Theo đó vào thập niên 1960, cùng 3 tên tuổi khác là Gabriel García Márquez (Colombia), Carlos Fuentes (Mexico) và Julio Cortázar (Argentina), Mario Vargas Llosa đã ghi tên mình là thành viên trẻ nhất và được biết đến nhiều nhất ở thị trường nước ngoài trong thời kỳ bùng nổ của văn chương Mỹ Latin. Những thể nghiệm và đổi mới của các tác giả nói trên đã đưa một "vùng trũng văn chương" trở nên nổi tiếng với 2 giải Nobel và những tên tuổi vẫn còn tạo được sức ảnh hưởng và niềm cảm hứng cho đến ngày nay.
Nhà văn Peru Mario Vargas Llosa đoạt giải Nobel Văn chương 2010.
Thế nhưng khác với Márquez hay Fuentes tập trung vào khía cạnh huyền ảo, Cortázar nối gót Borges với các thể nghiệm văn chương, Llosa lại tập trung hơn vào tính hiện thực. Theo đó các tiểu thuyết của ông không có những hình ảnh giàu ẩn dụ, mà thay vào đó, nó như một sự sao chép chuẩn xác hiện thực.
Trong suốt văn nghiệp, các tác phẩm của Llosa đã tái hiện một cách thành công đất nước Peru nói riêng và nhiều quốc gia thuộc dải Nam Mỹ nói chung trong thời kỳ có nhiều biến động với các hậu thuẫn "sân sau" và sự tập trung quyền lực. Cũng vì lý do này mà vào năm 2010, Ủy ban văn chương của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã vinh danh ông vì tài năng "tái hiện các cấu trúc quyền lực và khả năng thể hiện những hình ảnh sắc nét về sự kháng cự, sự nổi loạn và thất bại của mỗi cá nhân".
Sinh năm 1936 tại Arequipa (Peru), ngay từ sớm ông đã có một cuộc sống không mấy êm thấm với nhiều lần dịch chuyển. Theo đó từ trước khi sinh ra, cha mẹ Llosa đã ly hôn dẫn đến việc ông sống với đằng ngoại. Do ông ngoại là một nhà ngoại giao nên Llosa đã sống tại Bolivia đến khi 10 tuổi mới về lại quê hương. Sau đó tuy cha mẹ tái hợp, nhưng Llosa lại không mấy chấp nhận người cha từng bỏ rơi mình, khiến hai người có nhiều mâu thuẫn.
Cũng vì lý do này mà ở tuổi 14, ông đã được cha gửi vào Học viện Quân sự Leoncio Prado ở thủ đô Lima - nơi hoặc uốn nắn những thanh thiếu niên hư hỏng hoặc là bệ phóng cho những ai muốn phát triển sự nghiệp quân ngũ. Từ trải nghiệm này, ông đã viết nên tiểu thuyết đầu tay nổi tiếng là "Thành phố và lũ chó" (1963), trong đó đã mô tả một cách trung thực những gì đã xảy ra ở Học viện này.
Ngay từ rất sớm, Llosa đã bộc lộ năng khiếu văn chương. Theo đó vào năm 1952 khi mới 16, ông đã cho ra mắt vở kịch "The Escape of the Inca" được đánh giá cao. Sau này chia sẻ trong diễn từ nhận giải Nobel, nhà văn gốc Peru cho biết "Kịch là mối tình đầu của tôi, tình yêu đó hình thành trong tôi ngay từ khi mới lớn. Nếu những năm 1950 mà có một phong trào kịch nghệ ở Lima thì tôi có lẽ đã trở thành người soạn kịch chứ không phải một tiểu thuyết gia như bây giờ đây […] Nhưng tình cảm của tôi với nhà hát vẫn không bao giờ chấm dứt: nó vẫn thiu thiu ngủ, vẫn ẩn mình trong cái bóng của những cuốn tiểu thuyết, tương tự như sự cám dỗ và cảm giác hoài niệm mỗi khi được xem một vở kịch mê hoặc lòng người".
Sau khi có những thành công bước đầu, Llosa theo học đại học tại Madrid (Tây Ban Nha) và rồi sau đó là Paris (Pháp). Từ đây ông có 16 năm tha hương, lưu lạc ở nhiều thành phố như Barcelona, London…, kiếm sống bằng nghề viết văn, trước khi quay lại Lima vào năm 1974.
Một lần nữa những trải nghiệm này đã tạo cảm hứng cho ông, để vào năm 1977, ông cho ra đời tiểu thuyết "Dì Julia và nhà văn quèn" tái hiện những năm tháng sinh sống ở Paris với Julia Urquidi - chị dâu của chú ruột mình, người hơn ông 10 tuổi. Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất, được chuyển ngữ từ sớm và vào năm 1990, phiên bản điện ảnh "Tune in Tomorrow" ra đời có sự tham gia "John Wick" Keanu Reeves.
