Mặt bằng 'xôi đỗ', nhà thầu cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang thi công cầm chừng

Mặt bằng 'xôi đỗ', nhà thầu cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang thi công cầm chừng
4 giờ trướcBài gốc
Vướng 400m ruộng bỏ không, phải đi vòng 2,5km
Những ngày cuối tháng 11, trên công trường Gói thầu số 22 thuộc địa bàn xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thuộc Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), việc thi công các hạng mục đang được đẩy nhanh, gấp gáp hơn để bù lại khoảng thời gian công trường bị đình trệ do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phùng Văn Bắc, Chỉ huy trưởng gói thầu số 22 cho biết, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đã huy động 180 thiết bị máy móc cùng khoảng 200 nhân lực tổ chức đồng loạt triển khai 4 mũi thi công chính trên toàn bộ gói thầu.
Cũng theo ông Bắc, hiện đã qua mùa mưa, nhà thầu đang tích cực thi công để bù lại tiến độ.
Trong số 10km nhà thầu đảm nhận (Km 55 - Km 65), hiện đã được bàn giao 6,5km để thi công. Sản lượng đạt khoảng 60 - 70% khối lượng nền cùng toàn bộ hệ thống thoát nước, công nhân trên tuyến đảm bảo thời gian làm 2 ca/ngày.
Nhà thầu tích cực thi công để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Dù được thời tiết ủng hộ, tuy nhiên tại một số đoạn tuyến, đơn vị vẫn đang phải thi công cầm chừng do vướng mắc mặt bằng. Hiện trên gói thầu số 22, có 4 phân đoạn đang bị vướng mắc.
Dẫn PV tới hiện trường, ông Bắc cho biết phân đoạn vướng mắc nhiều nhất là thôn Cọ Nà Tâm thuộc xã Phù Lưu, Hàm Yên (Tuyên Quang).
Tại đây, 400m đất ruộng (Km 57+150 - Km 57+550) vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị thi công do chưa đền bù GPMB.
"Đây là nút thắt thông tuyến để mở đường công vụ. Do chưa được bàn giao, đơn vị thi công phải chạy đường vòng qua tỉnh lộ 189 khoảng 2,5km, vừa phát sinh chi phí, vừa gây ảnh hưởng đời sống người dân.
Phân đoạn này là nền đường tuyến chính, để thi công hoàn chỉnh cả kết cấu mặt đường phải mất từ 12 - 15 tháng. Nếu sau tháng 12 mới bàn giao mặt bằng thì tiến độ thi công sẽ bị chậm", ông Bắc lo lắng.
400m đất ruộng, nút thắt thông tuyến tại gói thầu số 22 hiện vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị thi công.
Cũng tại đoạn tuyến này, PV ghi nhận còn 4 hộ dân thuộc tuyến chính và 14 hộ thuộc tuyến nhánh chưa thực hiện di dời.
Theo ông Bắc, các hộ này đã nhận hết tiền đền bù nhưng chưa chuyển ra nơi ở mới vì khu tái định cư chưa hoàn chỉnh.
"Hiện chúng tôi còn 3 phân đoạn khác gặp vướng mắc mặt bằng bao gồm: từ Km 55 - Km 55+400 và Km 58+600 - Km 58+900, đều vướng đất lâm trường, tuyến bị ngắt quãng.
Từ Km 59+200 - Km 59+450, vướng hộ gia đình ông Bàn Văn Quân và ông Trương Văn Anh, chưa thỏa thuận được giá đền bù.
Dù máy móc và nhân lực đều đã được huy động sẵn sàng, tuy nhiên hiện nay trên tuyến vẫn còn 3,5km chưa thể thi công".
Nhiều hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Trước đó, vào đầu tháng 11, trực tiếp lãnh đạo tỉnh, huyện và xã đã tới hiện trường và thống nhất phương án, với những hộ không vướng mắc đến chi trả tiền sẽ phải giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu trước 15/11.
Những hộ còn vướng mắc chi trả tiền sẽ trả mặt bằng trước 30/11. Đến nay đã gần cuối tháng 11 nhưng đơn vị vẫn chưa được bàn giao thêm mặt bằng để thi công", ông Phùng Văn Bắc, Chỉ huy trưởng gói thầu số 22 thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chia sẻ.
Lên phương án bảo vệ thi công
Không chỉ riêng tại gói thầu số 22 gặp vấn đề liên quan đến mặt bằng, nhiều gói thầu khác thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang cũng đang trong tình trạng tương tự do đoạn qua huyện Hàm Yên vướng nhiều diện tích đất lâm trường.
Theo lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang, nhiều nhà thầu cũng đã có ý kiến với chủ đầu tư về việc đã tập trung nhân lực, thiết bị, máy móc nhưng chưa được bàn giao mặt bằng dẫn đến nguy cơ "đói việc".
