Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trên sân pickleball ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoài đời. Ảnh minh họa: @jiahuuiii/Instagram.
Chị Hoàng Tuyết (phường Bình Thạnh, TP.HCM) từng chơi thân với một nhóm mẹ bỉm sống cùng tầng trong chung cư. Các con chơi với nhau, các mẹ thường xuyên tụ họp, trò chuyện đủ chuyện từ ăn dặm đến học phí.
Khi biết gần nhà có lớp học pickleball, cả nhóm 6 người rủ nhau đăng ký học với mục đích giảm cân. Ban đầu ai nấy hào hứng, đánh sân đều đặn, không khí vui vẻ. Nhưng chỉ vài tháng sau, những mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.
Sau 2 tháng, trình độ bắt đầu cách biệt. Chị Tuyết là người có tố chất, tập đều, học thêm kỹ thuật nên đánh tốt dần lên. Còn vài thành viên khác vẫn vụng về, đánh không ổn nhưng dễ tự ái. Khi chị Tuyết đánh nhanh hay mạnh, thậm chí đập bóng theo phản xạ, bạn trong nhóm liền tỏ thái độ hờn dỗi, khó chịu ra mặt.
Không muốn làm mất lòng, chị Tuyết vẫn đi chơi, đi ăn cùng nhóm. Nhưng riêng chuyện đánh pickleball cùng, chị dần từ chối. Nhiều lần được rủ, chị viện cớ bận, trong khi lại lén ra sân khác chơi.
“Khi bị phát hiện, họ nhìn tôi như người đi ngoại tình. Có người bóng gió ‘giờ lên tay rồi, chắc quên nhóm cũ’. Còn tôi đi đánh là để tiến bộ, không thể mãi chơi kiểu dưỡng sinh”, chị Tuyết khẳng định.
Nhiều người chơi pickleball cũng gặp tình trạng tương tự khi xích mích, mâu thuẫn từ sân đấu dẫn đến mất bạn bè thân thiết. Sự khác biệt về trình độ, cách chơi hay thái độ dễ gây ra hiểu lầm, tổn thương không đáng có.
Mất bạn bè, đồng nghiệp
Khi mâu thuẫn tích tụ, những buổi tụ tập, ăn uống các gia đình cùng chung cư của chị Tuyết sau đó trở nên ngượng ngùng. Nhóm chat im ắng dần, thậm chí các thành viên khác còn lập group riêng để nói xấu chị. Một thời gian sau nhóm tan rã.
Với chị Tuyết, việc mất bạn là điều không mong muốn, nhưng chọn chơi với nhóm có kỹ thuật tốt là quyết định cá nhân. “Đánh cùng người yếu không hẳn là vấn đề, nhưng đánh mà không ai chịu học hỏi, rồi dỗi vì tôi đánh đúng luật thì tôi không chịu nổi”, chị nói.
Anh Phạm Minh (Đà Nẵng) chơi pickleball được gần 1 năm, hầu như tuần nào cũng ra sân 3-4 buổi. Anh được bạn bè nhận xét đánh khá ổn, từng tham gia giải phong trào trong thành phố. Tuy nhiên, anh cũng gặp phải nhiều mâu thuẫn trên sân với đồng nghiệp và bạn bè thân thiết. Có những người vì để thua một quả là đổ lỗi hoặc đánh không hiểu ý lại quay sang trách nhau.
Anh Minh từng gặp mâu thuẫn với bạn trên sàn đấu.
Đỉnh điểm là lần khi đang dẫn điểm trong trận đôi, anh Minh nôn nóng muốn kết thúc nhanh nên chủ động thay đổi chiến thuật, chuyển sang lối đánh tấn công. Việc này khiến người đồng nghiệp thân thiết bất ngờ, không theo kịp, nhịp trận đấu vỡ hoàn toàn và cuối cùng họ thua ngược.
Sau trận, không khí khá nặng nề. Đồng nghiệp của anh Minh im lặng, không nói câu nào. Khi anh chủ động hẹn trận tiếp theo, người này chỉ xem tin nhắn chứ không trả lời. Tình trạng im lặng kéo dài suốt 1 tuần dù cả hai vẫn làm việc chung trên công ty.
Tiếp xúc với pickleball 1 năm trước và gắn bó đều đặn đến giờ, anh Văn Dũng (phường Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định điều khiến anh thấy khó xử nhất là khi đánh cặp cùng những người bạn có tính ăn thua. Có người trình độ không hơn bao nhiêu, nhưng chỉ cần đánh hỏng một quả là quay sang trách móc, ném vợt, đôi khi còn quát anh ngay giữa sân.
Đó là lý do có một vài người bạn, dù quen biết, thân thiết khá lâu, anh Dũng chủ động không chơi cùng. “Không phải ghét bỏ, chỉ là tôi không muốn gây gổ vô cớ. Tranh cãi giữa trận khiến cả hai mất hứng”, anh nói.
Có lần anh Dũng bị tranh cãi vì bóng sát biên. Người bạn của anh khăng khăng là ngoài trong khi anh chắc chắn là trong sân. Sau đó, cả hai phải nhờ sân xem lại camera mới phân định rõ. Khi biết thua, đối thủ dù là bạn nhưng cũng tỏ ra khó chịu, gương mặt bộc lộ sự không thoải mái rất rõ ràng khiến anh Dũng có chút khó xử.
Anh Dũng gặp rất nhiều đối thủ là bạn bè nhưng thái độ trên sân không hề tốt.
