt đối với hành vi tháo gỡ thiết bị GSHT tàu cá.
Theo ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, Tổ trưởng Tổ Nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính thuộc Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh, hiện nay, hành vi tháo gỡ thiết bị GSHT tàu cá được xác định là hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt theo quy định tại khoản 1, Ðiều 35, Nghị định số 38/2024/NÐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, nội dung quy định tại khoản này chỉ áp dụng đối với hành vi tháo thiết bị GSHT trên tàu cá khi tàu cá không hoạt động trên biển mà không được giám sát theo quy định.
"Quy định này dẫn đến tình trạng nếu tháo thiết bị GSHT trên tàu cá khi tàu cá đang hoạt động trên biển mà không được giám sát theo quy định, thì chưa được quy định là hành vi vi phạm nên không bị xử phạt. Từ đó, dẫn đến còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau về quy định này. Ðiều này chưa phù hợp với diễn biến của tình hình thực tế đang diễn ra hiện nay. Bởi, hành vi tháo thiết bị GSHT trên tàu cá khi tàu cá đang hoạt động trên biển hiện nay là phổ biến", ông Phạm Quốc Sử nhấn mạnh.
Theo quy định tại khoản 20, Ðiều 1, Nghị định số 37/2024/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NÐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hệ thống giám sát tàu cá, tại điểm a, khoản 7 Ðiều này quy định: “Cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản cấp tỉnh xây dựng và ban hành quy trình lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị GSHT trên tàu cá, quản lý việc lắp đặt, tháo gỡ, thay thế thiết bị GSHT trên tàu cá”.
Ứng dụng các phần mềm quản lý tàu cá giúp việc kiểm soát tàu cá chặt chẽ hơn.
Ðây là nội dung được giao trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản cấp tỉnh ban hành quy định để quản lý. Vì vậy, Sở Tư pháp đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT rà soát và tham mưu hoặc ban hành quy định này để hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước.
Ðồng thời, để đảm bảo việc hoàn thiện thể chế xử phạt đối với hành vi vi phạm này, ông Phạm Quốc Sử cho biết, Sở Tư pháp đã đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng dự thảo văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính sai sót nội dung quy định Khoản 1, Ðiều 35, Nghị định số 38/2024/NÐ-CP của Chính phủ theo hướng bỏ tập hợp từ “khi tàu cá không hoạt động trên biển” tại khoản 1 Ðiều này thành “Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi tháo thiết bị GSHT trên tàu cá mà không được giám sát theo quy định” là phù hợp tính chất, mức độ và trạng thái thực hiện hành vi vi phạm trên thực tế, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực hiện, góp phần cho công tác phòng, chống khai thác bất hợp pháp IUU của tỉnh đạt kết quả tích cực./.
Hồng Nhung
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/manh-tay-xu-phat-vi-pham-iuu-a35838.html