Có thể thấy nhiều tác phẩm nổi tiếng của Llosa đều được đúc rút từ trải nghiệm thật và các kinh nghiệm ông đã kinh qua. Điều này phần lớn bắt nguồn từ quan niệm văn chương, khi trong tập tiểu luận "Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ" ông từng viết rằng: "Để làm cho tiểu thuyết có sức thuyết phục thì cần phải kể câu chuyện của bạn theo cách sao cho nó tận dụng được tối đa mọi kinh nghiệm cá nhân tiềm ẩn trong cốt truyện và các nhân vật; đồng thời, cần truyền tới độc giả ảo tưởng về sự tự trị tách khỏi hiện thực họ sống. Cuốn tiểu thuyết càng kín đáo và độc lập, mọi thứ diễn ra trong nó càng cho ta ấn tượng chúng là kết quả của những cơ chế bên trong của câu chuyện, chứ không phải là do sự áp đặt ngẫu nhiên của một ý chí bên ngoài, thì sức thuyết phục của tiểu thuyết càng lớn".
Với Llosa, hư cấu cũng có tính chất đặc biệt không kém, khi cũng trong cuốn sách trên, ông chia sẻ: "Hư cấu là sự dối trá phủ lên sự thật ở bề sâu: nó là đời sống không có thực, đời sống mà mọi người thời nào cũng muốn sống nhưng không được nên phải bịa ra. Đó không phải là khuôn mặt của lịch sử mà là mặt trái hoặc mặt khác của nó: cái không xảy ra và vì thế phải được bịa ra bằng tưởng tượng và bằng từ ngữ để thực hiện những ham muốn mà đời thực không thể thỏa mãn, để lấp đầy những khoảng trống mà mọi người thấy ở quanh mình và tìm cách đưa những bóng ma mà họ tự mình gọi lên đến sống ở đó".
3 trong 4 tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt của Mario Vargas Llosa.
Bởi sống trong một bối cảnh mà các dồn nén thời thế quá lớn, nên Llosa đã tận dụng tính hư cấu để viết nên "mặt trái" hoặc "mặt khác" của lịch sử. Chẳng hạn ở "Trò chuyện trong quán La Catedral" (1969), ông đã phơi bày một Peru chao đảo dưới sự kiểm soát của chế độ độc tài qua câu chuyện của người đàn ông muốn tìm hiểu vai trò thực sự của cha mình trong bộ máy chính quyền thông qua người tài xế của cha.
Từ cuốn sách này, Llosa đã khẳng định sự giả hiệu và cái thực chất của những lãnh đạo bù nhìn. Và sau này trong các tiểu thuyết của mình, ông tiếp tục mở rộng sang các quốc gia thuộc khu vực "Nón phương Nam" khác có chung câu chuyện với Peru, đưa tên tuổi ông xuất hiện rộng khắp trên thế giới. Do đó khi tin tức qua đời được công bố, nhiều nước như Tây Ban Nha, Brazil… đã dành sự tưởng nhớ đặc biệt cho người phơi bày lịch sử này.
Về nghệ thuật viết, Llosa nổi tiếng với những cách tân như cắt gọn, lồng ghép đối thoại vào nhau. Theo đó trong những tiểu thuyết quãng đầu như "Thành phố và lũ chó", "Trò chuyện trong quán La Catedral", đối thoại giữa các nhân vật không hề tuyến tính.
Chẳng hạn khi hai người đang trò chuyện, Llosa sẽ nhanh chóng thêm vào một đối thoại khác của hai người nữa, từ đó đảo lộn vị trí tuần tự của câu hỏi - lời đáp như cách chuyển bối cảnh mà không dùng đoạn dẫn. Điều này tuy khó theo dõi, tạo sự trúc trắc cho tác phẩm nhưng là một sáng tạo rất đặc biệt của ông. Ngoài ra sách của ông cũng thường chứa đựng một lượng lớn nhân vật với các mối quan hệ phức tạp mà ta chỉ có cái nhìn toàn diện khi quan sát tổng thể, chứ không tập trung vào từng người một.
Bên cạnh các tiểu thuyết "dòng chính" có màu sắc nghiêm túc viết về quyền lực, Llosa cũng có giai đoạn xuất bản những tác phẩm đậm tính hài hước, châm biếm. Điều này cho thấy khả năng đa dạng và khó nắm bắt của ông không chỉ trong thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, tiểu luận…), chủ đề (quyền lực, ký ức, sự thất bại cá nhân…) mà còn nằm ở giọng điệu.
Thật vậy, cuộc đời của Llosa rất khó nắm bắt như 3 cuộc hôn nhân lần lượt với chị dâu của chú, em họ và vợ cũ của siêu sao Julio Iglesias nổi tiếng. Ông cũng có một tình bạn "đặc biệt" với Gabriel García Márquez khi từng nghiên cứu tác phẩm của Gabo (tên thân mật của Marquez), nhưng ngay sau đó đã đấm vào mặt nhà văn người Colombia tại một sự kiện mà nguyên nhân cho hành động ấy tính cho đến nay vẫn là bí ẩn.
Có thể nói chính tài năng và những màn sương vây phủ ấy đã tạo nên sức hấp dẫn cho Mario Vargas Llosa - "người khổng lồ" cuối cùng của thời kỳ văn chương Mỹ Latin bùng nổ mà sức ảnh hưởng vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Đoàn Tuấn Anh