Mặt bằng bán lẻ nhà phố tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bị cạnh tranh khốc liệt. Ảnh minh họa: Anh Tú
Báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh trong quý I-2025 cho thấy mặt bằng bán lẻ nhà phố tiếp tục bị cạnh tranh khốc liệt với các trung tâm hiện đại, nơi đa dạng hàng hóa và dịch vụ hơn.
Cụ thể, trong quý I, công suất bất động sản bán lẻ hiện đại, bao gồm trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, trung tâm bách hóa và siêu thị duy trì ở mức cao, đạt 94%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Sự tăng trưởng công suất theo năm được thúc đẩy nhờ nhu cầu cao thuộc ngành F&B, giải trí, thiết bị gia dụng và nội thất cùng mức hấp thụ tốt tại các dự án mới.
Các dự án trung tâm thương mại mới như Thiso Mall Sala, Parc Mall, Vincom Mega Grand Park và Centre Mall Võ Văn Kiệt đều ra mắt với công suất đạt ít nhất 70%. Đáng chú ý, Centre Mall Võ Văn Kiệt (quận 6) dù mới khai trương nhưng đã ghi nhận công suất 88%.
Khách thuê lớn với diện tích trên 500m2/khách thuê chiếm hơn 1/3 diện tích cho thuê từ bốn nhóm khách chính: Giáo dục, sức khỏe, sắc đẹp, thiết bị gia dụng và nội thất.
Ngược lại, mặt bằng bán lẻ nhà phố đang gặp nhiều thách thức và cạnh tranh khốc liệt với bán lẻ hiện đại, nơi đa dạng hàng hóa và dịch vụ hơn. Tỷ lệ trống của các mặt bằng bán lẻ nhà phố vẫn chưa phục hồi lại thời hoàng kim trước đại dịch Covid-19.
Giá thuê trung bình hiện tại của các mặt bằng bán lẻ tại các tuyến phố lớn tại thành phố Hồ Chí Minh hiện thấp hơn 10-20% so với giai đoạn năm 2019. Chủ nhà tiếp tục có ưu đãi như kéo dài thời gian giữ nguyên giá thuê, giãn lịch thanh toán, giảm tiền đặt cọc hoặc linh hoạt hơn trong thời hạn thuê nhưng tình trạng mặt bằng bị bỏ trống đến nay vẫn thường xuyên tiếp diễn ở cả các vị trí đắc địa và sầm uất.
Theo bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao bộ phận nghiên cứu Savills thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự khác biệt rõ nét về bản chất và cách thức vận hành giữa mặt bằng nhà phố và trung tâm thương mại cũng là yếu tố quan trọng khiến các thương hiệu bán lẻ ngày càng ưu tiên lựa chọn trung tâm thương mại.
"Mặt bằng nhà phố, nếu không nằm tại vị trí thực sự đắc địa, sẽ khó tạo được hiệu ứng lan tỏa tương tự. Với mô hình cửa hàng mặt phố, người tiêu dùng phải chủ động tìm đến thương hiệu. Ngược lại, tại trung tâm thương mại, họ dễ dàng “bắt gặp” các thương hiệu - một hình thức “mua sắm qua cửa kính”, tạo cơ hội tiếp cận tự nhiên với khách hàng tiềm năng ngay cả khi chưa có nhu cầu cụ thể", bà Cao Thị Thanh Hương nêu.
Khánh An