Tại gói thầu số 24 do Tập đoàn Đèo Cả thi công, hiện vẫn còn 6 cây cầu thi công cầm chừng do vướng mắc mặt bằng.
Cụ thể, cầu Lang Quán (Km 23+647), do chưa dịch chuyển đường điện cao thế, đơn vị không thể tiếp tục thi công.
Tại khu vực cầu cạn Km 48+301, nhà thầu mới chỉ được nhận bàn giao một phần mặt bằng.
Cầu vượt tại Km 54+175, nhà thầu chưa nhận được mặt bằng để thi công. Cầu Suối thụt tại Km 57+591, đơn vị thi công chỉ có mặt bằng 1 bên mố cầu.
"Đáng lo ngại nhất là cầu vượt nút giao QL2 tại Km 42+887 chưa được bàn giao mặt bằng do vướng các hộ dân. Đến nay đã cuối tháng 11, tiến độ thi công chủ đạo cây cầu này ước tính khoảng 12 tháng.
Hiện chúng tôi đã huy động 81 máy móc, thiết bị chuyên dụng, cùng khoảng 160 nhân lực, nhưng cũng đang thi công cầm chừng.
Nếu không được bàn giao mặt bằng sớm, rất có thể sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ công trình", một cán bộ kỹ thuật thuộc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hà Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Yên cho biết: "Lãnh đạo huyện đã làm việc với các công ty có diện tích trên đất lâm trường và Tổng công ty Giấy Việt Nam.
Phía công ty hoàn toàn nhất trí với phương án trả đất để làm cao tốc và hiện đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục".
Máy móc, phương tiện thi công cầm chừng do chưa có mặt bằng.
Về vấn đề các hộ dân chưa di dời để thực hiện giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Từ đầu năm đến nay, huyện Hàm Yên là một trong những huyện bàn giao mặt bằng nhiều nhất (48km trên tổng chiều dài toàn tuyến), còn những "điểm găng" trực tiếp ảnh hưởng đến tuyến độ cần làm công tác tuyên truyền, vận động.
Các nhà thầu cũng đã lên phương án và đồng thuận hỗ trợ trước phần đền bù liên quan đến đất nông, lâm nghiệp để nhanh chóng có mặt bằng thi công. Tất cả vì mục tiêu chung hoàn thành dự án đúng tiến độ".
Khu tái định cư chưa được hoàn thiện là một trong những nguyên nhân người dân chưa bàn giao mặt bằng.
Do trên địa bàn huyện Hàm Yên thường xuất hiện mưa (từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm) nên việc các nhà thầu cần sớm có mặt bằng để hoàn thiện phần đắp nền là rất cần thiết.
Hiện còn một vài điểm nóng vẫn chưa giải phóng được mặt bằng để đảm bảo thông tuyến và thi công nền đường.
Cụ thể, tại gói thầu số 23, hộ ông La Văn Chinh có diện tích ao và đồi nằm trong diện tích thi công cống hộp của dự án. Dù đã được Ban QLDA vận động, tuy nhiên hộ này không chịu tháo ao cho đơn vị thi công.
Còn tại hộ gia đình ông Cương, theo bản đồ 299 là đất HTX, tuy nhiên hộ này khẳng định là đất cá nhân.
Tại hộ gia đình ông Khoa, xã Minh Khương, gia đình đã nhận tiền nhưng không nhận tái định cư bởi không được vị trí đất tái định cư như mong muốn.
Tại gói thầu số 22, đoạn qua thôn Cọ Nà Tâm và thôn Thụt, còn 44 hộ với diện tích là 4,7 ha đã được huyện Hàm Yên và Ban QLDA tổ chức vận động, tạm ứng 100% kinh phí bồi thường, tuy nhiên các hộ gia đình chưa đồng ý và đang kiến nghị về đơn giá.
Theo ông Hà Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Yên, đối với các hộ dân không phối hợp giải phóng mặt bằng, UBND huyện cũng đã lên các phương án tuyên truyền, vận động. Nếu sau 3 lần không được sẽ tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công.
Tại kết luận trong buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu, các sở, ban ngành, lãnh đạo địa phương cần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các khu tái định cư, tổ chức giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ tái định cư đã nhận tiền bồi thường.
Không chỉ gặp vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, các nhà thầu thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hiện còn đang gặp khó khăn trong vấn đề đổ thải. Theo thông tin PV Báo Giao thông nhận được, hiện các nhà thầu đang phải tạm thời tập kết đất, đá thải ra khu vực mặt bằng của dự án (giai đoạn 2).
Đăng Minh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/mat-bang-xoi-do-nha-thau-cao-toc-tuyen-quang-ha-giang-thi-cong-cam-chung-192241125211213599.htm