Mark Zuckerberg từng lo Google mua lại Instagram và Facebook Messenger không thể vượt WhatsApp

Mark Zuckerberg từng lo Google mua lại Instagram và Facebook Messenger không thể vượt WhatsApp
5 giờ trướcBài gốc
Trong 10 giờ chất vấn, luật sư của FTC đã truy hỏi Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) về những email cũ đó. Các thông điệp của Mark Zuckerberg tiết lộ sự lo lắng gần như không ngừng về một số đối thủ tiềm năng và mô tả thẳng thắn về những thương vụ quan trọng nhất với công ty.
“Dù chúng ta tin rằng quỹ đạo hiện tại sẽ mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ 5 năm tới, tôi lo rằng điều đó cũng làm suy yếu mạng lưới toàn cầu của chúng ta, gây tổn hại đến thương hiệu công ty, áp đặt một loại ‘thuế chiến lược’ ngày càng lớn lên mọi công việc của chúng ta. Sau đó theo thời gian, chúng ta có thể phải đối mặt với quy định chống độc quyền yêu cầu tách rời các ứng dụng ra”, Mark Zuckerberg viết trong email gửi các lãnh đạo cấp cao Facebook vào năm 2018.
Daniel Matheson, luật sư chính cho FTC, đã nhấn mạnh một phần khác trong lời cảnh báo mang tính tiên tri của Mark Zuckerberg về tương lai công ty.
“Dù hầu hết các công ty đều chống lại việc bị chia tách, nhưng lịch sử doanh nghiệp cho thấy phần lớn các công ty thực tế lại hoạt động tốt hơn sau khi bị tách. Những lợi ích tổng hợp thường ít hơn nhiều người tưởng và cái gọi là ‘thuế chiến lược’ thì thường cao hơn nhiều người nghĩ”, Mark Zuckerberg viết.
“Thuế chiến lược” ở đây tức là chi phí vô hình do phải điều chỉnh chiến lược chung giữa các bộ phận khác nhau.
Khi Daniel Matheson yêu cầu Mark Zuckerberg giải thích suy nghĩ đằng sau lời nhận định đó, tỷ phú sinh năm 1984 người Mỹ có vẻ bối rối.
“Tôi không chắc mình đang nghĩ đến điều cụ thể gì vào lúc đó”, Mark Zuckerberg trả lời khi được hỏi đang đề cập đến lịch sử doanh nghiệp nào vào năm 2018.
Phiên tòa, bắt đầu từ ngày 13.4 và dự kiến kéo dài đến 8 tuần, đã có khởi đầu gây chú ý khi Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg (cựu giám đốc vận hành Meta Platforms) trở thành nhân chứng đầu tiên do bên công tố triệu tập.
Daniel Matheson và các luật sư của ông nhiều lần nhắc đến thông điệp năm 2012 mà Mark Zuckerberg gửi cho bà Sheryl Sandberg, trong đó ông nói thẳng lý do cần phải mua lại Instagram. Trong cùng đoạn hội thoại, Mark Zuckerberg còn đề nghị dạy Sheryl Sandberg chơi game Settlers of Catan.
Settlers of Catan là game chiến lược rất nổi tiếng, được thiết kế bởi Klaus Teuber và phát hành lần đầu vào năm 1995 tại Đức. Người chơi vào vai những người khai hoang trên đảo Catan, cạnh tranh với nhau để xây dựng làng, đường, thành phố nhằm kiếm điểm chiến thắng.
“Messenger không thể vượt WhatsApp. Instagram tăng trưởng quá nhanh khiến chúng ta buộc phải mua họ với giá 1 tỉ USD. Còn Groups và Places, dù là nỗ lực nhỏ hơn, chỉ đạt được chút tiến bộ. Không thể gọi đó là thành công được”, Mark Zuckerberg viết.
Groups và Places là hai tính năng trong hệ sinh thái Facebook, mỗi cái phục vụ một mục đích riêng.
Groups là nơi người dùng có thể tạo hoặc tham gia các nhóm để chia sẻ thông tin, thảo luận, tổ chức sự kiện, hoặc kết nối với những người có cùng sở thích, công việc, cộng đồng...
Places là tính năng được ra mắt vào năm 2010, cho phép người dùng check-in (đánh dấu vị trí hiện tại) tại một địa điểm cụ thể, như quán cà phê, nhà hàng, địa điểm du lịch,…
Năm 2014, Facebook mua lại WhatsApp với giá 19 tỉ USD.