Chị Vũ Thêu (xã Hoài Đức, Hà Nội) chơi pickleball hơn 5 tháng. Ban đầu, chị học thầy 1:1 rồi chuyển sang chơi theo nhóm.
Có lần, trong trận đấu, đối thủ là một người bạn chơi khá thân đánh mạnh trúng môi khiến chị Thêu chảy máu và sưng gần một tuần. Chị rất giận, cho rằng tranh cãi trước đó khiến bạn chơi cố tình mạnh tay. Chị cảm thấy không được tôn trọng.
Không chỉ vậy, chị Thêu còn gặp khó chịu khi đồng đội chê trách ngay trên sân mỗi lần đánh hỏng. Những lời phán xét không trực tiếp nhưng thái độ khiến không khí trên sân trở nên căng thẳng, làm chị mất hứng chơi.
“Thể thao là để vui. Phán xét nhau trên sân không giúp ai tiến bộ cả”, chị nói.
“Giữ cái đầu lạnh”
Sau 1 năm chơi, nhìn lại câu chuyện mất bạn vì pickleball, chị Hoàng Tuyết không còn thấy quá buồn nhưng vẫn có chút tiếc nuối. Ban đầu, nhóm mẹ bỉm là chỗ dựa tinh thần lớn, chia sẻ nhiều câu chuyện ngoài sân chơi. Tuy nhiên, khi mục tiêu chơi của chị chuyển sang nâng cao trình độ còn nhóm cũ giữ phong cách chơi thoải mái, mâu thuẫn là điều khó tránh.
Chị Tuyết cho rằng không nên đem cảm xúc cá nhân vào sân đấu, cũng không nên ép buộc phải chơi cùng khi cách chơi không hợp. Có thể vẫn giữ mối quan hệ bạn bè ngoài đời, chia sẻ những câu chuyện bỉm sữa đời thường thay vì căng thẳng trên sân. Giữ được sự tôn trọng và khoảng cách phù hợp giúp giữ gìn tình bạn lâu bền hơn.
Về phần nhóm mẹ bỉm cùng chung cư, nếu lỡ gặp nhau chỉ chào hỏi xã giao chứ không còn niềm nở, thân thiết. Mỗi lần có dịp tụ tập, chị Tuyết đẩy cho chồng sang trông con để tránh không khí ngại ngùng.
Với chị Vũ Thêu, bị bạn đánh khá mạnh nhưng sau khi xem lại tình huống, chị thừa nhận lỗi là ở mình vì đã đứng sai vị trí, phản xạ chưa đủ nhanh. “Tôi giận tím người khi bị đập trúng, nhưng cũng hiểu nếu kỹ hơn đã tránh được. Không thể trách mãi được”, chị kể.
Thời điểm hiện tại, chị Vũ Thêu đã học được cách xử lý mâu thuẫn khi chơi bóng.
Đó là câu chuyện cách đây khá lâu. Còn thời điểm hiện tại, chị Thêu vẫn chơi đều, giữ được tinh thần tích cực. Những lúc bất đồng về bóng trong - ngoài, chị chủ động đề xuất đánh lại hoặc nhờ sân xem camera nếu cần. Theo chị, điều quan trọng là không để những chi tiết nhỏ làm hỏng tinh thần cả trận.
Giờ đây chị Thêu ưu tiên những người bạn chơi tôn trọng nhau, chơi để khỏe và nâng trình cùng nhau, không phải để thể hiện. “Tôi yếu, tôi nhận. Tôi đánh bóng hỏng sẽ xin lỗi. Vấn đề là phải giữ được tinh thần cầu thị”, chị nhận định.
Sau trận thua và làm đồng nghiệp giận, anh Phạm Minh chủ động hẹn uống nước, cùng ngồi lại phân tích. “Tôi thẳng thắn nhận lỗi, sai thì nói ra, không để trong lòng. Mỗi lần như vậy là một lần học được thêm”, anh cho biết.
Theo anh Minh, vấn đề lớn nhất không phải là kỹ thuật, mà là cái tôi của người chơi. Anh từng chứng kiến những người bạn dù chơi với nhau lâu nhưng vị tự ái mà ném vợt giữa sân, rồi bỏ về giữa chừng. “Sân chơi mà mang tâm lý hơn thua thái quá thì không còn vui nữa”, anh chia sẻ.
Mỗi lần có va chạm là một lần rèn kỹ năng mềm, không chỉ kỹ thuật sân. Nhờ pickleball, anh Minh học được cách kiểm soát cái tôi, giảm phản ứng tức thì và biết chủ động sửa lỗi. Với anh, việc chơi chung lâu dài quan trọng hơn một trận thắng. Anh cho rằng chọn đồng đội khó hơn chọn vợt, đặc biệt người đó còn là bạn bè hay đồng nghiệp của mình. Người hiểu ý, chia sẻ được áp lực mới giữ được mối quan hệ bền.
Còn anh Văn Dũng, những lúc thấy thái độ bạn khó chịu, cáu gắt, anh cố gắng giữ bình tĩnh, đồng ý đánh lại để tránh mất hòa khí.
Cách chơi của anh là luôn thể hiện tinh thần tích cực: bắt tay, động viên, không đổ lỗi. “Tôi không quá đặt nặng chuyện thắng thua. Sân là nơi để rèn luyện, giao lưu, không phải nơi để giành giật từng điểm mà gây căng thẳng đến nỗi mất cả tình bạn, tình đồng nghiệp”, anh nói.
An Chi