Trên Facebook cá nhân có hơn 119 triệu người theo dõi, Mark Zuckerberg vừa tiết lộ những thông tin thú vị liên quan đến Meta Platforms trong năm 2025: “Đây sẽ là một năm mang tính bước ngoặt cho trí tuệ nhân tạo (AI). Trong năm 2025, tôi kỳ vọng Meta AI sẽ trở thành trợ lý hàng đầu phục vụ hơn 1 tỉ người, Llama 4 sẽ trở thành mô hình tiên tiến hàng đầu. Chúng tôi sẽ phát triển một kỹ sư AI có khả năng đóng góp ngày càng nhiều mã nguồn cho các nỗ lực nghiên cứu và phát triển của mình.
Để hỗ trợ điều này, Meta đang xây dựng một trung tâm dữ liệu có công suất hơn 2GW, lớn đến mức có thể bao phủ một phần đáng kể của Manhattan (quận có mật độ dân số đông nhất thành phố New York, Mỹ). Chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động khoảng 1GW năng lực tính toán trong năm 2025 và kết thúc năm với hơn 1,3 triệu GPU (bộ xử lý đồ họa)”.
Meta Platforms là một trong những khách hàng lớn nhất của Nvidia, hãng cung cấp các GPU được thèm muốn.
Ngoài ra, tỷ phú 40 tuổi người Mỹ còn cho biết thêm: “Chúng tôi đang có kế hoạch đầu tư 60 - 65 tỉ USD vào chi phí vốn trong năm nay, đồng thời mở rộng đáng kể các đội ngũ AI. Chúng tôi có đủ nguồn vốn để tiếp tục đầu tư trong những năm tới. Đây là nỗ lực khổng lồ, và trong những năm tới, nó sẽ thúc đẩy các sản phẩm và hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi, mở ra những đổi mới lịch sử và củng cố vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ”.
Cổ phiếu Meta Platforms đã tăng 1,6% trong phiên giao dịch đầu ngày 24.1 giờ Mỹ.
Các hãng công nghệ lớn đã đầu tư hàng chục tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến AI sau thành công vang dội của ChatGPT do OpenAI phát triển, làm nổi bật tiềm năng của công nghệ này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21.1 thông báo rằng OpenAI, SoftBank và Oracle sẽ hợp tác thành lập một liên doanh mang tên Stargate, đầu tư 500 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng AI trên toàn nước Mỹ.
Đầu tháng 1, Microsoft cho biết dự định đầu tư khoảng 80 tỉ USD trong năm tài chính 2025 để phát triển các trung tâm dữ liệu. Trong khi Amazon tiết lộ chi phí vốn của họ cho năm 2025 sẽ cao hơn so với mức ước tính 75 tỉ USD năm 2024.
Kế hoạch chi phí vốn 60 - 65 tỉ USD của Meta Platforms sẽ đánh dấu bước nhảy đáng kể so với mức từ 38 tỉ đến 40 tỉ USD vào năm ngoái.
Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms dự kiến chi từ 60 tỉ đến 65 tỉ USD trong năm 2025 để phát triển cơ sở hạ tầng AI - Ảnh: Reuters
Mark Zuckerberg đưa ra thông báo quan trọng trên sau khi Meta Platforms gặp một số sự cố trong tuần này.
Sự việc Meta AI, chatbot AI của công ty, xác định sai Tổng thống Mỹ hiện tại được chủ sở hữu Facebook nâng lên mức độ khẩn cấp trong tuần này, đòi hỏi phải khắc phục nhanh chóng, theo một nguồn tin thân cận với vấn đề này.
Ông Donald Trump (thuộc đảng Cộng hòa) đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 47 vào trưa 20.1, kế nhiệm ông Joe Biden (thuộc đảng viên Dân chủ). Tuy nhiên hôm 23.1, Meta AI vẫn cho rằng ông Biden là Tổng thống Mỹ, theo nguồn tin và thử nghiệm củahãng tin Reuters với chatbot này.
