Máy bay F-35 Lightning của Mỹ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Petrovec, gần Skopje, Macedonia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nguồn tin từ Identité Juive, Bộ Quốc phòng Mỹ đang hoàn tất thỏa thuận bán 32 chiếc F-35 Lightning II cho Không quân Hoàng gia Maroc. Thương vụ này không chỉ bao gồm việc mua sắm máy bay mà còn đi kèm gói bảo dưỡng kéo dài 45 năm, với tổng chi phí dự kiến vượt 17 tỷ USD. Nếu hợp đồng chính thức được ký kết, lực lượng không quân Maroc sẽ có bước phát triển đáng kể về năng lực tác chiến, nâng cấp vượt bậc so với phi đội F-16 hiện có.
Các cuộc đàm phán về hợp đồng F-35 của Maroc được cho là đã diễn ra trong giai đoạn 2020 - 2022, với sự hỗ trợ từ Israel nhằm thúc đẩy đối thoại với chính quyền Mỹ. Một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz và Bộ trưởng Quốc phòng Maroc Abdellatif Loudiyi vào tháng 11/2021 được cho là đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Maroc và Algeria.
Algeria đã ký hợp đồng mua 14 tiêm kích Su-57 từ Nga, bên cạnh các dòng Su-34 và Su-35 nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân. Nếu thương vụ này được thực hiện, Algeria có thể trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Nga sở hữu Su-57.
Nỗ lực sở hữu F-35 của các quốc gia Arab trước đây đã gặp nhiều thách thức. Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu đặt mua 30 chiếc F-35A và có kế hoạch mở rộng lên 100 chiếc, nhưng bị loại khỏi chương trình vào năm 2020 do quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, dẫn đến lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ký thỏa thuận mua 50 chiếc F-35 vào tháng 1/2021 với tổng trị giá 23 tỷ USD, nhưng đến tháng 12 cùng năm, UAE đơn phương đình chỉ thương vụ, viện dẫn các yêu cầu kỹ thuật, hạn chế về chủ quyền hoạt động và chi phí. Tháng 9/2024, một quan chức cấp cao UAE xác nhận các cuộc thảo luận về F-35 với Mỹ không có tiến triển đáng kể.
Qatar bày tỏ quan tâm đến F-35 vào năm 2020, nhưng chính sách của Mỹ về duy trì lợi thế quân sự của Israel đã ngăn cản tiến trình này.
Saudi Arabia đã thể hiện sự quan tâm đến F-35 từ năm 2012 nhưng không đạt được thỏa thuận do các lo ngại của Mỹ về ổn định khu vực, vấn đề nhân quyền và ưu tiên duy trì lợi thế quân sự của Israel. Điều này khiến Riyadh có thể hướng đến việc mua 100 tiêm kích KAAN do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển như một giải pháp thay thế.
Việc Algeria sở hữu Su-57 và Maroc có khả năng mua F-35 có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở Bắc Phi, làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang. Tình hình này cũng có thể thúc đẩy các quốc gia khác trong khu vực, như Tây Ban Nha, đánh giá lại chiến lược quốc phòng và cân nhắc khả năng mua F-35 để duy trì thế cân bằng chiến lược.
Bên cạnh F-35, Maroc đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội với việc mua sắm nhiều vũ khí tiên tiến khác từ Mỹ và phương Tây, bao gồm trực thăng AH-64E Apache, xe tăng M1A2 SEPv3 Abrams, xe bọc thép Bradley và máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian. Tại Triển lãm Hàng không Marrakech lần thứ 7 từ ngày 30/10 đến 2/11/2024, Maroc đã giới thiệu chiếc trực thăng Apache đầu tiên, đồng thời trưng bày F-35 như một phần của chiến lược nâng cao năng lực không quân.
Việc tăng cường sức mạnh không quân của Maroc diễn ra trong bối cảnh khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là vấn đề Tây Sahara. Nếu thương vụ F-35 được hoàn tất, đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong chiến lược quân sự của Maroc, có thể tác động sâu rộng đến an ninh khu vực trong thời gian tới.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo identitejuive.com/armyrecognition.com/military.africa)