Nếu FTC thắng kiện, chính phủ Mỹ có thể yêu cầu Meta Platforms bán lại Instagram và WhatsApp. Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết chính phủ Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh rằng Meta Platforms đã "củng cố" thế độc quyền của mình bằng cách mua lại hai công ty này, vì FTC từng chấp thuận các thương vụ sáp nhập đó nhiều năm trước.
Tháng 10.2021, Facebook chính thức đổi tên thành Meta Platforms.
Các email cũ cho thấy Mark Zuckerberg gần như lo lắng không ngừng về một số đối thủ tiềm năng - Ảnh: Insider
Nỗi lo lắng thường trực với Mark Zuckerberg
Meta Platforms đã cố gắng giảm nhẹ tác động từ các thông điệp của Mark Zuckerberg. Mark Hansen, luật sư chính của công ty, cho rằng nhà đồng sáng lập Facebook buộc phải lo lắng vì đó là một phần công việc.
“Có phải ở Meta, người ta hay đùa rằng anh lúc nào cũng lo lắng và cho rằng thế giới sắp sụp đổ không?”, Mark Hansen hỏi Mark Zuckerberg.
Mark Zuckerberg đáp lại rằng nếu đó là một trò đùa thì “chắc là họ đùa sau lưng tôi”, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng lo lắng là đặc trưng ở Thung lũng Silicon.
Mark Hansen nói dù chính phủ Mỹ đưa ra nhiều ví dụ về việc Mark Zuckerberg lo sợ sự trỗi dậy của Instagram và WhatsApp, tỷ phú này cũng từng quan ngại về những mạng xã hội hiện không còn tồn tại, chẳng hạn Path. Trong một email, Mark Zuckerberg còn bày tỏ lo ngại rằng Dropbox có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với Facebook. Điều này cuối cùng đã không xảy ra.
“Tôi bắt đầu lo ngại hơn về Path. Trong số các startup mạng xã hội mới, Path là cái tên duy nhất đi thẳng vào trọng tâm của những gì chúng ta đang cố gắng làm liên quan đến danh tính và chia sẻ bạn bè”, Mark Zuckerberg viết trong email năm 2012 gửi các lãnh đạo cấp cao Facebook ở chuỗi thư có tên Aquarium. Đây là cái tên dí dỏm cho một trong những phòng hội nghị trong trụ sở Facebook ở thành phố Menlo Park (bang California, Mỹ).
Những lo ngại trước đây của Mark Zuckerberg càng trở nên phù hợp khi chúng liên quan đến Instagram và WhatsApp. FTC cho rằng Facebook đã thâu tóm hai công ty đó vì lo sợ rằng, với cơ sở người dùng lớn, một trong hai có thể phát triển thành một Facebook thứ hai.
“Nếu Instagram tiếp tục thành công trên thiết bị di động hoặc nếu Google mua lại họ, thì trong vài năm tới, Instagram hoàn toàn có thể bổ sung những tính năng giống với chúng ta. Nếu họ có càng nhiều ảnh người dùng thì đó là mối đe dọa thực sự”, Mark Zuckerberg viết trong email năm 2011.
Về WhatsApp, chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều thông điệp trong đó Mark Zuckerberg bày tỏ lo lắng về ứng dụng nhắn tin này trở nên phổ biến bên ngoài nước Mỹ, và một thông điệp khác cho thấy ông không mấy ấn tượng với lãnh đạo của nó.
“Tôi thấy ông ta khá ấn tượng, nhưng đáng thất vọng (hoặc có thể là tích cực cho chúng ta) là không có tham vọng”, Mark Zuckerberg viết năm 2012 sau khi gặp Jan Koum, đồng sáng lập WhatsApp.
Mark Zuckerberg có vẻ bất ngờ khi bị Mark Hansen hỏi về email này. Tỷ phú công nghệ cho biết ý của ông lúc đó là đã nhận ra Jan Koum không muốn định hướng hoặc kiếm tiền từ WhatsApp theo cách khiến Facebook phải lo lắng.
FTC trình bày nhiều thông điệp khác cho thấy Mark Zuckerberg thất vọng với nỗ lực của Facebook trong việc phát triển một ứng dụng camera cạnh tranh khi Instagram ngày càng phổ biến.
“Chuyện gì đang diễn ra với đội ngũ ảnh của chúng ta vậy?... Có vẻ như chúng ta đang có một vấn đề nghiêm trọng cần phải giải quyết ở đây”, Mark Zuckerberg viết trong thông điệp năm 2011, một phần bị bôi đen khi trình trước tòa.
Sơn Vân
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/mark-zuckerberg-tung-lo-google-mua-lai-instagram-va-facebook-messenger-khong-the-vuot-whatsapp-231729.html