Khi được Reuters hỏi về tên Tổng thống Mỹ hôm 23.1, Meta AI đã trả lời: "Tổng thống Mỹ hiện tại là Joe Biden. Tuy nhiên theo thông tin mới nhất, Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20.1.2025".
Vấn đề này khiến Meta Platforms phải khởi động một quy trình khẩn cấp mà công ty sử dụng để xử lý các sự cố nghiêm trọng liên quan đến dịch vụ của mình, được gọi trong nội bộ là SEV (sự kiện tại chỗ), theo nguồn tin của Reuters.
Khi được đề nghị bình luận, Daniel Roberts (người phát ngôn của Meta Platforms) nói: "Mọi người đều biết Tổng thống Mỹ là Donald Trump. Tất cả hệ thống AI tạo sinh đôi khi đưa ra kết quả lỗi thời, và chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện các tính năng của mình".
Ông không bình luận về việc liệu Meta Platforms có triển khai các quy trình khẩn cấp hay không.
Đây ít nhất là lần thứ ba Meta Platforms phải triển khai quy trình khẩn cấp trong tuần này liên quan đến quá trình chuyển giao quyền lực của Tổng thống Mỹ. Những sự cố đó đã làm dấy lên các phản ứng mạnh mẽ từ các nhà quan sát đang xem xét kỹ lưỡng các nền tảng của Meta Platforms để tìm dấu hiệu về sự thay đổi chính trị sau khi Mark Zuckerberg xuất hiện tại buổi lễ ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và đưa ra hàng loạt thay đổi những tuần gần đây nhằm hàn gắn mối quan hệ với chính quyền mới.
Những thay đổi đáng chú ý của Meta Platform gồm thay chương trình kiểm tra thông tin của bên thứ ba bằng các ghi chú cộng đồng (Community Notes) do người dùng tạo, giống cách làm trên mạng xã hội X của Elon Musk; bổ nhiệm Joel Kaplan (đảng viên Cộng hòa) làm giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu; bầu Dana White (Giám đốc điều hành Ultimate Fighting Championship và là bạn thân của ông Trump) vào hội đồng quản trị; cắt giảm các chương trình DEI (đa dạng, công bằng và hòa nhập) của công ty.
Trong một sự cố tuần này, Meta Platforms dường như buộc một số người dùng tự động theo dõi lại tài khoản của Tổng thống Trump, Phó tổng thống JD Vance và Đệ nhất phu nhân Melania Trump trên Facebook và Instagram sau lễ nhậm chức hôm 20.1, dù người dùng đã hủy theo dõi chúng.
Nhiều người dùng phàn nàn rằng tài khoản cá nhân bắt đầu theo dõi các tài khoản @POTUS (Tổng thống Mỹ), @VPOTUS (Phó tổng thống Mỹ) và @FLOTUS (Đệ nhất phu nhân) mà không có bất kỳ hành động nào từ phía họ. Một số người cho biết không hủy theo dõi các tài khoản đó được.
Một người dùng mạng xã hội Threads viết: "Vậy Meta, các người có muốn giải thích với tôi tại sao sáng nay tôi không theo dõi Donald Trump hoặc JD Vance nhưng giờ lại có. Chắc chắn không phải vì tôi đã nhấn nút theo dõi họ?".
Sự cố này nảy sinh trong quá trình chuyển giao các tài khoản mạng xã hội chính thức của Nhà Trắng sang quyền kiểm soát mới khi thay đổi Tổng thống Mỹ, theo Meta Platforms.
Trong một tuyên bố hôm 22.1 trên Threads, Andy Stone (Giám đốc truyền thông của Meta Platforms) viết: "Người dùng không bị tự động thêm vào danh sách theo dõi bất kỳ tài khoản chính thức nào trên Facebook hoặc Instagram của Tổng thống, Phó Tổng thống hoặc Đệ nhất phu nhân".
Andy Stone cho biết nội dung trên các tài khoản do Nhà Trắng quản lý sẽ thay đổi theo mỗi chính quyền mới. Đây là quy trình Meta Platforms đã tuân theo trong lần chuyển giao quyền lực Tổng thống Mỹ trước đây.
"Việc xử lý yêu cầu theo dõi và hủy theo dõi có thể mất một thời gian khi các tài khoản này được chuyển giao", ông nói thêm.
Trong trường hợp này, lỗi đã xảy ra do quá trình chuyển giao kéo dài và hệ thống không ghi lại được yêu cầu "bỏ theo dõi" từ người dùng trong khi điều này đang diễn ra, khiến SEV1 trở thành ưu tiên hàng đầu, theo nguồn tin của Reuters.
Một quy trình khẩn cấp khác liên quan đến vấn đề dịch vụ Instagram chặn tìm kiếm hashtag #Democrat (đảng viên đảng Dân chủ) và #Democrats với một số người dùng, trong khi các kết quả tìm kiếm cho hashtag #Republican (đảng viên đảng Cộng hòa) lại không gặp vấn đề.
Người phát ngôn của Meta Platforms thừa nhận vấn đề này hôm 21.1 nhưng cho biết nó ảnh hưởng đến "khả năng tìm kiếm của người dùng với một số hashtag khác nhau trên Instagram, chứ không chỉ hashtag liên quan đến phe cánh tả".
Meta Platforms chi gấp 3 lần ByteDance trong năm 2025
Với con số 60 đến 65 tỉ USD, Meta Platforms đầu tư vào chi phí vốn trong năm 2025 gấp 3 lần ByteDance (tập đoàn Trung Quốc sở hữu TikTok).
ByteDance dành hơn 150 tỉ nhân dân tệ (20,64 tỉ USD) cho chi phí vốn trong năm 2025, phần lớn trong số đó sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), hai người được thông báo về vấn đề này tiết lộ với hãng tin Reuters.
Họ cho biết hãng công nghệ tư nhân này có kế hoạch chi khoảng một nửa số tiền đó ở nước ngoài cho cơ sở hạ tầng liên quan đến AI, chủ yếu là các trung tâm dữ liệu và thiết bị mạng.
Những cái tên hưởng lợi chính từ khoản chi tiêu này sẽ là các hãng chip như Huawei và Cambricon Technologies (Trung Quốc), cùng với Nvidia (công ty chip AI số 1 thế giới của Mỹ), những người tiết lộ thông tin nói thêm, nhưng từ chối nêu danh tính vì thông tin mang tính bảo mật.
Nvidia từ chối bình luận. Huawei và Cambricon Technologies không trả lời ngay lập tức các câu hỏi tìm kiếm bình luận của Reuters.
Theo nguồn tin của Reuters, khoản chi này sẽ giúp ByteDance bảo vệ vị trí dẫn đầu về AI tại quê nhà Trung Quốc. Bắt đầu năm 2024 với tư cách là hãng tụt hậu, ByteDance hiện có hơn 15 ứng dụng AI độc lập, gồm cả chatbot AI hàng đầu Doubao, nhiều hơn các đối thủ như Baidu và Tencent Holdings.
Khoản tiền này cũng sẽ củng cố các dịch vụ AI ở nước ngoài vào thời điểm ByteDance đang đối mặt với tương lai không chắc chắn của TikTok tại Mỹ. Hôm 20.1, vài giờ sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp trì hoãn 75 ngày thực thi luật liên bang yêu cầu các công ty Mỹ ngừng lưu trữ TikTok trừ khi ByteDance bán các hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ.
Hôm 22.1, tờ Financial Times cho biết ByteDance đã lên kế hoạch chi 12 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng AI. Hồi tháng 12.2024, tờ The Information đưa tin ByteDance định chi 7 tỉ USD để tiếp cận chip AI Nvidia bên ngoài Trung Quốc, nước bị Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao.
ByteDance hiện là bên mua lớn nhất chip AI H20 của Nvidia. AI H20 là chip AI được Nvidia thiết kế riêng cho Trung Quốc để ứng phó với các hạn chế từ chính quyền Biden, Reuters đưa tin vào tháng 9.2024.
Chủ sở hữu TikTok cũng là khách hàng lớn nhất của Microsoft tại châu Á trong việc sử dụng chip AI Nvidia thông qua điện toán đám mây, theo các nguồn tin của Reuters.
Sơn Vân